Tin mới nhất

09 mục tiêu y tế TP HCM năm 2022

Đánh giá khó dự báo Covid-19 trong năm 2022, Sở Y tế TP HCM đề ra 9 mục tiêu, chủ yếu kiểm soát dịch dựa trên những bài học kinh nghiệm thời gian qua.

Trong đợt dịch thứ 4, ngành y tế còn nhiều hạn chế trong dự báo, xét nghiệm, điều trị, năng lực y tế cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu…, theo Sở Y tế. Chiến dịch tiêm vaccine với quy mô chưa từng có cũng tồn tại nhiều thiếu sót. Việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa hiệu quả, các phần mềm gặp nhiều trục trặc, từ phần mềm khai báo y tế đến tiêm chủng vaccine… chưa kết nối hiệu quả.

Thành phố đã từng bước khắc phục, điều chỉnh chiến lược, triển khai nhiều mô hình đổi mới sáng tạo như “bệnh viện chị” hỗ trợ trực tiếp cho “bệnh viện em”, lần đầu lập hàng trăm trạm y tế lưu động, xây dựng bệnh viện dã chiến 3 tầng, mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành, tư vấn F0 từ xa, cải biến xe vận chuyển hành khách và taxi trở thành xe vận chuyển người bệnh, chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng…

“Đến nay, thành phố đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên với tính chất phức tạp của dịch bệnh trên toàn cầu, rất khó dự báo dịch sẽ diễn biến theo chiều hướng nào trong năm 2022”, theo Sở Y tế. Trước tình hình này, Sở Y tế xây dựng 9 chiến lược vừa kiểm soát dịch, vừa củng cố hệ thống y tế, mục tiêu cuối cùng là chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn.

Chiến lược y tế thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh

Ngành y tế tiếp tục triển khai tiêm vaccine Covid-19 và hoạt động phòng chống dịch, sẵn sàng nhân lực, nâng cao chất lượng quản lý, chăm sóc và điều trị người mắc Covid-19. Một trong những mũi nhọn là tập trung bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ và các giải pháp làm giảm tử vong.

Nhân viên y tế phường 3, quận 8, TP HCM đến thăm khám, tặng thuốc cho người mắc Covid-19 điều trị tại nhà, ngày 29/8/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Nhân viên y tế phường 3, quận 8, TP HCM đến thăm khám, tặng thuốc cho người mắc Covid-19 điều trị tại nhà, ngày 29/8/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Khôi phục các hoạt động khám, chữa bệnh

Sở Y tế TP HCM tái cấu trúc các cơ sở khám chữa bệnh, đảm bảo điều trị cho người bệnh Covid-19 và không Covid-19. Ngành y tế sẽ xác định mô hình bệnh tật hậu Covid-19 và cung ứng các dịch vụ tương ứng, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.

Thành phố đẩy mạnh chuyển đổi mô hình hoạt động theo nguyên lý y học gia đình tại trạm y tế, chăm sóc người mắc các bệnh mạn tính. Năng lực hồi sức cấp cứu tại các cơ sở khám chữa bệnh, hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn, dược lâm sàng sẽ được củng cố.

Ổn định thu nhập bệnh viện trong tình hình dịch kéo dài

Nhiều bệnh viện, trung tâm y tế thời gian qua ảnh hưởng nguồn thu nghiêm trọng do ít bệnh nhân đến khám, nhân viên y tế đi hỗ trợ tuyến đầu chống dịch, bệnh viện tạm ngưng khám chữa bệnh dịch vụ, chuyển đổi công năng điều trị Covid-19…

Sở Y tế sẽ nghiên cứu và đề xuất các cơ chế giúp các đơn vị ổn định tài chính trong tình hình dịch bệnh kéo dài, nâng cao năng lực quản lý tài chính.

Tăng nhân lực y tế

Sở Y tế TP HCM năm nay thực hiện đề án chuyển đổi Trung tâm y tế và Bệnh viện quận huyện, TP Thủ Đức về địa phương quản lý. Ngoài ra, ngành y tế sẽ triển khai đề án nâng cao năng lực y tế cơ sở, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyên khoa tại bệnh viện; thu hút nguồn nhân lực đối với các vị trí việc làm khó tuyển dụng.

Phát triển công nghiệp dược, nâng cao năng lực Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM

Thành phố khởi động đề án nâng cao năng lực Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật ngang tầm các nước trong khu vực; cùng đề án phát triển công nghiệp dược thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Các cơ sở khám chữa bệnh nâng cao năng lực cung ứng và quản lý thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Sở Y tế TP HCM tăng cường giám sát, thanh kiểm tra công tác đấu thầu mua sắm tại các cơ sở y tế công lập.

Chuyển đổi số, xây dựng dữ liệu lớn của ngành y tế

Thành phố tiếp tục tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử của từng người trên địa bàn sau những tháng gián đoạn vì Covid-19, từ đó xây dựng dữ liệu lớn về tình hình sức khỏe của người dân, giúp đánh giá và dự báo mô hình bệnh tật.

Ngoài ra, thành phố xây dựng nền tảng số quản lý dịch bệnh Covid-19, triển khai hệ thống điều hành mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện, thí điểm phần mềm quản lý trang thiết bị y tế. Ngành y tế cũng tập trung xây dựng nền tảng liên thông, kết nối dữ liệu về phòng chống dịch và dữ liệu khám, chữa bệnh. Xây dựng dữ liệu lớn về chứng chỉ hành nghề dược, chuyển đổi số công tác quản lý cơ sở hành nghề dược và mỹ phẩm.

Đẩy nhanh xây dựng bệnh viện

Một loạt công trình xây dựng mới dự kiến sẽ hoàn thành và hoạt động năm nay, bao gồm Bệnh viện Truyền máu Huyết học, Bệnh viện Nguyễn Trãi, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Pháp y.

Các công trình đã hoàn thành sẽ được đưa vào hoạt động, bao gồm Bệnh viện Ung bướu (cơ sở 2), Khu Kỹ thuật cao của Bệnh viện Nhân dân 115. Cơ sở hạ tầng các trạm y tế phường, xã cũng sẽ được nâng cấp đủ điều kiện hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.

Cải cách thủ tục hành chính

Thành phố xây dựng trang thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19, đánh giá bộ tiêu chí chất lượng về công tác truyền thông và giáo dục sức khỏe.

Về thủ tục hành chính, ngành y tế triển khai dịch vụ công trực tuyến tại các đơn vị, tích hợp vào Cổng dịch vụ công trực tuyến của Sở; áp dụng chữ ký số khi gửi và nhận văn bản điện tử…

Quản lý hành nghề y dược tư nhân

Sở Y tế TP HCM sẽ triển khai thí điểm các cơ sở hành nghề y dược tư nhân tham gia phòng chống dịch, đồng thời kiểm tra chất lượng các phòng khám đa khoa, chuyên khoa (thẩm mỹ, răng hàm mặt). Thành phố tăng cường thanh tra các cơ sở hành nghề y dược tư nhân, việc bán thuốc kê đơn, cấp tài khoản liên thông trên cổng dữ liệu dược quốc gia cho các cơ sở bán buôn thuốc.

Nguồn: Lê Phương – vnexpress.