Tin mới nhất

17 cựu cán bộ ngân hàng hầu toà trong vụ lừa đảo 433 tỷ đồng

HÀ NỘI – 17 cựu cán bộ thuộc 3 ngân hàng bị cáo buộc liên quan việc Nguyễn Thị Hà Thành thực hiện 26 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 433 tỷ đồng từ năm 2016 đến 2018.

Sáng 5/1, TAND Hà Nội mở phiên xét xử 25 bị cáo về 6 nhóm tội song vắng mặt 2 bị cáo cùng các bị hại, đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VietABank). 5 trong 31 luật sư đăng ký tham gia bào chữa vắng mặt, bao gồm một luật sư của bị cáo Thành.

Trong 25 bị cáo có 17 người là cựu lãnh đạo, nhân viên của Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB), Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VietABank), Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Chúng VN (PVcomBank).

Sau phần hội ý, HĐXX do thẩm phán Phan Huy Cương làm chủ toạ thông báo hoãn phiên toà do việc vắng mặt nêu trên. Tòa cũng trả hồ sơ cho VKSND Hà Nội để làm rõ thêm hành vi của một số bị cáo và các tình tiết khác liên quan. Thời gian mở lại phiên toà chưa được ấn định.

Các bị cáo hầu toà sáng 5/1. Ảnh: Danh Lam

Các bị cáo hầu toà sáng 5/1. Ảnh: Danh Lam

Cáo trạng xác định, Thành quan hệ làm ăn với Nguyễn Thanh Tùng (Giám đốc Công ty Jeongho Lanmark). Từ năm 2016, hai người sử dụng Công ty Jeongho để lập khống các bộ hồ sơ năng lực, mua bán hàng hóa để thế chấp vay ngân hàng.

Tại VietABank, Thành thông qua Nguyễn Thị Thu Hương (Trưởng bộ phận quan hệ khách hàng doanh nghiệp Phòng giao dịch Đông Đô – VietABank) để nói với Quản Trọng Đức (giám đốc chi nhánh Hà Nội, Trưởng phòng giao dịch Đông Đô) rằng Thành sẽ cùng đồng sở hữu gửi lượng tiền lớn và sau đó sẽ cầm cố chính sổ tiết kiệm đó để vay vốn.

VKSND Hà Nội xác định, để “lách” quy định và thực hiện trót lọt, Hương báo cáo Đức sổ tiết kiệm đã bị thế chấp tại ngân hàng nên Thành cần có một loại giấy tờ để chứng minh tài chính khi đi “quan hệ xin dự án”.

Hương đề xuất Đức ngoài việc phát hành một sổ tiết kiệm đồng sở hữu, ngân hàng sẽ phát hành thêm Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn và Giấy đề nghị phong toả. Hai văn bản này trái với quy định ngân hàng nên Hương không nhập vào hệ thống quản lý. “Đức do muốn có thành tích nên đồng ý cho Hương làm trái quy định”, cáo trạng nêu.

Người đồng sở hữu sổ tiết kiệm với Thành khi đến Phòng giao dịch Đông Đô sẽ được Hương tiếp đón, giúp làm hồ sơ. Sau khi hoàn tất thủ tục, thay vì được cầm sổ tiết kiệm như quy định, họ chỉ được nhận Hợp đồng tiền gửi và Giấy đề nghị phong toả do Hương “vẽ” ra.

Hương giải thích khoản tiền gửi đã được phong toả nên nếu không có mặt cả hai người đồng sở hữu thì không thể rút tiền ra được. Khách hàng không được biết về việc VietABank đã phát hành sổ tiết kiệm cho khoản tiền gửi này mà chỉ được cầm bộ hồ sơ để làm tin.

Ngoài ra để đối tác tin tưởng khi gửi tiết kiệm đồng sở hữu, Thành phải bỏ một phần tiền để cùng gửi. Do không có tiền, Thành “vay nóng” của Đặng Thị Quỳnh Hương (Trưởng phòng khách hàng cá nhân Phòng giao dịch Đông Đô – VietABank) với lãi suất cao.

Quỳnh Hương quản lý một số khách có nhiều tiền gửi tiết kiệm nên giới thiệu Thành với những người người này. Tuy không biết Thành là ai, người có sổ tiết kiệm trên thấy hứa hẹn được trả lãi suất cao, lại do Quỳnh Hương bảo lãnh nên tin tưởng, đồng ý cho vay, cáo trạng thể hiện.

Có trường hợp, Hương giúp Thành lập Hợp đồng tiền gửi bằng với số tiền hứa góp của Thành. Tuy nhiên ở sổ tiết kiệm (tiền gửi thực tế vào ngân hàng) chỉ có tiền của người đồng sở hữu với Thành.

Bị cáo  Nguyễn Thị Hà Thành hầu toà sáng 5/1. Ảnh: Danh Lam

Bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành hầu toà sáng 5/1. Ảnh: Danh Lam

Sau khi có sổ tiết kiệm đồng sở hữu, Thành nhờ Hương thế chấp để vay tiền của ngân hàng lên tới 95% giá trị của sổ. Hương chỉ đạo các giao dịch viên, thủ quỹ lập các chứng từ của bộ hồ sơ vay đưa cho Hương để chuyển lại cho Thành và người đồng sở hữu ký.

Trên thực tế, Thành không cho người đồng sở hữu biết việc thế chấp sổ tiết kiệm để vay tiền ngân hàng. Thành và Nguyễn Thanh Tùng tự giả chữ ký của người đồng sở hữu sau đó đưa lại bộ hồ sơ có chữ ký giả này cho Hương để hoàn tất thủ tục giải ngân.

Tháng 3/2018, phát hiện Thành giả chữ ký của những người đồng sở hữu để làm hồ sơ vay tiền tại VietABank, Hương không báo cáo cấp có thẩm quyền. Nữ trưởng phòng lại yêu cầu Thành viết một bản cam kết với nội dung thừa nhận đã giả mạo chữ ký và mọi việc không liên quan Hương.

Cáo trạng xác định, nhóm bị cáo là nhân viên ngân hàng có hành vi duyệt cấp tín dụng, giải ngân cho các khoản vay của Thành mà bỏ qua nhiều khâu kiểm soát. Họ không gặp gỡ khách hàng, chủ sở hữu tài sản đảm bảo để kiểm tra tính xác thực dẫn đến việc bị giả mạo chữ ký. Một số kiểm soát viên với chức năng kiểm soát các giao dịch về tiền gửi, thanh toán để đảm bảo an toàn nhưng đã bỏ qua các bước này nên đồng phạm với Thành.

14 bị cáo khác nguyên cán bộ, lãnh đạo phòng giao dịch của các ngân hàng bị cáo buộc đã “tin tưởng đồng nghiệp, thiếu trách nhiệm trong quá trình làm việc” để cho Thành thực hiện lừa đảo.

Ngân hàng PVCombank hội sở. Ảnh: PVCombank.

Ngân hàng PVCombank hội sở. Ảnh: PVCombank.

Ngoài ra, Thành còn bị cáo buộc dùng nhiều thủ đoạn để vay tiền của ông Đặng Nghĩa Toàn.

Thành đề nghị ông Toàn gửi tiền vào NCB hoặc PVcomBank rồi đưa sổ tiết kiệm cho chị ta quản lý. Thành sẽ trả ngay cho vợ chồng ông Toàn khoản lãi ngoài là 4,2% một tháng. Thành sau đó dùng các sổ tiết kiệm làm tài sản đảm bảo, giả chữ ký, lăn tay của ông Toàn để vay vốn các ngân hàng.

Cáo trạng xác định bằng thủ đoạn trên Thành đã chiếm đoạt 47,5 tỷ đồng của NCB, 49,4 tỷ đồng của PVcomBank.

Ngân hàng tố giác ông Toàn biết rõ Thành dùng sổ tiết kiệm của mình để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Tuy nhiên tài liệu điều tra xác định, Thành và Tùng đã giấu kín việc giả mạo chữ ký của ông Toàn. Hiện, ông Toàn đề nghị NCB, PvcomBank và VietABank phải trả cho lại 122 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm.

Tài liệu điều tra xác định không có đủ căn cứ chứng minh ông Toàn đồng phạm với Thành về việc chiếm đoạt tiền như tố giác của ngân hàng. Thành khai đã trả cho ông Toàn 35 tỷ tiền gốc nên hiện chỉ còn 87 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, bị can Nguyễn Thị Hà Thành và Nguyễn Thanh TùngNguyễn Thị Thu Hương (Ngân hàng TMCP Việt Á) và Đặng Thị Quỳnh Hương (Trưởng phòng khách hàng cá nhân, phòng giao dịch Đông Đô, ngân hàng Việt Á), Trịnh Trung Kiên (Giám đốc công ty xây dựng), Nguyễn Thanh Bình (kế toán công ty xây dựng) bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo khoản 4 điều 174.

Bị can Nguyễn Mai Phương (kiểm soát viên VietABank) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 4 điều 174 và khoản 3 điều 360.

Nguyễn Hồng Trung (nhân viên NCB) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Cho vay lãi nặng, theo điều 360 và 201.

Đỗ Minh Đức (kiểm soát viên VietABank), Bùi Văn Tuấn(cán bộ PVcombank) về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng, theo khoản 4 điều 206.

Quản Trọng Đức (Giám đốc chi nhánh VietABank), Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trịnh Phương Ngân, Phạm Thu Hiền, Lê Thị Hiên (đều là giao dịch viên VietABank), Đỗ Thị Liên và Bùi Thị Na (đều là thủ quỹ VietABank), Trần Thị Hoa (Giám đốc chi nhánh Hà Nội), Đặng Thị Thu Hoà và Phạm Thị Ngọc Lan (đều là nhân viên NCB) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3 điều 360.

Triệu Đình Hoan (Chủ tịch HĐQT Công ty Hải Linh), Nguyễn Thị Là và Triệu Thị Hạnh (đều là nhân viên công ty Hải Linh), Phạm Thế Tuấn (giao dịch viên NCB), Nguyễn Thị Hồng Hạnh (lao động tự do) về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, theo điều 201.

Thanh Lam

Nguồn: Vnexpress.