Công nghệ - Mạng xã hộiTin mới nhất

Ấn Độ phát triển hệ điều hành “cây nhà lá vườn” để cạnh tranh với Android, iOS

Bộ trưởng Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ muốn các công ty công nghệ tư nhân và các tổ chức học thuật cùng làm việc để phát triển một hệ điều hành di động của riêng Ấn Độ.
Chính phủ Ấn Độ đã làm việc để tạo ra một hệ điều hành máy tính mới vào năm 2010. Ảnh: Shutterstock
Chính phủ Ấn Độ tìm cách tạo ra hệ điều hành máy tính mới vào năm 2010. Ảnh: Shutterstock

Chính phủ Ấn Độ đang hy vọng thúc đẩy khu vực tư nhân của nước này tạo ra một hệ điều hành di động quốc gia có thể cạnh tranh với Android của Google và iOS của Apple.

Rajeev Chandrasekhar, Bộ trưởng Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin (MeitY), cho biết trong tuần này, cơ quan của ông có kế hoạch khuyến khích ngành công nghệ và các tổ chức học thuật hợp tác trên một hệ điều hành di động do Ấn Độ tự phát triển, theo một báo cáo trên tờ The Economic Times.

Ông Chandrasekhar phát biểu: “Theo nhiều cách khác nhau, MeitY và chính phủ Ấn Độ rất quan tâm đến việc tạo ra một hệ điều hành thiết bị cầm tay mới. Chúng tôi đang xem xét ban hành một chính sách cho điều đó”.

Các nhà phân tích trong ngành ngay lập tức nghi ngờ rằng một hệ điều hành bản địa ở Ấn Độ liệu có thể cạnh tranh với các nền tảng di động như Apple hoặc Android.

Jack Gold, nhà phân tích chính tại J.Gold Associates, cho biết trong khi nỗ lực tạo ra một đối thủ cạnh tranh và khởi động nhiều ngành công nghệ hơn trong nước của Ấn Độ là đáng khen ngợi nhưng rất khó có khả năng tạo ra một đối thủ cạnh tranh thực sự với Android, đặc biệt là cả iOS.

Đây không phải là nỗ lực đầu tiên của Ấn Độ để tạo ra hệ điều hành của riêng mình và cũng không phải là quốc gia đầu tiên thử làm hệ điều hành riêng. Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc đã phát triển dịch vụ riêng và ra mắt “Hệ điều hành dịch vụ địa phương của Alibaba”.

Gold giải thích: “Vì Trung Quốc có quy mô dân số khổng lồ, giống như Ấn Độ, họ nghĩ rằng đó có thể là một nhân tố thay đổi cuộc chơi thực sự cho thị trường nội địa. Tuy nhiên hệ điều hành của họ không có sẵn những ứng dụng được người dùng sử dụng thường xuyên như Facebook, TikTok, Instagram, Twitter và vì vậy người dùng sẽ không mua nó”.

Ông nói: “Điều đó không có nghĩa là một hệ điều hành được bản địa hóa cho các thiết bị cấp thấp hơn không thể chiếm được một số thị phần, nhưng theo nguyên tắc chung, rất khó có khả năng có thể thay đổi động lực của người dùng muốn tương tác với các ứng dụng cụ thể. Và nếu chúng không có trên hệ điều hành, thì họ sẽ không muốn dùng hệ điều hành đó”.

Ngoài ra, không có động cơ khuyến khích các nhà cung cấp ứng dụng lớn chuyển ứng dụng của họ sang một hệ điều hành được tạo ra một cách cục bộ.

“Đó là bài toán con gà và quả trứng. Đây là nguyên nhân gây ra sự sụp đổ của BlackBerry, Symbian, WebOS, v.v. ”, Gold giải thích.

Vào năm 2010, chính phủ Ấn Độ đã làm việc để tạo ra một hệ điều hành máy tính mới nhằm mục đích nâng cao tính bảo mật của các hệ thống máy tính của nước này.

Về nỗ lực mới nhất, Bộ trưởng Chandrasekhar cho biết việc phát triển một hệ điều hành Ấn Độ sẽ không chỉ “tạo ra một sự thay thế cho iOS và Android,” mà giống như các hệ điều hành sau này, nền tảng này có thể thúc đẩy một thị trường phần cứng thiết bị cầm tay bản địa.

AN TRƯƠNG