Tin mới nhất

Chấn chỉnh sai phạm về tài nguyên – môi trường

Năm 2022, huyện Đại Lộc đẩy mạnh quản lý, kiểm soát về tài nguyên – môi trường, khắc phục những tồn tại, kiên quyết xử lý sai phạm, không để phát sinh điểm nóng.
Năm 2022, công tác quản lý, kiểm soát trên lĩnh vực tài nguyên - môi trường tại các cụm công nghiệp được Đại Lộc chú trọng. Ảnh: H.LIÊN
Năm 2022, công tác quản lý, kiểm soát trên lĩnh vực tài nguyên – môi trường tại các cụm công nghiệp được Đại Lộc chú trọng. Ảnh: H.LIÊN

Tăng cường quản lý khoáng sản

Năm 2021, Đại Lộc có 5/8 mỏ khai thác cát sỏi lòng sông còn thời gian hoạt động. Đến năm 2022, Đại Lộc chỉ còn 4 mỏ cát sỏi được cấp phép hoạt động. Toàn huyện có 4 mỏ khoáng sản đá xây dựng được cấp phép, song do vướng thủ tục pháp lý, hiện chỉ mới có 1 mỏ hoạt động, còn lại đang lập thủ tục chờ cấp phép.

Đại Lộc còn có 1 mỏ khai thác than đá (Công ty CP Tập đoàn khoáng sản công nghiệp 6666) đang chờ thủ tục thu hồi, cho thuê đất, xây dựng cơ bản đi vào khai thác; có 1 trong 3 mỏ khoáng sản đất sét được cấp phép, đang hoạt động.

Về khoáng sản đất san lấp, Công ty TNHH Prime Nam Giang đang được tỉnh cấp phép tận thu đất nguyên liệu tại công trình san nền Cụm công nghiệp Đại Nghĩa 1, Công ty TNHH Thành Tâm đang lập thủ tục hồ sơ xin cấp phép khai thác, trữ lượng và diện tích tương đối nhỏ (3,51ha).

Theo ông Hồ Ngọc Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, công tác quản lý, kiểm soát về khai thác khoáng sản nói chung và khoáng sản lòng sông trên địa bàn thời gian qua được chú trọng. Tuy vậy vẫn còn một số sai phạm như tình trạng rơi vãi vật liệu xây dựng trên đường, khai thác không đúng vị trí được cấp phép.

Một số chủ mỏ không tuân thủ, không cho xe chạy qua trạm cân, cố tình chạy qua đường tránh. Tỉnh đã giao cho ngành thuế chủ trì trực tiếp theo dõi, đôn đốc vấn đề này qua camera, đường truyền nhưng vẫn còn nhiều sai phạm cần chấn chỉnh.

Huyện Đại Lộc tiếp tục giao ngành thuế và các địa phương thường xuyên báo cáo để huyện kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp. Đồng thời, giao cho Phòng Tài nguyên & môi trường tiến hành kiểm tra, giám sát, yêu cầu các mỏ phải chấp hành nghiêm, có bản đồ hiện trạng, hệ thống camera phải được quản lý chặt chẽ, yêu cầu khai thác phải đảm bảo theo hồ sơ, quy định, tránh tình trạng khai thác ngoài vị trí, gây thất thoát tài nguyên.

“Năm 2022, huyện tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp lập kế hoạch hoạt động khai thác khoáng sản, xây dựng phương án hoạt động, phương tiện khai thác, đánh giá trữ lượng khai thác. Doanh nghiệp phải cam kết tuân thủ quy định, nếu trong quá trình khai thác, doanh nghiệp nào vi phạm thì địa phương và các ngành liên quan sẽ đề nghị tạm dừng, xử lý theo quy định pháp luật.

Địa phương và ngành chức năng cũng xây dựng quy chế phối hợp, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu mỗi địa phương, đơn vị nếu để xảy ra sai phạm tại địa phương hay lĩnh vực phụ trách. Đây là cơ sở, nền tảng để cơ quan quản lý nhà nước quản lý, kiểm soát tốt hơn” – ông Mẫn chia sẻ.

Không để xảy ra điểm nóng

Ông Hồ Ngọc Mẫn cho biết, năm 2022, UBND huyện giao quyền quản lý cho các địa phương, phòng ban chuyên môn theo phân quyền, phân cấp. Xây dựng kế hoạch quản lý, quy định rõ trách nhiệm của chính quyền, các phòng ban chuyên môn, giao trách nhiệm cho người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm trên địa bàn. Tăng cường trách nhiệm cho lãnh đạo, thủ trưởng các đơn vị trong quản lý, kiểm soát và xử lý sai phạm.

“Huyện giao cho Phòng Tài nguyên & môi trường chủ trì, tham mưu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và hằng quý, đoàn liên ngành phải có báo cáo về UBND huyện về tình hình kiểm tra, giám sát, kết quả xử lý. Chủ trương của UBND huyện là không để xảy ra tình trạng khai thác sai vị trí như các năm, kiên quyết xử lý, không bao che, dung túng, không để xảy ra các điểm nóng” – ông Mẫn nói.

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh gần đây, ông Lê Văn Quang – Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc thông tin, trên lĩnh vực tài nguyên – môi trường, ngoài những tồn tại đã nói trên, vẫn còn tình trạng một số nhà máy sai phạm, gây ô nhiễm môi trường, bị cử tri phản ánh như Công ty TNHH Chế biến cao su Đà Nẵng, Công ty TNHH Đại Hòa, Công ty TNHH CBTHS Hải Thành Công Đại Lộc, Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm…

UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra tình hình chấp hành công tác bảo vệ môi trường tại các đơn vị. Qua đó, đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một số đơn vị sai phạm như Công ty TNHH Chế biến cao su Đà Nẵng, Công ty TNHH Đại Hòa, Công ty TNHH CBTHS Hải Thành Công Đại Lộc…

Các đơn vị chức năng ở tỉnh và huyện đã triển khai gần 20 đợt thanh kiểm tra đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản cát, sỏi, quản lý bến thủy nội địa và bãi tập kết, kịp thời chấn chỉnh các hoạt động vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Lực lượng chức năng còn buộc tạm dừng hoạt động để khắc phục, đình chỉ hoạt động ngắn hạn đối với một số doanh nghiệp; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Hiệp Hưng, Công ty CP Trường Lợi…

Các địa phương cũng phát hiện, xử lý hành chính đối với nhiều lượt doanh nghiệp sai phạm, buộc đổ trả nguyên liệu đối với nhiều doanh nghiệp… UBND huyện đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một số doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường với mức xử phạt hàng trăm triệu đồng; ban hành 7 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản đối với nhiều đơn vị, cá nhân với mức phạt lên tới hàng trăm triệu đồng.

HOÀNG LIÊN
Nguồn: https://baoquangnam.vn/moi-truong/chan-chinh-sai-pham-ve-tai-nguyen-moi-truong-122953.html