Tin mới nhất

Chỉ Một Trái đất hướng đến nền kinh tế xanh

Đây là thông điệp của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc nhân Ngày Môi trường thế giới (5/6) với chủ đề: “Chỉ Một Trái đất”. Đối với Việt Nam, Đảng, Nhà nước đang nỗ lực bằng nhiều biện pháp để bảo vệ môi trường như phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cũng như cam kết cắt giảm phát thải ròng bằng 0% vào năm 2050. Đây là những nỗ lực của Việt Nam cùng với cộng đồng quốc tế cùng chung tay bảo vệ trái đất. 

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải nhựa phát sinh tại nước ta gần 2 triệu tấn/năm, trong khi đó, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hơn 61.000 tấn/ngày, trong đó có tới 71% tổng lượng chất thải (tương đương 43 nghìn tấn/ngày) được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, nhiều tài nguyên hiện đang suy giảm nghiêm trọng, tiêu biểu là than đá, Việt Nam đã phải nhập khẩu than đá từ năm 2015, dự báo tới năm 2030 có thể phải nhập khẩu tới 100 triệu tấn than mỗi năm. Còn theo một tính toán khác của Ngân hàng Thế giới, ô nhiễm nước có thể gây thiệt hại cho Việt Nam tới 3,5% GDP vào năm 2035. Đặc biệt, Việt Nam nằm trong số các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Dự báo, biến đổi khí hậu và thiên tai có thể gây thiệt hại lên tới 11% GDP của Việt Nam vào năm 2030. 

Ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường cho rằng: “Tôi cho rằng đây là 1 vấn đề lớn mà nếu chúng ta không quan tâm giải quyết thì vấn đề môi trường ở Việt Nam chúng ta sẽ tiếp tục gia tăng. Chính vì những cơ sở gây ô nhiễm môi trường mới nay và những cơ sở gây ô nhiễm môi trường đang tồn tại đang gây bức xúc lớn với nhiều địa phương nhiều nơi trên cả nước”.

Trước những áp lực của vấn đề bảo vệ môi trường và tác động của biến đổi khí hậu, cuối năm ngoái, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045, hướng tới 2050, trong đó xác định đến năm 2030 giảm mức phát thải mỗi năm ít nhất 1,5-2% GDP, giảm lượng phát thải trong các hoạt động năng lượng từ 20-30%. Đến năm 2050 giảm mức phát thải khí nhà kính mỗi năm 1,5-2%. Ngoài ra, thực hiện chiến lược “công nghiệp hóa sạch” thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị đảm bảo nguyên tắc thân thiện với môi trường… Đánh giá về bước đi này của Việt Nam, bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng: “Đây là một trong những công cụ chính sách quan trọng để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 và tăng cường tính chống chịu và khả năng phục hồi cho cộng đồng. UNDP sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam rà soát lại Đóng góp do quốc gia tự quyết định và báo cáo kỹ thuật của Kế hoạch Thích ứng Quốc gia trước hội nghị COP27 vào tháng 11 năm nay”.

Phát biểu tại Lễ phát động hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5) và Ngày Môi trường thế giới (5/6), Tháng hành động vì môi trường năm 2022 tổ chức tại Quảng Ninh cuối tuần trước, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, với quyết tâm cao trong hành động, Việt Nam đang đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế gắn với phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm sử dụng hiệu quả và bảo tồn các nguồn tài nguyên, bền vững về môi trường, khí hậu, bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân:

“Tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Việt Nam, khẳng định vị thế, trách nhiệm trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về khí hậu, môi trường, suy giảm của các hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu một hành tinh khỏe mạnh. Đồng thời, tận dụng các cơ hội của xu thế thời đại trong tiến trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước theo con đường “xanh”, hiện thực hoá mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045”.

Đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, cùng với các cuộc khủng hoảng toàn cầu về biến đổi khí hậu, thiên tai và ô nhiễm môi trường là hồi chuông cảnh tỉnh con người phải có những biện pháp cấp bách và hiệu quả để bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu, cứu lấy Trái đất./.

Nguồn: Vov