Tin mới nhất

Chi phí chuyến biển tăng, ngư dân gặp khó

Giá dầu tăng lần thứ 6 liên tiếp, hiện đạt mức 21.300 đồng/lít kéo theo giá các nhu yếu phẩm tăng thêm khiến chi phí chuyến biển tăng cao, trong khi đó việc hỗ trợ nhiên liệu còn bất cập, khiến ngư dân gặp khó.
Ngư dân Nguyễn Xuân Văn (áo sọc) lo lắng khi giá dầu tăng cao. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Ngư dân Nguyễn Xuân Văn (áo sọc) lo lắng khi giá dầu tăng cao. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Bám biển trong khó khăn

Ngư dân Nguyễn Xuân Văn (thôn Thanh Long, xã Tam Quang, Núi Thành) gặp nhiều khó khăn trước khi đưa tàu cá QNa-90444 công suất 822CV cùng 48 bạn biển câu mực ra ngư trường Trường Sa.

Chuyến biển dự kiến kéo dài 3 tháng, tốn không dưới 30 nghìn lít dầu, chi phí hơn 630 triệu đồng. Do giá xăng dầu liên tục đạt đỉnh mới nên giá đá cây, lương thực, thực phẩm, nước uống… cũng tăng vọt.

“Tôi tính chuyến biển tốn hơn 750 triệu đồng trong khi đó giá mực xà khô lại giảm chỉ còn dưới 100 nghìn đồng/kg. Phải thu được 10 tấn mực khô mới có thể bù chi phí. Xăng dầu càng tăng giá, sản xuất trên biển của ngư dân càng khó khăn chồng chất” – anh Văn nói.

Ngư dân Huỳnh Dũng (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) – thuyền trưởng tàu cá QNa-90396 hành nghề lưới vây cho biết, dự kiến chuyến biển ở ngư trường Hoàng Sa với 15 lao động tốn hơn 5.000 lít dầu, chi phí hơn 100 triệu đồng, cộng với các khoản phí khác, phí tổn gần 200 triệu đồng.

“Một tháng qua, giá dầu tăng hơn 5.000 đồng/lít, giá bán hải sản lại giảm hơn 5.000 đồng/kg nên ngư dân chồng chất khó khăn. Chỉ sợ thất thu là thiếu bạn biển cho chuyến tiếp theo bởi lao động nghề cá thiếu trầm trọng” – anh Dũng nói.

Bà Phan Yến Chi – tiểu thương thu mua hải sản ở cảng cá Tam Quang cho biết, giá hải sản giảm là do hầu hết bán ra ở các chợ truyền thống, tiêu thụ ở thị trường nội địa. Các doanh nghiệp chế biến hải sản xuất khẩu ở Quảng Nam đã ít lại lao đao bởi Covid-19 chưa vực dậy nổi nên giá hải sản khó khởi sắc trong thời gian tới.

“Tôi gắn bó, duy trì mối làm ăn với các chủ tàu cá hàng chục năm nay. Ngư dân gặp khó, tôi cũng không khá gì” – bà Chi nói.

Hỗ trợ nhiên liệu còn bất cập

Chiếm phần lớn phí tổn trong mỗi chuyến biển của ngư dân là chi phí nhiên liệu. Bởi vậy, hầu hết ngư dân trông chờ vào hỗ trợ nhiên liệu chuyến biển theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ với mức hỗ trợ nhiều nhất 4 chuyến biển/năm, tối đa 100 triệu đồng/chuyến biển.

Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đến thời điểm này, đã hoàn thành xét duyệt hồ sơ, đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ nhiên liệu đợt 2 năm 2021. Trong năm 2021 vẫn còn 2 đợt hỗ trợ nhiên liệu chưa xét duyệt nên dự kiến hỗ trợ nhiên liệu ở đợt 1 năm 2022 sẽ rất chậm.

Theo quy định, để nhận hỗ trợ nhiên liệu của chuyến biển, chủ tàu cá xa bờ phải bám biển ít nhất 15 ngày, trong đó hiện diện ở các vùng biển xa ít nhất 13 ngày. Trong quãng thời gian đó, trạm bờ ở Chi cục Thủy sản Quảng Nam nhận ít nhất là 7 tin nhắn trong 7 ngày khác nhau của tàu cá đang sản xuất ở các vùng biển xa mới đủ điều kiện xét duyệt hồ sơ hỗ trợ nhiên liệu.

Nhiều ngư dân cho biết, đã nhắn hơn 7 tin nhắn về trạm bờ nhưng khi làm thủ tục hồ sơ thì bị ngành chức năng bỏ qua vì cho rằng số lượng tin nhắn gửi về chưa đủ. Các ngư dân cho rằng, do thiết bị nhận tin nhắn ở trạm bờ là máy VX-1700 bị lỗi nên không nhận đủ tin nhắn của ngư dân gửi về.

“Gửi tin nhắn về trạm bờ cũng giống như nhắn tin qua điện thoại, mình biết tin nhắn gửi đi đã thành công nhưng ngành chức năng bảo không nhận được. Lỗi này không phải do ngư dân mà ngư dân chịu thiệt là oan uổng” – một chủ tàu cá xa bờ nói.

Ông Ngô Tấn cho rằng, các ý kiến của ngư dân là có cơ sở. Ngư dân đã hoàn chỉnh thao tác nhắn tin nhưng trạm bờ không nhận được có thể là do lỗi nghẽn mạng. Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2010, có hiệu lực năm 2011, thống nhất trong phạm vi cả nước là dùng máy VX-1700 để nhận tin nhắn làm thủ tục hỗ trợ nhiên liệu chuyến biển. Đã hơn 10 năm thực hiện, trục trặc có thể xảy đến với thiết bị VX-1700 không phải là quá khó hiểu.

Sở NN&PTNT đã đề xuất Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ đổi việc nhận tin nhắn về trạm bờ từ máy VX-1700 sang thiết bị hiện đại hơn, có tính chính xác cao hơn là giám sát hành trình (GSHT). Tuy vậy, GSHT mới đưa vào sử dụng năm 2020 khi Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ năm 2019 – còn mới mẻ nên chờ Bộ NN&PTNT tham mưu và Chính phủ đồng ý đổi mới thiết bị nhận tin nhắn về trạm bờ, qua đó, khắc phục bất cập hỗ trợ nhiên liệu chuyến biển cho ngư dân.

VIỆT NGUYỄN