Tin mới nhấtY Tế - Giáo dục - Sức khỏe

Chủ động phòng chống dịch trong mọi tình huống

Khẩn trương hoàn thành tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em; nhanh chóng rà soát, nhập dữ liệu tiêm chủng; chủ động giám sát, xử lý kịp thời các khu vực có F0… là những nội dung Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân yêu cầu tại cuộc làm việc trực tuyến về công tác phòng chống dịch với các địa phương vào hôm qua 14.12.
Nhanh chóng tiêm bao phủ vắc xin là cách hữu hiệu trong phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: X.H
Nhanh chóng tiêm bao phủ vắc xin là cách hữu hiệu trong phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: X.H

Quảng Nam không thiếu vắc xin

Tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Văn Văn – Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, từ ngày 18.7 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 3.926 ca bệnh (F0) tại các địa phương, với 1.411 ca bệnh cộng đồng. Trong số đó, những F0 đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin là 584 người, có 1.083 người đã tiêm mũi 1; còn 2.259 ca F0 chưa được tiêm vắc xin, chủ yếu là người dưới 18 tuổi.

“Trong tuần qua, số ca cộng đồng tăng nhẹ với gần 100 ca mỗi ngày. Công tác điều trị ca bệnh nhẹ có nhiều chuyển biến tích cực khi tỉnh vận hành khu thu dung, điều trị tại cơ sở” – ông Nguyễn Văn Văn nói.

Khẳng định Quảng Nam không thiếu vắc xin, kể cả việc trả mũi 2, ông Văn yêu cầu các địa phương thời gian tới cần triển khai mạnh hơn việc tiêm vắc xin cho người dân. Phải tính toán đến việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” tuyên truyền, vận động, nắm rõ số lượng để tổ chức tiêm vắc xin cho người dân.

Những nơi có các cụm công nghiệp cần rà soát kỹ vì sẽ còn rất nhiều người chưa được tiêm. Các địa phương cũng nên có điểm tiêm cho người dân có nhu cầu đăng ký, tạo điều kiện cho họ tiếp cận việc tiêm vắc xin. Ngành y tế cũng đề nghị các huyện rà soát việc tiêm vắc xin cho người trên 50 tuổi.

“Các địa phương phải khẩn trương triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em ngay khi được nhận vắc xin, đồng thời rà soát việc nhập liệu tiêm chủng để có cơ sở triển khai các hoạt động sau này. Bên cạnh đó, từng địa phương phải rà soát dân số thực tế, dân số trên địa bàn đã tiêm ở nơi khác, số đối tượng chưa tiêm; khẩn trương đề xuất nhu cầu vắc xin nếu thiếu và có tờ trình gửi Sở Y tế xin điều chuyển nếu thừa vắc xin. Địa phương nào chậm, để vắc xin hết hạn, ảnh hưởng đến tiến độ tiêm chủng toàn tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy và UBND tỉnh.”

(Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân)

Tính đến ngày 13.12, Quảng Nam được nhận hơn 2 triệu liều vắc xin trong tổng số 2,5 triệu liều theo quyết định phân bổ. Ở các địa phương, công tác tiêm vắc xin được tiến hành khá nhanh chóng cho người từ 18 tuổi trở lên.

Toàn tỉnh đã tiêm ít nhất 1 mũi cho hơn 1 triệu người, đạt tỷ lệ 95,3% số người cần tiêm. Số người đã tiêm đủ 2 mũi là hơn 769 nghìn người, đạt tỷ lệ 68,9% số người cần tiêm.

Đối với công tác tiêm vắc xin cho trẻ em, tính đến ngày 13.12, có 4 địa phương hoàn thành tiêm vắc xin đợt 1 cho lứa tuổi từ 15 đến dưới 18 tuổi, bao gồm Điện Bàn, Phú Ninh, Quế Sơn, Hiệp Đức.

Theo đó, Quảng Nam có 140.387 trẻ có độ tuổi từ 12 đến 17 có nhu cầu tiêm vắc xin phòng Covid-19. Toàn tỉnh bắt đầu triển khai tiêm từ ngày 11.12.

Ông Nguyễn Văn Văn cho biết, tất cả vắc xin Quảng Nam nhận đợt này đều không thuộc lô vắc xin gia hạn mà các tỉnh thành khác trả lại cho Bộ Y tế vừa qua.

Giảm gánh nặng điều trị

Ông Nguyễn Hồng Lai – Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, tổng số ca mắc trên địa bàn thành phố tính đến ngày 13.12 là 207 ca, trong đó có 141 ca cộng đồng. Các F0 điều trị tại TP.Tam Kỳ có 60 ca là công dân các địa phương khác.

Để giảm tải gánh nặng về chi phí điều trị cho Tam Kỳ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân yêu cầu Sở Y tế tính toán để từ nay trở đi, các công dân ở địa phương khác được phát hiện dương tính với Covid-19 tại TP.Tam Kỳ sẽ được điều trị tại các bệnh viện của tuyến tỉnh hoặc đưa về địa phương nơi cư trú.

Ngoài ra, để đảm bảo hoạt động cho các cơ sở thu dung F0 tại tuyến huyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân đề nghị Sở Y tế nhanh chóng phân bổ cơ số thuốc về các địa phương, đồng thời rà soát tình hình trang thiết bị phục vụ điều trị để có giải pháp cung ứng phù hợp.

Hiện dịch bệnh Covid-19 ở các cụm, khu công nghiệp đang bùng phát trở lại, các địa phương đề nghị tỉnh tăng cường kiểm tra rà soát, trong đó, tổ chức giám sát xét nghiệm tại các doanh nghiệp.

Đại diện Sở Công Thương cho biết, sở đã ban hành các quy định về biện pháp tạm thời phòng chống dịch bệnh. Hiện toàn tỉnh có hơn 48 nghìn người lao động ở các khu công nghiệp, trong đó có hơn 42 nghìn lao động đã được tiêm vắc xin.

Ông Thiều Việt Dũng – Phó Trưởng ban Quản lý Các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh cho biết, đơn vị đã có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp trong các khu công nghiệp về công tác này.

“Hầu hết lao động hiện ở địa phương. Do đó, cần có sự phối hợp giữa các địa phương và doanh nghiệp để khi có trường hợp F0 tại cơ sở sản xuất thì dễ dàng cho công tác truy vết” – ông Thiều Việt Dũng nói.

Đối với việc phòng chống dịch tại các trường học, đại diện Sở GD-ĐT cho biết, hiện toàn tỉnh có 16 trường mầm non nghỉ học hoàn toàn, 17 trường tiểu học và 12 trường THCS, 2 trường THPT tổ chức học trực tuyến hoàn toàn.

“Các địa phương cần nghiên cứu văn bản đã ban hành của Sở GD-ĐT để tính toán tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp. Về việc có tình trạng phụ huynh không đồng tình cho con tiêm vắc xin, đề nghị địa phương đồng hành với nhà trường vận động tuyên truyền để đảm bảo công tác này” – ông Nguyễn Công Thành, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT nói.

Ghi nhận các ý kiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nhấn mạnh, để đảm bảo chống dịch hiệu quả, phải củng cố lại hệ thống y tế cơ sở, nhất là các khu vực có số F0 tăng cao, sẵn sàng phương án tổ chức các trạm y tế lưu động ở cấp xã, phường.

Theo đó, căn cứ tình hình dịch trên địa bàn, từng địa phương phải chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị phương án, kích hoạt các trạm y tế lưu động để đảm bảo công tác thu dung điều trị trong trường hợp số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng cao. Ngoài ra, các địa phương xem xét thành lập tổ chăm sóc sức khỏe cộng đồng gồm các nhân viên y tế, tổ giám sát cộng đồng, thanh niên tình nguyện tham gia hỗ trợ các F0, F1…

XUÂN HIỀN