Thời sựTin mới nhất

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: “Phải thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu”

Chiều 5.12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh miền Trung liên quan đến tình hình mưa lũ và công tác ứng phó, khắc phục. Tại Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cùng các ban ngành dự điểm cầu trực tuyến.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cùng các đại biểu dự điểm cầu hội nghị tại UBND tỉnh. Ảnh: T.C
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cùng các đại biểu dự điểm cầu hội nghị tại UBND tỉnh. Ảnh: T.C

Tích cực khắc phục hậu quả thiên tai

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính tới thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã diễn ra 8 đợt mưa lớn, làm 3 người chết, bị thương 14 người, có 239 nhà bị thiệt hại. Ngoài ra còn có 27 điểm trường, hơn 3.000ha lúa, hơn 1.500ha hoa màu bị thiệt hại, hơn 2.800ha đất sản xuất nông nghiệp bị sạt lở, bồi lấp cùng nhiều công trình giao thông, đê kè miền núi và bờ biển bị sạt lở với giá trị thiệt hại ước tính hơn 500 tỷ đồng. Việc chỉ đạo vận hành điều tiết các hồ chứa thủy điện có sự chủ động, góp phần đáng kể làm chậm lũ, giảm lũ cho vùng hạ du.

UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung triển khai lực lượng kiểm tra, rà soát các công trình, khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Chủ động rà soát, huy động lực lượng, kiên quyết tổ chức sơ tán các hộ dân tại các khu vực không đảm bảo an toàn, nhất là các khu vực bị ngập sâu, chia cắt, vùng trũng thấp ven sông suối, khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Trong đó ưu tiên tối đa hình thức di dời, sơ tán tại chỗ, xen ghép, lưu ý đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19 phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương; chủ động bố trí chỗ ở tạm, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng mưa lũ gây ngập úng, chia cắt kéo dài…

Thiên tai gây thiệt hại nặng cho các tỉnh miền Trung, đặc biệt là năm 2020. Ảnh: T.C
Thiên tai gây thiệt hại nặng cho các tỉnh miền Trung, đặc biệt là năm 2020. Ảnh: T.C

Về công tác khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020, UBND tỉnh đã phân bổ 716 tỷ đồng cho các huyện, thị xã, thành phố, nguồn ngân sách trung ương tạm cấp hỗ trợ 450 tỷ đồng, nguồn ngân sách tỉnh 251 tỷ đồng, nguồn các địa phương, đơn vị hỗ trợ trực tiếp vào ngân sách của tỉnh 32,3 tỷ đồng và Quỹ phòng chống thiên tai tỉnh 15,255 tỷ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020. Nguồn quỹ này phục vụ hỗ trợ về dân sinh, hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại, hỗ trợ sửa chữa, khắc phục cấp bách cơ sở hạ tầng thiết yếu như y tế, trường học, công trình cung cấp nước sạch, thủy lợi, giao thông, cải tạo diện tích đất sản xuất bị bồi lấp và công trình hạ tầng thiết yếu khác. Việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí trung ương tạm cấp khắc phục cấp bách kết cấu hạ tầng thiết yếu năm 2020 được thực hiện theo đúng quy định.

Quảng Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ 1,6 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại về người, nhà ở và 5 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại về sản xuất nông nghiệp do thiên tai năm 2021. Đồng thời, đề xuất hỗ trợ hơn 1.300 tỷ đồng để xây dựng các công trình kè chống sạt lở, đường giao thông, hạ tầng tái định cư tại một số khu vực cấp thiết để phòng chống thiên tai, xử lý khẩn cấp bờ biển Cửa Đại…

Cần có đề án thích ứng với thiên tai cho miền Trung 

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh, rút kinh nghiệm từ năm 2020, Quảng Nam đã rất tích cực, chủ động bố trí lực lượng tại khu vực miền núi, quản lý tàu bè, sơ tán người dân để khắc phục ngay khi có sạt lở, giảm thiểu được nhiều thiệt hại.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: T.C
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: T.C

“Về lâu dài, chắc chắn phải sống thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu, không có lựa chọn nào khác. Do đó, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành để xây dựng đề án thích ứng an toàn với thiên tai biến đổi khí hậu cho khu vực miền Trung trong giai đoạn hiện nay và sắp tới. Miền Trung có đặc điểm rất riêng, nếu cứ tập trung phát triển kinh tế, không tính tới thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu sẽ gây tác hại khôn lường cho tính mạng, tài sản. Cần có sự tham gia nghiên cứu của các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế và lực lượng chuyên môn trong nước” – đồng chí Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, thời gian vừa qua tình hình mưa lũ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, hoa màu… tại 8 tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Từ các ý kiến của địa phương, trung ương sẽ xem xét tình hình xả lũ của các nhà máy thủy điện, rà soát lại để hoàn thiện về thể chế, quy trình, quy định… điều hành việc xả lũ để vận hành xả lũ hiệu quả. Đồng thời phát huy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc của nhân dân trong công tác phòng chống lụt bão, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp.

Thủ tướng đề nghị các địa phương cần phát huy trách nhiệm, huy động sự vào cuộc của người dân trong khắc phục hậu quả thiên tai. Ảnh: T.C
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các địa phương cần phát huy trách nhiệm, huy động sự vào cuộc của người dân trong khắc phục hậu quả thiên tai. Ảnh: T.C
Theo Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, chỉ tính riêng từ ngày 27.11 đến 30.11 mưa lũ đã làm 19 người chết, mất tích. Mưa lũ cũng làm 26 nhà bị sập, đổ, 25 nhà bị hư hại, 1.657ha lúa 1.097ha hoa màu bị thiệt hại, 2.648 con gia súc, 71.897 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Ngoài ra, còn có hơn 3.122km kè, 76.900m kênh mương thủy lợi bị hư hỏng, 12.200m bờ sông, bờ suối bị sạt lở và 30 đập tạm bị sạt lở, hư hỏng, về giao thông đã bị ngập và sạt lở gây ách tắc 13 điểm trên các tuyến quốc lộ, đường Trường Sơn Đông; 26km đường giao thông bị sạt lở với 154.650m3 đất đá, hư hỏng 17 cống, 1 cầu giao thông…
P.V