Thời sựTin mới nhất

Đại Lộc- Quảng Nam: Người dân vùng lũ trồng cây giữ đất

Để giữ đất, giữ làng, những năm qua, người dân xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đã trồng tre và cây bói dọc bờ sông Thu Bồn chống sạt lở trước những trận lũ lớn. Đây là một cách làm hay, tốn ít kinh phí và mang lại hiệu quả cao.

Cây bói trồng dọc bờ sông Thu Bồn, đoạn qua xã Đại Thạnh.

Người dân xã Đại Thạnh cho biết, năm nào vào mùa mưa lũ, nước sông Thu Bồn cũng dâng cao, chảy xiết gây ngập lụt cả vùng làm sạt lở bờ sông, trôi đất sản xuất của người dân. Quyết tâm giữ đất, giữ làng, bà con địa phương đã ra quân trồng tre và cây bói dọc bờ sông. Cứ đoạn bờ sông nào qua địa phương có nguy cơ sạt lở đất thì mọi người đều trồng tre ở phía trong, còn phía gần sát bờ sông thì trồng cây bói. Cách làm này đã đem lại hiệu quả.

Ông Phan Văn Lạc, trú thôn Hanh Đông cho biết, hồi trước bờ sông Thu Bồn tận ngoài kia cách xa bờ tre, cứ theo năm tháng, đất sạt dần, đến nay thì bờ sông cách vườn nhà hơn 10 mét. Bà con trong thôn, xóm thấy vậy đã huy động nhau trồng thêm tre. Cứ vườn nhà ai đối diện với sông dài chừng nào thì trồng bấy nhiêu bụi, để phủ kín bờ sông. Trước đây, mỗi năm vào mùa mưa bão nước sông chạy xiết gây ngập lụt và sạt lở vào sâu trong vườn nhà từ 5m đến 7m. Thế nhưng, từ khi trồng những hàng tre này thì sạt lở đất vườn nhà đã giảm đi rất nhiều.

“Gia đình tôi có 2 sào đất canh tác hoa màu dọc bờ sông nên trước đây mỗi khi vào mùa mưa rất lo sợ sạt lở mất đất, ảnh hưởng đến nhà cửa. Tuy nhiên, chính quyền địa phương phát động mỗi hộ dân ra quân trồng tre và cây bói để giữ đất. Nhờ vậy, những năm qua, tình trạng sạt lở đất hoa màu đã được hạn chế rất nhiều. Đất có phần bồi vào trong bờ, giàu chất dinh dưỡng, nên giúp việc trồng hoa màu của người dân thuận lợi hơn rất nhiều, bà con mừng lắm” – ông Lạc nói.

“Bây giờ dọc bờ sông Thu Bồn, đoạn qua thôn Hanh Đông dài hơn 1km tre đã trồng dày kín. Mùa nắng cây tre tạo bóng mát, mùa mưa thì chắn gió, chống sạt lở đất” – bà Huỳnh Thị Hạnh, trú thôn Hanh Đông chia sẻ.

Trưa ngày 22/8, ghi nhận của chúng tôi, dọc theo bờ sông Thu Bồn, đoạn chảy qua xã Đại Thạnh có một dãy tre xanh dài hơn 1km được bà con địa phương trồng để giữ đất chống sạt lở. Tre xanh tốt vươn lên trời cao tỏa bóng mát, tre còn chắn gió vào mùa mưa bão. Nhờ bà con trồng tre, trồng cây bói nên tình trạng sạt lở đất dọc bờ sông Thu Bồn đoạn qua địa phương đỡ hơn.

Nói về việc trồng tre dọc bờ sông, bà Nguyễn Thị Minh Nam – Chủ tịch UBND xã Đại Thạnh cho biết: “Hằng năm, sau mùa mưa bão, chính quyền địa phương sẽ đi kiểm tra dọc bờ sông Thu Bồn, đoạn chảy qua xã Đại Thạnh, nếu phát hiện chỗ nào sạt lở đất nghiêm trọng thì lãnh đạo địa phương cho trồng tre ngay chỗ đó nhằm hạn chế sạt lở bờ sông đe dọa đến nhà cửa của nhân dân. Đến thời điểm này, bà con địa phương đã trồng tre dọc bờ sông hơn 1km, các cây tre xanh tốt, cao hơn 4m”.

Dãy tre, cây bói giữ đất, giữ làng ở xã Đại Thạnh.  

Ông Trần Việt Phương – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đại Lộc nói: “Những năm qua, lãnh đạo huyện giao cho các tổ chức đòan thể các xã trên địa bàn ra quân trồng tre, trồng cây bói dọc bờ sông Thu Bồn, Vu Gia. Qua thống kê ban đầu toàn huyện có 22 điểm sạt lở dọc bờ sông Thu Bồn và Vu Gia, chủ yếu ở các xã như: Đại Thạnh, Đại Thắng, Đại Nghĩa, Đại Hồng;… Việc trồng tre dọc bờ sông giúp tiết kiệm chi phí, nếu kè cứng 1km thì kinh phí mất hơn 20 tỷ đồng, do kinh phí quá lớn nên phải chờ nguồn của cấp trên, còn hiện tại người dân vẫn tiếp tục trồng tre, trồng cây bói”.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Văn Quang – Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho rằng, trước tình trạng sạt lở 2 bờ sông Thu Bồn và Vu Gia, đoạn chảy qua địa bàn huyện Đại Lộc, lãnh đạo huyện đã kịp thời báo cáo lên UBND tỉnh và Sở NNPTNT về việc sạt lở này để xin nguồn kinh phí hỗ trợ địa phương khắc phục. UBND tỉnh cũng cử đoàn kiểm tra về rà soát, tổng hợp kiến nghị lên cấp trên để xin kinh phí, do kinh phí quá lớn nên đến thời điểm hiện nay tỉnh Quảng Nam vẫn chưa cân đối được nguồn.

“Do đó, trước mùa mưa lũ năm nay, lãnh đạo huyện triển khai cho các địa phương vận động bà con trồng tre để khắc phục tạm thời các điểm sạt lở theo giải pháp trước mắt, còn về lâu dài thì tiếp tục kiến nghị lên cấp trên quan tâm, sửa chữa lại các đoạn sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng người dân và hoa màu của bà con dọc 2 bờ sông trên” – ông Quang nói.
Tấn Thành – Chí Đại

Nguồn: http://daidoanket.vn/nguoi-dan-vung-lu-trong-cay-giu-dat-5694867.html