Tin mới nhất

Đề nghị xem xét trách nhiệm Ban Quản lý bến thủy nội địa Cù Lao Chàm và thuyền trưởng tàu Phương Đông 05

Ban Quản lý bến thủy nội địa Cù Lao Chàm đã cấp phép rời bến cho tàu (ca nô) Phương Đông 05 trong điều kiện thời tiết không cho phép dẫn đến xảy ra tai nạn chìm tàu trên vùng biển Cửa Đại chiều 26.2.

Liên quan đến vụ tai nạn chìm ca nô du lịch trên vùng biển Cửa Đại gây thiệt mạng 17 người, hôm qua 2.3, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã báo cáo bổ sung gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về công tác quản lý hoạt động vận tải hành khách trên các tuyến từ bờ ra đảo Cửa Đại – Cù Lao Chàm. Theo đó, nhiều nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn đã được chỉ ra.

Việc cấp phép cho tàu du lịch tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm còn nhiều bất cập - Ảnh: V.L (ảnh  tư liệu)
Việc cấp phép cho tàu du lịch tuyến Cửa Đại – Cù Lao Chàm còn nhiều bất cập. Ảnh: V.L (ảnh tư liệu)

Bất cập chuyện cấp phép rời bến

Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, thời điểm xảy ra vụ tai nạn, Quảng Nam chưa có tổ chức cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc để thực hiện công tác quản lý cảng, bến. Công tác quản lý mới chỉ tập trung vào việc cấp phép hoạt động tại 2 bến thủy nội địa Cù Lao Chàm và Cửa Đại do Sở GTVT cấp giấy phép.

Tại đầu bến Cửa Đại việc thực hiện thủ tục được thực hiện bởi Đội Quản lý bến thủy nội địa thuộc Thanh tra Sở GTVT tỉnh; còn đầu bến Cù Lao Chàm được thực hiện bởi Ban Quản lý bến thủy nội địa Cù Lao Chàm (thuộc  UBND xã Tân Hiệp).

Ngày 4.12. 2009, Bộ GTVT có Quyết định số 3632 ủy quyền quản lý tuyến đường thủy nội địa quốc gia khu vực miền Trung, trong đó có Quảng Nam. Theo đó, có 3 nội dung được ủy quyền gồm: công tác quản lý nhà nước tại cảng, bến thủy nội địa; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường thủy nội địa; công tác quản lý, bảo trì đường thủy nội địa.

Như vậy, trách nhiệm quản lý nhà nước tuyến từ bờ ra đảo Cửa Đại – Cù Lao Chàm thuộc Sở GTVT tỉnh.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho rằng, do Quảng Nam chưa có cơ quan cảng vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại cảng, bến thủy nội địa, người thực hiện thủ tục phương tiện vào, rời tại các đầu bến có thể chưa đủ chuyên môn, nghiệp vụ. Bên cạnh đó, Thanh tra Sở GTVT là đơn vị có chức năng thanh tra, kiểm tra lại đồng thời là cơ quan thực hiện thủ tục, cấp phép phương tiện vào, rời tại Cửa Đại cho thấy bất cập.

Ngoài ra, theo Quyết định 3632 ngày 4.12.2009, Bộ GTVT ủy quyền cho Sở GTVT Quảng Nam thực hiện công tác quản lý nhà nước về cảng, bến thủy nội địa, thực tế tại đầu bến Cù Lao Chàm việc thực hiện thủ tục được giao đơn vị thuộc UBND xã Tân Hiệp là vấn đề cần làm rõ trong thực hiện nhiệm vụ được Bộ GTVT ủy quyền.

Cần xem xét trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan

Theo thông tin về thời tiết và cảnh báo thời tiết nguy hiểm tại Quảng Nam được Trung tâm Khí tượng thủy văn Quảng Nam đăng trên trang Web: http://quangnam.kttvttb.vn vào lúc 16 giờ ngày 25.2 và 4 giờ ngày 26.2 nêu rõ: “Dự báo thời tiết vùng biển Quảng Nam trong 24 giờ tới: vùng biển có mưa rải rác, gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có nơi cấp 6, giật cấp trên cấp 6. Tầm nhìn xa trên 10km, giảm xuống 4-10km trong mưa; sóng biển cao 1,5-2,5m. Tình trạng biển: biển động”.

f

Tàu bị nạn trong điều kiện sóng to, gió lớn: Ảnh: V.LTrong khi đó theo Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa số 00053/22V43 do Chi cục Đăng kiểm số 4 thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp ngày 19.1.2022, tàu Phương Đông 05 được hoạt động trong điều kiện thời tiết gió không quá cấp 5.

Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, với điều kiện thời tiết được dự báo có nơi cấp 6, giật trên cấp 6, thì người thực hiện thủ tục cần dừng việc cấp phép cho phương tiện hoạt động để đảm bảo an toàn theo quy định. Tuy nhiên, phương tiện vẫn được Ban Quản lý bến thủy nội địa Cù Lao Chàm cấp giấy phép rời bến; vì vậy cần xem xét trách nhiệm của người làm thủ tục để xác định nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn.

Đặc biệt, cần xem xét trách nhiệm của thuyền trưởng điều khiển tàu Phương Đông 05 theo quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể, theo quy địnhLuật Giao thông đường  thủy nội địa khi phương tiện đi vào nơi luồng giao nhau, luồng cong gấp, thuyền trưởng, người lái phương tiện phải giảm tốc độ của phương tiện, phát tín hiệu nhiều lần và đi sát về phía luồng đã báo cho đến khi phương tiện qua khỏi nơi luồng giao nhau, luồng cong gấp, luồng hẹp, luồng bị hạn chế. Trong khi vị trí xảy ra tai nạn được xác định nằm trong khu vực luồng cong gấp.

Theo Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa số 00053/22V43 do Chi cục Đăng kiểm số 4 thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp ngày 19.1.2022 thì phương tiện phải giảm tốc độ dưới 9km/giờ khi quay vòng.

“Cục Đường thủy nội địa thấy rằng vị trí tai nạn nằm ở khúc luồng cong gấp, theo quy định tại Luật Giao thông đường thủy nội địa, thuyền trưởng phải giảm tốc độ để đảm bảo an toàn (dưới 9km/giờ theo giấy chứng nhận do cơ quan đăng kiểm cấp cho phương tiện). Đây cũng là thông tin cần xem xét về trách nhiệm của thuyền trưởng trong việc xác định nguyên nhân vụ tai nạn” – nội dung văn bản nêu.

Xem xét làm rõ trách nhiệm các bên liên quan trước những tang thương mất mát mà vụ chìm tàu đã gây ra - Ảnh: V.L
Cần xem xét làm rõ trách nhiệm các bên liên quan trước những tang thương mất mác  mà vụ chìm tàu đã gây ra. Ảnh: V.L

Ngoài ra, theo Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam (VISHIPEL), thông tin cuối cùng về thiết bị AIS (thiết bị nhận dạng tự động) của tàu Phương Đông 05  được tiếp nhận là thời điểm 9 giờ 19 phút ngày 4.12.2020, từ đó đến nay hoàn toàn không có thông tin.

Theo quy định, tàu Phương Đông 05 phải trang bị thiết bị AIS và các thiết bị vô tuyến điện. Đây là các thiết bị rất quan trọng trong công tác tìm kiếm cứu nạn, cũng như trong việc xác định vị trí, hướng đi, tốc độ của phương tiện khi xảy ra tai nạn. Do vậy, cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về cảng, bến thủy nội địa của địa phương trong việc kiểm tra các quy định về việc khai thác, sử dụng thiết bị AIS đối với phương tiện Phương Đông 05.

VĨNH LỘC