Thời sựTin mới nhất

Di dời các khu tập thể mất an toàn ở Đà Nẵng: 7 Nghị quyết vẫn chưa xong

UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành kế hoạch di dời, giải tỏa 17 khu tập thể xuống cấp thuộc sở hữu nhà nước thực hiện trong năm 2022 – 2023.

Việc di dời các khu tập thể xuống cấp được thành phố Đà Nẵng quyết tâm thực hiện nhiều năm nay nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Vấn đề này cũng làm nóng nhiều diễn đàn. Thế nhưng, việc di dời các khu tập thể được ghi rõ trong 7 Nghị quyết, 3 Thông báo của HĐND thành phố đến nay vẫn chưa hoàn thành. Người dân sống trong các khu nhà tập thể xuống cấp chưa thể an cư.

Bà Hạ Thị Liên, ở khu tập thể 324, Hùng Vương rất vui mừng khi được di dời khỏi khu nhà tập thể xuống cấp.

Bà Hạ Thị Liên, ở khu tập thể 324, Hùng Vương rất vui mừng khi được di dời khỏi khu nhà tập thể xuống cấp.

Khu tập thể hẻm 15, đường Phạm Hồng Thái là một dãy nhà cũ kỹ do các xơ, Nhà thờ Tin lành xây tặng những trẻ mồ côi từ trước ngày đất nước thống nhất. Qua hàng chục năm sử dụng, dãy nhà 2 tầng đã xuống cấp nghiêm trọng, mất an toàn. Con phố bên ngoài được nâng mặt đường khiến khu nhà càng ẩm thấp, hôi hám. Nhiều hạng mục như tường bị bong tróc, rơi vỡ lộ thiên sắt thép, hệ thống thoát nước hư hỏng ứ đọng bốc mùi hôi thối, thấm dột mỗi khi mưa lớn… Ai ở trong dãy nhà này cũng mong di dời đến nơi ở mới nhưng đến nay vẫn chưa có nơi an cư.

Một khu nhà tập thể xuống cấp trên đường Hoàng Diệu, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.

Một khu nhà tập thể xuống cấp trên đường Hoàng Diệu, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.

Ông Lê Tấn Đạt, ở nhà số 15/110, đường Phạm Hồng Thái, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng cho biết, chính quyền thành phố, quận và phường rất quan tâm việc này. Có lần, thành phố đưa một chuyến xe chở 10 hộ dân tại đây lên xem đất sẽ bố trí tái định cư ở xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang nhưng bà con không đồng ý. Sau đó, UBND phường Hải Châu 1 có mời người dân khu tập thể này lên họp một lần và cũng không tìm được tiếng nói chung. Ông Đạt cho biết thêm, từ đó đến nay, chưa thấy ai đả động đến việc di dời.

Một căn hộ ở khu tập thể 22 Lý Thái Tổ.

Một căn hộ ở khu tập thể 22 Lý Thái Tổ.

“Họp dân thì hứa sẽ cho đất trên Hòa Xuân nhưng mà khi đưa xe xuống cho mười mấy hộ trên lầu (tức là họ chỉ có nhà phía trên mà không có dưới đất), thì thành phố đưa lên Hòa Châu mà không phải lên Hòa Xuân. Vì vậy, dân không đồng ý, bởi họ bảo nếu thành phố nói từ đầu để dân tính thì được. Ở đây, 100% người dân đều đồng ý đi rồi, lên ở Hòa Xuân cũng được chứ không đòi hỏi phải ở Hải Châu. Khi chưa làm trường này thì họp dân nhưng khi làm trường không đụng qua bên khu dân cư ni thì không họp dân, họp xóm chi nữa”- ông Lê Tấn Đạt cho biết.

Theo thống kê mức độ nguy hiểm kết cấu nhà cho thấy, trong số 17 khu tập thể xuống cấp chưa giải tỏa hiện nay, có 2 khu mức độ nguy hiểm cấp D, tức là cấp cực kỳ nguy hiểm, gồm khu tập thể số 5 đường Nguyễn Thái Học và số 50-52 đường Lê Lai. 14 khu tập thể mức độ nguy hiểm cấp C như khu nhà số 42 đường Trần Kế Xương; số 3 đường Nguyễn Thái Học; số 28 – 30 đường Hùng Vương; số 76 đường Trần Phú…

Bên trong một khu tập thể xuống cấp.

Bên trong một khu tập thể xuống cấp.

Ông Lê Tự Gia Thạnh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu, địa phương có nhiều khu tập thể xuống cấp cho biết, đến thời điểm này, quận đã giải tỏa được 7 trên tổng số 19 khu tập thể xuống cấp. Trong đó đã giải tỏa được 6 trên tổng số 8 khu tập thể mức độ nguy hiểm cấp D. Theo ông Lê Tự Gia Thạnh, nguyên nhân chậm di dời là người dân chưa đồng thuận với các chính sách hỗ trợ của thành phố.

“Quận và phường xem đây là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên. Đối với nhà số 5, Nguyễn Thái Học, hiện nay chỉ còn 2 hộ, về thủ tục chúng tôi đã làm cơ bản xong. Đối với khu tập thể 50-52, Lê Lai, hiện người dân vẫn còn nhiều ý kiến khác với quy định. Thanh tra Sở Xây dựng đang kiểm tra về pháp lý của các hộ dân tại khu nhà này. Trên cơ sở pháp lý của Sở Xây dựng, quận mới có cơ sở thực hiện. Hiện, việc chuyển đổi cơi nới ở khu này rất phức tạp”- ông Lê Tự Gia Thạnh cho biết.

Nhiều khu tập thể xuống cấp có thể sập bất cứ lúc nào.

Nhiều khu tập thể xuống cấp có thể sập bất cứ lúc nào.

Những năm gần đây, thành phố Đà Nẵng đã thực hiện giải tỏa, di dời 25 khu tập thể xuống cấp thuộc sở hữu nhà nước với 172 hộ. Hiện còn 17 khu chưa di dời với 109 hộ. Theo Nghị quyết của HĐND thành phố Đà Nẵng về nhiệm vụ năm 2022 thì UBND thành phố hoàn thành di dời 17 khu tập thể cấp C và cấp D trong năm 2022. Ông Võ Tấn Hà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng cho biết, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục theo dõi, tham mưu UBND thành phố có chỉ đạo UBND quận Hải Châu, UBND quận Thanh Khê đẩy nhanh tiến độ giải tỏa, di dời các khu tập thể xuống cấp.

“Quá trình giải phóng mặt bằng, di dời khu tập thể xuống cấp, có một cái vướng là: Hiện nay, chúng ta đang hỗ trợ giá trị đất tái định cư cho người dân ở khu tập thể xuống cấp này theo hướng là vận dụng phương án bán chuyển quyền. Theo đó là phân bổ giá trị đất theo các khu các tầng. Sau khi các quận huyện làm việc với người dân thì những người ở tầng trên có đề nghị là nâng cao hỗ trợ hệ số này lên. Sau khi lấy ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các quận Hải Châu và Thanh Khê, Sở Xây dựng báo cáo UBND thành phố nghiên cứu nâng cao hệ số này”- ông Võ Tấn Hà cho biết.

Theo ông Võ Tấn Hà, nếu được nâng cao hệ số hỗ trợ thì việc vận động người dân di dời sẽ thuận tiện hơn. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định pháp luật về hệ số phân bổ các tầng khi xác định giá trị hỗ trợ về đất đối với các hộ thuộc diện di dời, giải tỏa nhà tập thể xuống cấp thuộc sở hữu nhà nước.

Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các quận đang vận dụng theo “Hệ số phân bổ các tầng khi chuyển quyền sử dụng đất đối với nhà nhiều tầng, nhiều hộ ở khi xác định giá bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước”. Hệ số phân bổ này chưa hợp lý, ví dụ như hệ số tầng 1 có sự chênh lệch rất lớn so với các tầng còn lại. Tầng 2, 3, 4 là những tầng có tính chất sử dụng khá tương đồng nhưng có hệ số chênh lệch nhau rất lớn. Điều này gây khó khăn trong việc vận động các hộ dân chấp thuận phương án hỗ trợ bằng tiền để di dời, giải tỏa nhà tập thể xuống cấp.

Cửa ra vào một khu nhà tập thể xuống cấp.

Cửa ra vào một khu nhà tập thể xuống cấp.

Về vấn đề này, Sở Xây dựng đã nghiên cứu xây dựng 4 phương án kiến nghị UBND thành phố Đà Nẵng thống nhất chủ trương, cho phép UBND các quận, huyện trong quá trình tiếp dân, họp xử lý vướng mắc và vận động bàn giao mặt bằng đối với các hộ giải tỏa tại các dự án trên địa bàn quận huyện phải căn cứ vào hoàn cảnh thực tế của từng hộ giải tỏa, được quyền quyết định các khoản hỗ trợ khác (ngoài các khoản bồi thường, hỗ trợ theo quy định) với số tiền lũy kế tối đa không quá 100 triệu đồng/hộ. Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng quyết liệt trong triển khai chỉ đạo để thực hiện đúng cam kết với Hội đồng Nhân dân, với cử tri về tiến độ di dời nhà tập thể xuống cấp.

“Chính sách thì bất cập, vận dụng điều này, điều kia thì không sở nào tham mưu ý kiến cho dứt điểm. Nhà thì xuống cấp và sập không biết lúc nào. Câu chuyện này cứ nhắc đi nhắc lại hết kỳ họp này đến kỳ họp khác. 7 Nghị quyết của HĐND, 3 Thông báo Kết luận của HĐND, 3 Thông báo Kết luận của Thường trực HĐND, đến nay nhà tập thể vẫn càng ngày càng xuống cấp như vậy”- ông Lương Nguyễn Minh Triết cho biết./.

Thanh Hà/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/di-doi-cac-khu-tap-the-mat-an-toan-o-da-nang-7-nghi-quyet-van-chua-xong-post953686.vov