Tin mới nhất

Dịch vụ dọn tủ quần áo và căn bệnh mua sắm

TP – Cuộc sống hối hả hôm nay khiến không ít người gặp căng thẳng. Điều bất ngờ, nhiều chị em ở thành phố lớn đang bị khó chỉ vì tủ quần áo của mình. Tiết lộ của một người làm dịch vụ sắp xếp tủ quần áo gây bất ngờ: “Có những chị em riêng đồ lót đã sở hữu cả ngàn cái. Quần legging có đến 50 cái, áo sơ mi tầm 300 chiếc…”. Càng nhiều người sở hữu tủ quần áo “siêu to khổng lồ” không thể quản lý được thì dịch vụ dọn tủ quần áo càng có cơ hội đi lên.

Cách đây 2 năm, có một dòng tin từ một người ở công ty giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực dọn dẹp và sắp xếp đồ đạc đăng ở chợ cư dân Ciputra, khu đô thị đầu tiên ở Hà Nội: “Chúng tôi tự tin cung cấp gói dịch vụ gấp quần áo dành cho khách hàng có nhu cầu. Các chuyên viên của chúng tôi sẽ giúp bạn set-up lại tủ quần áo, giảm áp lực trước khối đồ đạc khổng lồ, tiết kiệm thời gian và tái tạo không gian sống khoa học”. Lúc ấy, một số tài khoản để lại bình luận dưới bài quảng cáo: “Có dịch vụ này nữa à?”; “Dịch vụ hay ghê”… Nhưng đến hôm nay dịch vụ sắp xếp tủ quần áo đã quen thuộc với nhiều chị em ở thành phố lớn.

Theo bà Cao Thị Lê Hiền, người sáng lập House to Home, một trong những dịch vụ sắp xếp tủ quần áo ở Hà Nội: “Dịch vụ sắp xếp tủ quần áo ở nước ngoài đã có từ lâu. Ở Mỹ hay Nhật thì quá phổ biến, đã xuất hiện hơn 10 năm. Còn ở Trung Quốc đã phát triển khoảng 5 năm nay”. Đừng tưởng gấp quần áo và dọn tủ quần áo là những việc dễ dàng, ai cũng làm được. Muốn làm trong lĩnh vực này cần chuyên môn. Bà Cao Thị Lê Hiền đã có chứng chỉ của một học viện nổi tiếng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, chuyên đào tạo nghề sắp xếp nhà cửa.

Bà cũng liên tục bổ sung kiến thức cho mình qua các kênh khác như sách báo: “Người ta hình dung đơn giản nhưng bước chân vào mới thấy hoàn toàn ngược lại, tay luôn hoạt động và trí não cũng thế. Chăm thôi chưa đủ, bạn cần am hiểu thời trang, am hiểu xu hướng, am hiểu chất liệu, màu sắc… vừa phải có tư duy của một nhà thiết kế nội thất, vừa có tư duy của một nhà thiết kế thời trang”. Sau những trải nghiệm với nghề, bà Cao Thị Lê Hiền nhận ra: Đam mê thời trang của chị em là bất tận song không phải ai cũng có khả năng quản lý tủ quần áo của mình.

Những “niêu cơm Thạch Sanh”

Bà Lê Hiền kể về vị khách đầu tiên đến với dịch vụ của mình: “Tôi không thể quên được, vì quá ấn tượng. Thử thách vị khách này đặt ra khiến chúng tôi càng muốn dấn thân vào nghề. Hôm đó chúng tôi làm việc từ 7 giờ tối đến 1 giờ rưỡi sáng hôm sau mới xong. Vị khách nữ bày tỏ, rất lúng túng với tủ quần áo mà ngày mai lại có bạn đến chơi nhà. Chị đề nghị chúng tôi xử lý giúp chị càng sớm càng tốt. Lời đề nghị tha thiết quá nên chúng tôi không thể chối từ. Đến nhà chị chúng tôi bị bất ngờ, giữa hình ảnh chị chụp gửi chúng tôi và thực tế là khoảng cách “một trời một vực”.

Lượng quần áo phải nói khổng lồ, trước giờ chúng tôi chưa từng thấy. Nhóm chúng tôi gồm 3 người, làm việc luôn tay mãi đến 1 rưỡi sáng mới xong. Qua ảnh chị gửi, chúng tôi chỉ thấy có một chiếc tủ 3 ngăn nên nghĩ chỉ cần giải quyết trong một buổi tối. Ai ngờ cái tủ ấy giống như… niêu cơm Thạch Sanh, cứ vơi lại đầy. Chị em thường hay nhồi nhét, nhưng ở đây là khả năng nhồi nhét siêu việt như ép chân không, càng đào càng thấy. Một chiếc ảnh không phản ánh hết, muốn biết chính xác tình hình phải khảo sát thực tế”.

Dịch vụ dọn tủ quần áo và căn bệnh mua sắm ảnh 1

Một góc của “bãi chiến trường”

Dịch vụ dọn tủ quần áo và căn bệnh mua sắm ảnh 2

Sắp xếp tủ quần áo là một nghề vất vả

Khách hàng đến với dịch vụ sắp xếp tủ quần áo của bà Cao Thị Lê Hiền đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề: “Có người độc thân, có người đang là sinh viên… Nhưng đa số là những phụ nữ đã có gia đình và bận rộn”. Dù dịch vụ vừa đi vào hoạt động khoảng 2 năm nay nhưng kỷ niệm về khách hàng của người sáng lập đã nhiều không kể hết: “Một chị khách hàng của chúng tôi đang sử dụng quần áo size XL nhưng chị giữ lại tất cả quần áo size S, M, L với ý nghĩ sẽ có ngày giảm cân… Cứ giữ lại kiểu đó thì tủ quần áo phải có sức chứa khổng lồ. Hơn nữa, thời trang luôn vận động, khi ta mặc vừa size cũ thì trang phục ấy cũng kịp thời lỗi mốt. Tâm lý giữ đồ như thế chỉ làm chủ nhân của nó mệt mỏi”.

Giải pháp bà đưa ra cho những khách hàng stress với tủ quần áo bề bộn: Mạnh tay loại bỏ. “Khi cầm quần áo lên nếu thấy thích hãy đặt sang một bên. Nhưng khi nhấc lên cảm thấy lăn tăn, chưa thật sự thích thì nên loại”. Đây cũng là lời khuyên của những chuyên gia uy tín trong lĩnh vực này. Quần áo bị loại có thể bán online, như các “sao” vẫn làm mỗi khi cần dọn đồ, cũng có thể đóng góp cho hoạt động từ thiện. Chúng không bị lãng phí, không mất đi, chỉ thay đổi chủ sở hữu.

Hiện nay, nhiều người vẫn còn chần chừ trước dịch vụ sắp xếp tủ quần áo vì vấn đề giá cả. Bà Cao Thị Lê Hiền cho biết: “Giá hiện tại của dịch vụ là 285 ngàn đồng cho một nhân sự trong một giờ. Thường sử dụng tối thiểu 2 nhân sự, cũng có khi lên đến 4 nhân sự, tuỳ thuộc lượng quần áo của gia chủ. Thời gian làm việc có thể chỉ gói gọn trong 1 ngày nhưng với những tủ quần áo lớn phải xử lý trong 2 ngày”.

Bỏ ra khoảng 4- 5 triệu đồng để xử lý tủ quần áo liệu có lãng phí? Người sáng lập dịch vụ phân tích: “Cứ trải nghiệm dịch vụ sẽ thấy không tiếc tiền. Bỏ ra 4-5 triệu đồng nhưng thu lại là tư tưởng thoải mái, biết mình cần mua thêm thứ gì, nên “hãm” thứ gì, có sơ đồ tủ quần áo để thực hành, duy trì không gian sống dễ chịu”. Nhưng cuộc sống của một gia đình nói chung, của một người phụ nữ nói riêng bao gồm rất nhiều chi phí nên chi phí dọn tủ quần áo vẫn là vấn đề khách hàng cân nhắc.

Hội chứng chẳng có gì để mặc

Tại sao một phụ nữ phải cần ngàn đồ lót, mấy trăm chiếc sơ mi, mấy chục chiếc legging? Một mày râu giải thích: “Do hội chứng “chẳng có gì để mặc”. Chị em mua biết bao nhiêu quần áo vẫn thấy thiếu”. Khách hàng của bà Cao Thị Lê Hiền phàn nàn, quần áo của con chị rất nhiều song vì quá bề bộn nên ngại tìm. Thế nên chị chỉ cho con mặc vài món đồ để sẵn ở ngoài. Nhiều khách hàng reo vui khi những người làm dịch vụ tìm được chiếc váy mà họ thích trong chiếc tủ được ví như niêu cơm Thạch Sanh.

Không thể sống thay “thượng đế”

Liệu sau khi đã thuê dịch vụ dọn tủ khách hàng có gọn gàng, ngăn nắp hơn không? Tôi hỏi. Người sáng lập dịch vụ sắp xếp tủ quần áo đáp: “Khách hàng có tiếp tục bừa bộn như cũ không thì chúng tôi không thể biết được. Tôi đã xây dựng mô hình cho khách hàng, nếu khách hàng duy trì được thì quá tốt, còn không thì cũng chịu, vì chúng tôi không thể sống thay “thượng đế”.

Nhưng không chỉ những người mắc “bệnh” luộm thuộm mới nhờ đến dịch vụ thu dọn quần áo. Phụ nữ có điều kiện tài chính luôn có nhu cầu giải phóng sức lao động. Thay vì bỏ một ngày dọn dẹp thì họ bỏ tiền thuê dịch vụ, thời gian ấy để nghỉ ngơi và hưởng thụ cuộc sống. Dịch vụ sắp xếp tủ quần áo đang phát triển tốt, nhất là dịp lễ tết: “Mùa tết vừa qua chúng tôi làm việc từ sáng đến 11 giờ đêm, liên tục như thế mà vẫn không hết việc, phải hẹn một số khách hàng ra tết gặp nhau, nếu còn có nhu cầu”, người sáng lập House to Home nói.

Có người đổ lỗi cho thương mại điện tử khiến chị em như phải “bùa” mua sắm. Không ít chị em “nghiện” mua quần áo online, thú giải trí của họ là săn hàng online, dù nhiều lần bị vỡ mộng về chất lượng vẫn không “chừa”. Một tài khoản bình luận: “Nhìn thấy tủ đồ của chị em mà ngán ngẩm không muốn lấy vợ”. Còn một người đang có vợ lại kể tội bà xã: Nàng không những chiếm dụng tủ của hai vợ chồng còn “lấn chiếm” cả tủ của con ở phòng bên. Ấy vậy mà vẫn luôn kêu không có quần áo để mặc. Nhưng chị em cũng có lý của mình. Một chị lên tiếng: “Mỗi lần mặc một bộ đồ mới thấy trong người rất khác, cảm nhận sự thú vị và thần thái cao hơn. Mặc đồ cũ giống đi với người quen. Đồ mới giống như đi cùng một người mới quan trọng. Tôi không tiếc tay mua đồ mới khi thấy đẹp và phù hợp. Vợ chồng trong nhà gặp hoài đã chán rồi phải có gì đó mới chứ!”.

Thực tế cho thấy nhiều chị em không thể dùng hết quần áo họ đã mua, thậm chí còn quên luôn chúng sau khi mang về nhà. Bà Cao Thị Lê Hiền xác nhận trong quá trình dọn đồ đã thấy không ít món đồ chưa được chị em cắt mác bị vo viên trong đống lãng quên. Còn tình trạng quần áo bẩn bỏ chung với quần áo sạch hay quần áo sạch vứt dưới sàn nhà những người làm dịch vụ coi là “chuyện thường ngày phố huyện”.

Nông Hồng Diệu



Nguồn: Tienphong