Thời sựTin mới nhất

Đổi thay ở thủ phủ sâm Ngọc Linh Quảng Nam

Đổi thay ở thủ phủ sâm Ngọc Linh Quảng Nam - Ảnh 1.

Gieo ươm hạt giống sâm Ngọc Linh tại trạm dược liệu Trà Linh – Ảnh: LÊ TRUNG

Ít ai có thể ngờ rằng, từ một loài cây dại mọc ở đỉnh Ngọc Linh, ngày nay nó lại trở thành quốc bảo, giá cao ngất ngưởng. Hiện tại, tỉnh Quảng Nam đang tranh thủ thời cơ để chạy đua bảo tồn, phát triển, quảng bá “quốc bảo” để đem về sinh kế cho cộng đồng, rộng hơn là có một ngành công nghiệp sâm Việt Nam.

Về miền “quốc bảo”

Xã Trà Linh, huyện Nam Trà My được mệnh danh là thủ phủ sâm Ngọc Linh của Quảng Nam có độ cao hơn 2.000m, nơi đây có những vườn sâm bạt ngàn của người Xê Đăng và các vườn sâm gốc của Nhà nước. Sâm có giá trị cao ngất ngưởng, bởi vậy được người dân nâng niu, bảo vệ.

Trồng sâm dưới tán rừng cũng là một cách năng lui tới rừng để giữ rừng, phát triển kinh tế và ở đây đã có những tỉ phú sâm. Mùa hè, dưới phố nắng đổ lửa nhưng đến Trà Linh thì lạnh như cắt da, sương mù bao phủ.

Con đường bêtông dẫn lên nóc Măng Lùng, thôn 2, xã Trà Linh được xây dựng khang trang, hai bên đường là những căn biệt thự tiền tỉ của những người Xê Đăng, trước sân là những chiếc xe hơi “xịn xò”. Đó là nhà của các đại gia vùng sâm.

Cách đây hơn chục năm về trước, nơi đây chỉ có những căn nhà sàn xập xệ, giờ đây điện kéo lên tận nơi, đường sá khang trang, không còn cảnh đi bộ nhiều giờ mới lên được vùng sâm.

Hàng chục chốt sâm của những người dân Xê Đăng được bảo vệ nghiêm ngặt, rào nhiều lớp bởi trên đó là một khối tài sản khổng lồ. Ở đây những đại gia sâm được nhiều người biết đến là ông Hồ Văn Du, Nguyễn Văn Lượng…

Ai cũng bảo đại gia sâm Nguyễn Văn Lượng sở hữu một khối tài sản đồ sộ, nhưng khối tài sản ấy là công sức của người đàn ông bền chí. Gắn với cây sâm từ tuổi 20, ông không nhớ nổi bao lần băng rừng để đi tìm hạt sâm tự nhiên mang về ươm giống trồng ở núi Ngọc Linh.

Cách đây hơn 20 năm, khi đang là chàng thanh niên, ông bắt đầu trồng sâm tập trung dưới tán rừng, lập chốt sâm, kêu gọi người dân cùng trồng, túc trực bảo vệ. Đến nay ở vườn của ông có hàng nghìn gốc sâm giá trị rất cao, tạo việc làm ổn định cho hàng chục hộ dân, sẻ chia hạt, cây giống, kỹ thuật để họ trồng, cùng nhau phát triển kinh tế.

Ông Trần Xuân Huấn (40 tuổi, thôn 2) cho biết ông cùng nhiều người dân của thôn nhờ sâm Ngọc Linh mà cuộc sống đổi thay rất nhiều. Cách đây 15 năm ông vay vốn trồng sâm, đến nay vườn của ông có gần 10.000 cây. Hằng năm thu nhập từ việc bán sâm mang lại cho gia đình khoảng 1 tỉ đồng, nhờ đó ông làm nhà to, nuôi con cái ăn học.

Không chỉ người Xê Đăng, những người có chí lớn ở miền xuôi cũng đổ tiền lên núi trồng sâm. Anh Tiến, một hộ trồng sâm, kể rằng đến giờ nghĩ lại vẫn chưa biết vì sao mình liều vậy, vay hàng tỉ đồng đổ lên núi, tìm giấc mơ sâm. “Giờ đây thu nhập mang lại từ bán sâm, mình đã trả hết nợ ngân hàng rồi, lãi được vườn sâm” – anh nói gọn.

Ông Hồ Văn Dang – phó chủ tịch UBND xã Trà Linh – cho biết cách đây hơn mười năm tại địa phương đường sá đi lại rất khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo rất cao. Từ năm 2017, huyện có đề án quy hoạch vùng trồng sâm, khuyến khích người dân trồng, tổ chức phiên chợ sâm hằng tháng… đã giúp đời sống của người dân nâng lên. Trước đây tỉ lệ hộ nghèo của xã hơn 60%, hiện nay chỉ còn hơn 30%.

Ở Trà Linh không chỉ có những vườn sâm của hộ dân mà còn có hai vườn sâm gốc của Nhà nước rộng hàng trăm hecta. Trạm dược liệu Trà Linh có vườn sâm gốc quý giá lớn nhất tỉnh này, nơi cung cấp nguồn giống cho người dân và doanh nghiệp trồng.

Mùa này, sâm đang vào kỳ cho hạt, nhân viên của trạm tỏa đi khắp vườn len lỏi vào những cánh rừng nguyên sinh thu hoạch những chùm quả đỏ, lấy hạt giống ươm thành cây con.

Ông Trần Ngọc Bằng – giám đốc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam – cho hay vườn có diện tích hơn 50ha, nhiệm vụ quan trọng nhất của trạm là bảo tồn, phát triển giống sâm Ngọc Linh. Số lượng cây sâm hiện có trong vườn hơn 250.000 cây nhiều năm tuổi. Hằng năm trạm chăm sóc và gieo ươm khoảng 60.000 cây để phục vụ cho người dân, doanh nghiệp.

Đầu tư mạnh cho vùng sâm

Ông Trần Duy Dũng – chủ tịch UBND huyện Nam Trà My – cho biết những năm qua tỉnh, huyện đẩy mạnh việc phát triển, hiện nay đã xây dựng khu trung tâm giới thiệu, tổ chức hội chợ, phiên chợ sâm Ngọc Linh với tổng vốn 24 tỉ đồng nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh cây sâm Ngọc Linh, tạo điều kiện cho người dân địa phương có nơi buôn bán sâm.

“Ngoài ra, huyện mở phiên chợ sâm để bảo vệ thương hiệu, bảo đảm tại đây 100% là sâm Ngọc Linh được kiểm tra, kiểm định rất nghiêm ngặt để du khách khi mua phải hưởng sản phẩm thực sự là sâm Ngọc Linh chính hiệu” – ông Dũng nói.

Tại Quảng Nam diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh 15.567ha, tổng diện tích cho thuê môi trường rừng để trồng 1.400ha, trong đó hộ gia đình 428ha, 20 doanh nghiệp thuê với 1.000ha.

Nguồn cây giống ngày càng tăng về số lượng và chất lượng, tại trạm dược liệu Trà Linh là 252.000 cây từ hai năm tuổi trở lên và của huyện Nam Trà My khoảng 18.000 cây từ 2-7 năm tuổi. Lượng cây giống trong dân, doanh nghiệp hằng năm sản xuất được từ 500.000 – 1 triệu cây giống.

Có ba doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ.

Theo ông Hồ Quang Bửu – phó chủ tịch UBND tỉnh, thời gian qua tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích bảo tồn phát triển cây sâm Ngọc Linh. Hiện nay có một doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ sâm, Tập đoàn thực phẩm dinh dưỡng Nutifood, Dược Nam Hà, Tập đoàn OPC đã vào tham gia trồng, chế biến.

Bên cạnh đó huyện Nam Trà My hợp tác với quận HamYang (Hàn Quốc) trao đổi, học tập kinh nghiệm trồng, phát triển sâm, quyết tâm cùng nhau đưa thương hiệu hai loại sâm Ngọc Linh và Hàn Quốc nổi tiếng trên thế giới.

Đồng thời đang xúc tiến với Canada, Mỹ và Nga chia sẻ những kinh nghiệm và hợp tác trong việc bảo tồn, phát triển, chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, hy vọng trong tương lai gần sâm này sẽ có mặt ở nhiều nước trên thế giới.

Dự án bảo tồn, kiểm định sâm Ngọc Linh được tỉnh phê duyệt với tổng vốn 19 tỉ đồng, dự án đường giao thông vào vùng phát triển sâm đã thi công 3 tuyến đường.

Trong thời gian tới tỉnh sẽ sớm trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ khuyến khích bảo tồn phát triển sâm Ngọc Linh và cây dược liệu giai đoạn 2022 – 2025.

Tỉnh đã trình Thủ tướng xem xét cho chủ trương đầu tư Vườn quốc gia về bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh và các loài dược liệu cũng như ban hành chương trình quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) giai đoạn 2021 – 2030 và định hướng đến 2045. Đây là những cơ sở quan trọng nhằm đẩy mạnh phát triển cây sâm Ngọc Linh.

Có ngành công nghiệp sâm sẽ đem lại giá trị lớn

Ong Ho Quang Buu 2

Ông Hồ Quang Bửu – phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – Ảnh: LÊ TRUNG

Ông Hồ Quang Bửu cho hay sâm Ngọc Linh đem lại 3 giá trị cốt lõi, đó là đem lại sinh kế cho người dân, bảo vệ rừng, sâm đem lại sức khỏe. Nhìn qua Hàn Quốc, một đất nước đã hình thành ngành công nghiệp sâm, không còn chỉ trong nước nữa mà phổ biến ra toàn thế giới.

Vì vậy cần phải có những giải pháp căn cơ, làm sao đến năm 2045 sâm Việt Nam cũng ngang hàng với sâm Hàn Quốc.

Hiện nay Thủ tướng đã giao cho Bộ NN&PTNT tham mưu trình Chính phủ một chương trình sâm Việt Nam từ đây đến năm 2030, định hướng đến 2045, hồn của chương trình này là đem lại một ngành công nghiệp sâm quốc gia. Khi đã hình thành ngành công nghiệp sâm thì đem lại giá trị lớn cho đất nước.

Nguồn: https://tuoitre.vn/doi-thay-o-thu-phu-sam-ngoc-linh-quang-nam-20220804082615352.htm