Kinh tế - Xã hộiThời sựTin mới nhất

Đồng hành cùng công nhân vượt khó

Những tháng cuối năm 2022, một số doanh nghiệp tại Hà Nội rơi vào cảnh thiếu đơn hàng sản xuất, khiến thu nhập của người lao động cũng giảm theo. Công đoàn các cấp và các doanh nghiệp đã và đang có nhiều việc làm thiết thực để giúp công nhân vượt qua giai đoạn khó khăn.
Đoàn viên, người lao động Công ty may Liên doanh Plummy mua hàng với giá ưu đãi của chương trình chuyến xe "Siêu thị đoàn viên Công đoàn". (Ảnh Phạm Diệp)
Đoàn viên, người lao động Công ty may Liên doanh Plummy mua hàng với giá ưu đãi của chương trình chuyến xe “Siêu thị đoàn viên Công đoàn”. (Ảnh Phạm Diệp)

Thực hiện chỉ đạo của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, mới đây, Trung tâm Tư vấn pháp luật và hỗ trợ người lao động thuộc Công đoàn Hà Nội đã thí điểm tổ chức chuyến “Xe siêu thị đoàn viên Công đoàn” đầu tiên, hỗ trợ đoàn viên Công đoàn ngành Dệt-May Hà Nội có hoàn cảnh khó khăn. Hơn 200 phiếu mua hàng, trị giá 100.000 đồng/phiếu đã được dành tặng các đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn để mua các mặt hàng như: gao, dầu ăn, gia vị, nước mắm, nước giặt và nhiều hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết cho sinh hoạt gia đình.

Cùng với việc trao tặng phiếu mua hàng, “Xe siêu thị đoàn viên Công đoàn” còn phục vụ đoàn viên, công nhân lao động với nhiều mặt hàng có chất lượng nhưng được ưu đãi giảm giá từ 10-50%, hoặc được áp dụng chương trình mua một, tặng một.

Chị Nguyễn Thị Tâm, công nhân Công ty May liên doanh Plummy (xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai) cho biết: Hiện nay, chúng tôi hầu như không có thêm thu nhập từ việc tăng ca cuối tuần, số giờ tăng ca ngày thường cũng giảm, khiến thu nhập giảm, trong khi nhu cầu chi tiêu cuối năm lớn, giá các loại hàng hóa tiêu dùng đang có xu hướng tăng. Sự hỗ trợ từ “Xe siêu thị đoàn viên Công đoàn” do vậy là rất thiết thực và quý giá.

Theo bà Vũ Thị Hương – Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội, chương trình “Xe siêu thị đoàn viên Công đoàn” được thực hiện nhằm sẻ chia, hỗ trợ khó khăn với đoàn viên, người lao động. Tất cả các sản phẩm đều là hàng Việt Nam, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cung ứng từ những đơn vị lớn, có uy tín để công nhân dễ dàng lựa chọn.

Dự kiến, trong tháng 12, chuyến xe thứ hai sẽ đến với đoàn viên, công nhân lao động các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội. Sau hai chuyến xe thí điểm, Liên đoàn Lao động thành phố sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm để có thể nhân rộng các chuyến xe trong thời gian tới.

Năm nay, tình hình sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và biến động từ kinh tế thế giới. Thời điểm hiện tại, nhiều công nhân, nhất là lao động trong lĩnh vực chế biến gỗ, dệt may, da giày, điện tử, thực phẩm, dịch vụ… đang bị cắt giảm đơn hàng. Doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất, khiến thu nhập của người lao động cũng giảm theo do bị giãn việc, giảm số giờ làm thêm.

Để giảm gánh nặng chi phí, phần lớn doanh nghiệp không cho công nhân tăng ca, cho nghỉ ngày thứ bảy hoặc bố trí công nhân làm việc ba ngày trong tuần. Các doanh nghiệp cũng đang cố gắng duy trì tiền lương cơ bản cho lao động. Nhiều doanh nghiệp bảo đảm đời sống cho nhân viên bằng cách cho công nhân làm việc luân phiên, nghỉ hết phép năm 2022 và ứng phép năm 2023.

Chia sẻ khó khăn với người lao động, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất-Quốc Oai) Phan Thanh Hải cho biết, do công ty thiếu đơn hàng nên hiện thu nhập của người lao động giảm từ 15 đến 20%. Mặc dù vậy, công ty cố gắng duy trì việc làm và thu nhập cơ bản cho người lao động, không để công nhân nào mất việc. Hiện công ty đang rà soát tiền thưởng Tết Nguyên đán, cố gắng duy trì, không cắt giảm so với các năm trước.

Theo Chủ tịch Công đoàn Công ty May liên doanh Plummy Hà Thị Phương Anh, so với cùng kỳ năm 2021, thu nhập của người lao động bị giảm từ 10 đến 15%, song công ty vẫn cố gắng duy trì việc làm cho người lao động. Hiện Công đoàn cơ sở đang thương lượng với công ty về kế hoạch lương, thưởng Tết. Mục tiêu là duy trì tiền thưởng Tết, nếu bắt buộc phải giảm thì cũng giảm không đáng kể.

Nhằm việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, hiện Trung tâm hỗ trợ việc làm thành phố đã kết hợp các cấp ngành, các địa phương để nắm bắt nhanh nhất, kịp thời nhất thông tin về các doanh nghiệp phải cho người lao động nghỉ việc để có phương án hỗ trợ kịp thời. Đối với những người lao động nghỉ việc, Trung tâm sẽ tăng cường những hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm. Mặt khác, yêu cầu các doanh nghiệp khi cho người lao động nghỉ việc phải thực hiện nghiêm túc việc đóng bảo hiểm xã hội để chốt sổ, không được nợ bảo hiểm xã hội.

Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội yêu cầu các cấp công đoàn cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của công nhân lao động. Song song với đó, phối hợp doanh nghiệp rà soát để thực hiện các chế độ tiền lương, thưởng đối với người lao động theo nội dung đã thỏa thuận và xây dựng phương án thưởng theo kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2022. Đặc biệt quan tâm tiền lương, thưởng, các khoản trợ cấp, hỗ trợ cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, không để xảy ra tình trạng nợ lương, thưởng…