Tin mới nhất

Dự báo giá tiêu tiếp tục tăng, xuất khẩu hạt tiêu kỳ vọng trở lại “câu lạc bộ tỷ đô”

Năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam tăng mạnh về giá trị và dự báo, giá tiêu sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022. Trước những thuận lợi về thị trường, Bộ NNPTNT dự báo xuất khẩu tiêu năm nay có thể đạt 1,05 tỷ USD.

Tín hiệu vui từ thị trường xuất khẩu hạt tiêu

 

Hạt tiêu từng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta và trong nhóm “câu lạc bộ tỷ USD”. Cụ thể, từ 2014 – 2017, giá trị xuất khẩu hạt tiêu luôn trên 1 tỷ USD, trong đó, năm 2016 đạt giá trị xuất khẩu cao nhất là 1,429 tỷ USD. 

 

Tuy nhiên từ năm 2018 – 2020, do giá tiêu trên thị trường thế giới giảm mạnh vì cung vượt cầu, mặt hàng này đã tụt khỏi mốc 1 tỷ USD, thậm chí năm 2020 chỉ đạt hơn 660 triệu USD.

 

Sang vụ tiêu năm 2021, do mất mùa nên giá tiêu trong nước bắt đầu tăng dần, có thời điểm lên tới 90.000 đồng/kg, xuất khẩu tiêu cũng sôi động hơn. 

 

Xuất khẩu hạt tiêu kỳ vọng trở lại “CLB tỷ đô”  - Ảnh 1.

Nông dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thu hoạch tiêu. Ảnh: Trần Đáng

Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), năm 2021 nước ta đã xuất khẩu 263.692 tấn hồ tiêu các loại, bao gồm 231.676 tấn tiêu đen và 32.016 tấn tiêu trắng. Tổng kim ngạch đạt 948,7 triệu USD.

 

Thị trường hồ tiêu năm 2021 cho thấy, việc tăng giá đã giúp tăng khoảng 42,7% giá trị kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu, trong khi lượng giảm 7,8%.

 

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, mặc dù giá tiêu đang khởi sắc, nhưng không vì điều này mà bà con nông dân ồạt tăng diện tích, hệ lụy lại là điệp khúc “trồng – chặt, chặt – trồng”. Bà con cần đầu tư, chăm sóc những diện tích hồ tiêu hiện hữu để tăng năng suất, tăng thu nhập.

Năm 2021, hạt tiêu đen của Việt Nam “phủ sóng” lên tới hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung vào các thị trường lớn như Trung Quốc (35.700 tấn); Mỹ (34.800 tấn); Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (15.200 tấn); Ấn Độ (9.200 tấn); Đức (6.300 tấn). Trong khi đó, xuất khẩu hạt tiêu trắng của Việt Nam đạt xấp xỉ 22.300 tấn, trị giá 113 triệu USD, tăng 1% về lượng và tăng 56% về trị giá so với năm 2020. Hạt tiêu trắng của nước ta trong năm 2021 xuất khẩu sang khoảng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

 

Điều đáng lưu ý là cơ cấu chủng loại hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng lượng xuất khẩu hạt tiêu trắng và hạt tiêu trắng xay, trong khi xuất khẩu hạt tiêu đen và hạt tiêu đen xay giảm. Mặc dù vậy, hạt tiêu đen vẫn là chủng loại xuất khẩu chính, tỷ trọng chiếm 74,3% tổng lượng và 70,8% tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu. 

 

Xuất khẩu hạt tiêu kỳ vọng trở lại “CLB tỷ đô”  - Ảnh 4.

Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, sang năm 2022, các thị trường xuất khẩu hồ tiêu truyền thống như Mỹ, châu Âu (EU), UAE dự báo nhiều tín hiệu lạc quan. Đặc biệt là Mỹ, dù nước này tăng nhập khẩu hạt tiêu từ Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc, tuy nhiên hạt tiêu từ Việt Nam vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất. 

 

Trước diễn biến giá tiêu liên tục tăng ngay đầu vụ thu hoạch 2022, thị trường xuất khẩu thuận lợi, Bộ NNPTNT đã đặt mục tiêu đưa hồ tiêu trở lại “câu lạc bộ tỷ USD”, với kim ngạch khoảng 1,05 tỷ USD.

 

Đau đầu vì giá phân bón, nhân công

 

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, nông dân Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đang bước vào vụ thu hoạch tiêu mới, giá tiêu xô cũng nhích dần trong những ngày gần đây. Cụ thể, giá tiêu đen tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện ở mức 86.500 đồng/kg; Bình Phước 85.500 đồng/kg; khu vực Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông dao động từ 83.500 – 85.000 đồng/ kg. Tuy nhiên, chi phí sản xuất tiêu cũng ngày càng tăng, gây thêm khó khăn cho nông dân.

 

Xuất khẩu hạt tiêu kỳ vọng trở lại “CLB tỷ đô”  - Ảnh 2.

Giá công hái hồ tiêu tại huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang tăng cao ngất ngưởng. Ảnh: Trần Đáng

Tại huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước), vụ thu hoạch tiêu đầu năm nay không còn cảnh nhộn nhịp như trước. Không chỉ năng suất vườn tiêu giảm mà giá nhân công thu hoạch tăng cao và khó thuê mướn. 

Ông Trần Hữu Phước (ở xã Đồng Tâm) cho biết, vườn tiêu của ông chủ yếu trồng xen trong vườn điều. Việc di chuyển thang để hái tiêu từ gốc điều này qua gốc điều khác sẽ tốn nhiều thời gian, người lao động ngại leo trèo nên càng khó thuê mướn. 

Theo ông Phước, giá công hái tiêu hiện khoảng 250.000 đồng/ngày. Không tìm được nhân công, gia đình ông Phước tự hái xả hết một lần để tiết kiệm công thu hoạch, vừa dưỡng sức cho cây tiêu phát triển. Một số hộ thì trải bạt dưới đất, để tiêu chín tự rụng. 

Ông Trần Văn Hảo đang trồng 1ha hồ tiêu ở xã Xuân Thọ kể, năm nay, do được đầu tư chăm sóc nên năng suất tiêu ước đạt từ 2,5-3 tấn/ ha; tăng gần 1 tấn/ha so với vụ thu hoạch tiêu năm ngoái.

Thế nhưng, do khan hiếm lao động nông thôn, công hái tiêu hiện tăng lên hơn 50.000 đồng/công. Thêm vào đó, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, người trồng tiêu gần như không có lợi nhuận. 

 

Mặc dù vậy, giá tiêu tăng đã tạo động lực để bà con nông dân phục hồi lại vườn tiêu sau nhiều năm bị bỏ bê. 

Mùa vụ vừa qua, nông dân xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) đã tích cực cắt tỉa những nhánh dây già cỗi, khơi thông mương, rãnh và xử lý nấm bệnh cho vườn tiêu; ủ bón các loại phân chuồng để cải tạo lại bộ rễ, mong muốn năng suất vườn tiêu trở lại thời kỳ sung mãn như trước kia. 

 

Ông Trần Hữu Thắng – Giám đốc HTX Hồ tiêu Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) chia sẻ, với giá bán khoảng 80.000 đồng/kg, những vườn tiêu năng suất cao đã có lợi nhuận tốt. Theo đó, bà con đang rất quan tâm chăm chút cho vườn trồng, tập trung thu hoạch. Huyện Xuân Lộc hiện còn hơn 3.540ha hồ tiêu.

Nguồn: https://danviet.vn/du-bao-gia-tieu-tiep-tuc-tang-xuat-khau-hat-tieu-ky-vong-tro-lai-cau-lac-bo-ty-do-20220221202109148.htm