Du lịch - Đời sốngThời sựTin mới nhất

Du lịch cộng đồng được coi là ‘cuộc cách mạng’ phát triển nông thôn

Homstay cộng đồng Chày Lập (huyện Bố Trạch - Quảng Bình).
Homstay cộng đồng Chày Lập (huyện Bố Trạch – Quảng Bình).
Ngành du lịch và ngành nông nghiệp đều đang có quan điểm nhất quán cho rằng, chương trình du lịch cộng đồng dựa trên lợi thế sẵn có của mỗi vùng miền cần được xây dựng như một cuộc cách mạng phát triển nông thôn.

Hiện cả nước có trên 1.300 khu, điểm du lịch thuộc các địa phương quản lý, trong đó khoảng 70% là các điểm du lịch thuộc khu vực nông thôn.

Trong những năm qua, nhiều điểm đến du lịch nông thôn được hình thành trên cơ sở khai thác giá trị đặc sắc, mang đậm dấu ấn của văn hóa, sinh thái vùng miền. Nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp độc đáo, chất lượng đã được khai thác đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách. Tuy nhiên, du lịch nông thôn vẫn chưa thực sự phát huy tương xứng với tiềm năng.

Đánh giá về tình hình phát triển du lịch nông thôn tại Hội nghị triển khai Chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 cuối tuần qua, Thứ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Hoàng Đạo Cương cho biết, đa số mô hình du lịch nông thôn đều khó khăn về hạ tầng giao thông, do đó rất cần sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước qua các cơ chế chính sách.

Du lịch cộng đồng được coi là 'cuộc cách mạng' phát triển nông thôn ảnh 1
Phát triển du lịch nông thôn gắn với các sản phẩm OCOP của địa phương.

Thông tin về tình hình phục hồi ngành du lịch, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của Covid-19, du lịch nội địa đã chịu nhiều ảnh hưởng. Tuy hiện nay đã được phục hồi trở lại nhưng ngành du lịch vẫn còn những trở ngại nhất định.

Tính đến 31/8, Việt Nam có 1,2 triệu khách du lịch quốc tế, so với 9 triệu khách của Thái Lan thì Việt Nam vẫn còn một khoảng cách xa; khách du lịch nội địa đạt khoảng 80 triệu lượt; mang lại tổng thu 356.000 tỷ đồng.

Đưa ra các đề xuất để du lịch nông thôn tiếp tục phát triển thời gian tới, Thứ trưởng VHTT&DL cho rằng, cần tập trung phát triển du lịch ở những địa bàn có địa hình thuận lợi, ưu tiên phát triển hạ tầng, cơ sở hạ tầng du lịch nông thôn đồng bộ.

Các điểm du lịch cộng đồng được định hướng gắn với các trung tâm du lịch ở thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng. Hiện lãnh đạo các thành phố lớn đều đang chuẩn bị những kế hoạch mở rộng mạng lưới du lịch nông thôn tới các tỉnh lân cận.

Đề xuất thứ hai Thứ trưởng VHTT&DL đưa ra là đề nghị phát triển sản phẩm du lịch nông thôn chất lượng, sáng tạo, đa dạng về cảnh quan sinh thái, dựa trên lợi thế có sẵn của mỗi vùng miền, các khu du lịch nghỉ dưỡng gắn với các điểm sinh hoạt cộng đồng.

Du lịch cộng đồng được coi là 'cuộc cách mạng' phát triển nông thôn ảnh 2

Thứ trưởng VHTT&DL Hoàng Đạo Cương

“Ngành du lịch mong muốn các sản phẩm du lịch gắn được với các thị trường mục tiêu, hướng tới khách du lịch nội địa trước khi nghĩ tới khách du lịch quốc tế. Đa dạng hóa hơn các sản phẩm du lịch theo đặc trưng từng vùng miền. Tôi kỳ vọng sự phát triển của chương trình du lịch nông thôn sẽ là điểm sáng, một cuộc cách mạng”.

Đồng quan điểm với Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho rằng, giá trị xây dựng nông thôn mới không chỉ dừng ở câu chuyện chúng ta đã làm mà còn đưa vào nhiều giá trị văn hoá, lịch sử của đất nước.

Từ đó, Bộ trưởng Hoan đánh giá và cho rằng, chương trình nông thôn mới giai đoạn trước thành công và mang lại ý nghĩa to lớn, nhưng giờ là lúc chúng ta khởi tạo cho giai đoạn mới.

“Chúng ta đang tạo dựng nông thôn mới tràn đầy nhựa sống, là nơi đáng sống, là nơi quay về. Nếu như đô thị là nơi so sánh đẳng cấp văn minh của một dân tộc này với dân tộc khác, thì nông thôn mới chính là nơi so sánh bản sắc của một dân tộc này với dân tộc khác”, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Du lịch cộng đồng được coi là 'cuộc cách mạng' phát triển nông thôn ảnh 3

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan

Chúng ta nói xây dựng nông thôn mới nhưng người Trung Quốc còn gọi là chấn hưng nông thôn. Điều đó có nghĩa là chúng ta đang làm một cuộc cách mạng nông thôn. Đó là sự thay đổi theo những chiều hướng tốt đẹp hơn”.

Năm nhiệm vụ chủ yếu

Để du lịch nông thôn có thể phát triển tương xứng với tiềm năng và đạt được những kỳ vọng như định hướng, Kế hoạch trọng tâm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 đã đề ra 5 nhiệm vụ chính.

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, kiến thức, hành động cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ; tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, người dân, cộng đồng và khách du lịch về phát triển du lịch nông thôn bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Thứ hai, Hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn triển khai Chương trình.

Cụ thể, tích hợp và bổ sung định hướng phát triển du lịch nông thôn vào quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Xây dựng Tài liệu tập huấn về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Ban hành Bộ tiêu chí, tiêu chuẩn về công nhận điểm du lịch nông thôn gắn với công tác quản lý nhà nước về du lịch.

Thứ ba, tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý du lịch, kiến thức thị trường, kỹ năng về hoạt động du lịch (ngoại ngữ, đón tiếp, xúc tiến du lịch…), bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch cho người lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch ở khu vực nông thôn.

Thứ tư, tập trung xây dựng các điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn, hình thành các tour, tuyến du lịch nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và 4 bảo vệ môi trường; sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ; huy động sự tham gia của phụ nữ, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người yếu thế để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.

Thứ năm, tổ chức các sự kiện, lễ hội, diễn đàn giới thiệu và kết nối cung – cầu du lịch nông nghiệp, nông thôn. Lồng ghép giới thiệu sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các sự kiện quảng bá du lịch Việt Nam, các chương trình kết nối nông sản và Chương trình OCOP. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn.