Tin mới nhất

Giữ vững an ninh, trật tự ngay từ sớm, từ xa, từ địa bàn cơ sở

Phải tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các lực lượng quần chúng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; xây dựng được nền An ninh nhân dân gắn với thế trận An ninh nhân dân để giải quyết kịp thời các vụ, việc liên quan đến ANTT và giữ vững ANTT ngay từ sớm, từ xa, từ cơ sở là yêu cầu cần thiết; qua đó, góp phần quan trọng trong xây dựng xã hội an ninh, an toàn vì cuộc sống bình yên của nhân dân.

Dự án Luật Lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở là một trong những dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Cơ sở đề xuất xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là gì? Việc xây dựng, ban hành Luật có phát sinh lực lượng mới, tăng chi ngân sách Nhà nước hay không? Vì sao Luật chỉ điều chỉnh kiện toàn thống nhất các lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng trong khi thực tế hiện nay còn có các lực lượng quần chúng tự nguyện, tự quản khác cũng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở? Những nhiệm vụ của lực lượng này có trùng lặp, chồng chéo với lực lượng Công an chính quy hay không?…

Một loạt câu hỏi liên quan đến dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ được chúng tôi giải đáp trong cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an.

Giữ vững an ninh, trật tự ngay từ sớm, từ xa, từ địa bàn cơ sở -0
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên.

Phóng viên (PV): Đồng chí có thể cho biết cơ sở đề xuất xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Việc đề xuất xây dựng, ban hành Luật dựa trên các cơ sở sau đây. Thứ nhất, về cơ sở chính trị, đó là các quan điểm, chủ trương của Đảng được thể hiện trong các văn bản: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định quan tâm xây dựng lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn xã hội cơ sở đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ giữ gìn ANTT ở cơ sở; Nghị quyết số 51 ngày 5/9/2019 của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia đã định hướng về việc xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; Nghị quyết số 07 ngày 17/2/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 51 của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia đã đề ra nhiệm vụ xây dựng Luật Lực lượng trị an cơ sở.

Thứ hai, về cơ sở pháp lý được thể hiện ở 2 nội dung. Đầu tiên là cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở có tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân mà theo quy định của Hiến pháp năm 2013 phải do Luật định. Do đó, việc xây dựng một đạo luật để điều chỉnh về hoạt động, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ vừa bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng này ở cơ sở, vừa bảo đảm quyền con người, quyền công dân được thực hiện theo đúng quy định của Hiến pháp. Sau đó là kịp thời tạo cơ sở pháp lý quy định về nhiệm vụ, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Toàn quốc hiện có 89.045 Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 46 Luật Công an nhân dân năm 2018 quy định các chức danh Công an xã bán chuyên trách được bổ nhiệm, bố trí theo quy định của Pháp lệnh Công an xã năm 2008 kết thúc nhiệm vụ và được sử dụng tham gia bảo vệ ANTT tại cơ sở, được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Pháp lệnh Công an xã cho đến khi có văn bản quy phạm pháp luật khác. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về nhiệm vụ mà lực lượng này được thực hiện.

Việc xây dựng và ban hành Luật còn đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm ANTT. Trong điều kiện tình hình thế giới, khu vực và trong nước liên quan đến ANTT đang diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp với nhiều vấn đề mới nảy sinh, đòi hỏi nhiệm vụ bảo đảm ANTT ngày càng nặng nề hơn. Do đó, việc xây dựng, ban hành Luật để củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong việc hỗ trợ lực lượng Công an thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác bảo đảm ANTT tại địa bàn cơ sở sẽ mang lại những tác động tích cực và hiệu quả trong quản lý nhà nước về ANTT.

Giữ vững an ninh, trật tự ngay từ sớm, từ xa, từ địa bàn cơ sở -0
Công an xã tới từng nhà dân tuyên truyền, phát động quần chúng tham gia thực hiện tốt Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. (Ảnh: Minh Quỳnh)

PV: Dự thảo Luật điều chỉnh kiện toàn thống nhất các lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Xin đồng chí cho biết rõ hơn lý do vì sao lại điều chỉnh đối với các lực lượng, chức danh này trong khi thực tế hiện nay còn có các lực lượng quần chúng tự nguyện, tự quản khác cũng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Đây là dự án Luật điều chỉnh đối với các lực lượng, chức danh đã được thành lập, hoạt động trên phạm vi toàn quốc, có lịch sử được thành lập và tồn tại từ rất lâu và hiện nay đang được điều chỉnh trong các văn bản quy phạm pháp luật (Công an xã được thành lập ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, bảo vệ dân phố được thành lập sau chiến thắng Điện Biên Phủ, dân phòng được thành lập từ những năm 1960).

Các lực lượng, chức danh này có mối quan hệ chặt chẽ về cơ cấu, tổ chức bộ máy, đều do UBND cấp xã thành lập, được Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động và trong thực tế đã và đang phát huy vai trò tích cực trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở, đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đánh giá và có đủ cơ sở để quy định trong Luật.

Các lực lượng quần chúng tự nguyện, tự quản khác được thành lập, tổ chức, hoạt động dưới nhiều mô hình khác nhau và mang tính đặc thù ở các địa phương, không mang tính phổ biến trong toàn quốc. Các lực lượng này là hạt nhân trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc do nhân dân tự tổ chức hoạt động dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn, phối hợp của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở như bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách…

Từ những lý do nêu trên, cơ quan chủ trì soạn thảo đã cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng và thống nhất Luật này chỉ điều chỉnh kiện toàn đối với lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành một lực lượng chung với tên gọi là lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và lực lượng này làm nòng cốt trong xây dựng phong trào quần chúng tự quản, tự bảo vệ ANTT ở cơ sở.

PV: Có ý kiến lo ngại rằng, việc ban hành Luật sẽ làm hình thành nên lực lượng mới và làm tăng chi ngân sách Nhà nước. Đồng chí có thể giải đáp lo ngại này?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Dự thảo Luật chỉ thực hiện sắp xếp, kiện toàn lại các lực lượng, chức danh đã được thành lập, hoạt động hiện nay thành một lực lượng thống nhất trên cơ sở điều chỉnh về vị trí, chức năng, nhiệm vụ để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Công an nhân dân và đáp ứng yêu cầu thực tiễn mà không phải là thành lập lực lượng mới, không phải hình thành nên tổ chức bộ máy mới. Các lực lượng, chức danh được kiện toàn thống nhất trong dự thảo Luật hiện nay đang được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm: Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), Pháp lệnh Công an xã năm 2008, Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006 về Bảo vệ dân phố.

Theo đó, hiện nay toàn quốc có 103.568 thôn, tổ dân phố; có 72.362 người đang tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ dân phố, 89.045 Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở, 19.390 Công an xã bán chuyên trách đang xem xét giải quyết chế độ, chính sách và 128.664 đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Theo đó, tiếp tục sử dụng, kiện toàn thống nhất các lực lượng, chức danh này để bố trí ở địa bàn thôn, tổ dân phố theo mô hình Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, bao gồm các chức danh Tổ trưởng, Tổ phó và Tổ viên tổ bảo vệ ANTT thì dự kiến tổng số người tham gia hoạt động trong lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là khoảng 300.0000 người.

Với việc điều chỉnh theo hướng này sẽ không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động và không làm tăng chi ngân sách Nhà nước sau khi Luật được ban hành và góp phần kiện toàn, tinh gọn đầu mối, chức danh theo chủ trương chung hiện nay cũng như kiện toàn lực lượng để có điều kiện tập trung nguồn lực, cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện cho hoạt động của lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở được tốt hơn, thật chất hơn; cắt bỏ được các khoản chi hỗ trợ cho nhiều lực lượng hiện nay đang tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; bảo đảm linh hoạt, chủ động, nhanh chóng trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT và phòng cháy, chữa cháy ở địa bàn cơ sở; khắc phục được những chồng chéo, mâu thuẫn trong thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật.

PV: Đồng chí cho biết về các nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở theo quy định của dự thảo Luật? Các nhiệm vụ này có chồng chéo, trùng lặp với nhiệm vụ của lực lượng Công an cấp xã hay không, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Dự thảo Luật quy định nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở bảo đảm phù hợp với trình độ, năng lực và thể hiện rõ tính chất là “lực lượng tham gia hỗ trợ”, không trùng lặp với nhiệm vụ của Công an cấp xã và chính quyền cơ sở. Theo đó, lực lượng này được giao thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ, bao gồm: Thu thập, tổng hợp tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn phụ trách; tuyên truyền pháp luật về bảo đảm ANTT, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tham gia xây dựng lực lượng dân phòng, thực hiện công tác phòng, chống thiên tai, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; hỗ trợ thực hiện công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội; tham gia vận động, giúp đỡ người vi phạm pháp luật đã bị xử lý trở về sinh sống tại cộng đồng; tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và thực hiện các nhiệm vụ khác về bảo vệ ANTT.

PV: Có thể nói, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở góp phần quan trọng trong công tác đảm bảo ANTT từ sớm, từ xa và từ cơ sở. Đồng chí có đánh giá như thế nào về ý kiến này?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Lịch sử đã chứng minh, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở giữ một vị trí, vai trò quan trọng trong công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở và trong suốt quá trình hình thành, phát triển từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, lực lượng này đã có những đóng góp quan trọng trong công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đóng góp tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa bàn cơ sở, được các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân ghi nhận.

Trong bối cảnh hiện nay và thời gian tiếp theo càng thấy rõ hơn vị trí, vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trong công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các lực lượng quần chúng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; xây dựng được nền An ninh nhân dân gắn với thế trận An ninh nhân dân để giải quyết kịp thời các vụ, việc liên quan đến ANTT và giữ vững ANTT ngay từ sớm, từ xa, từ cơ sở là yêu cầu cần thiết; qua đó, góp phần quan trọng trong xây dựng xã hội an ninh, an toàn vì cuộc sống bình yên của nhân dân.

Nguồn: https://cand.com.vn/Hoat-dong-LL-CAND/giu-vung-an-ninh-trat-tu-ngay-tu-som-tu-xa-tu-dia-ban-co-so-i644535/