Kinh tế - Xã hộiTin mới nhấtY Tế - Giáo dục - Sức khỏe

Hội chứng hậu Covid-19, vấn đề không thể xem thường

Covid -19 tại Việt Nam đã đi qua đợt dịch thứ tư, với hơn 2,3 triệu ca mắc, cùng với đó là 2,1 triệu ca đã khỏi bệnh, số ca được ra viện lên đến hàng nghìn mỗi ngày.
Tập luyện để giảm thiểu các hội chứng sau Covid-19. Ảnh: B.N
Tập luyện để giảm thiểu các hội chứng sau Covid-19. Ảnh: B.N

Bên cạnh gánh nặng ở việc điều trị các ca mới mắc, đặc biệt là bệnh nặng và trường hợp có yếu tố nguy cơ, thì theo dõi trong thời gian gần đây, các cơ sở y tế đã ghi nhận một số lượng lớn bệnh nhân có biểu hiện của hội chứng hậu Covid, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

Khác với các bệnh lý nhiễm vi rút cấp tính khác, các đối tượng nhiễm virus SARS-CoV2 sau khi được đánh giá khỏi bệnh, có đến 10 – 20% bị ảnh hưởng lâu dài. Ghi nhận ở các phòng khám tại TP.Hồ Chí Minh đợt dịch vừa qua cho thấy, tỷ lệ này còn có thể lớn hơn.

Các triệu chứng thường gặp nhất là mất ngủ kéo dài, rụng tóc, rối loạn lo âu nhiều mức độ, trầm cảm, cảm giác hụt hơi hoặc khó thở khi vận động, các rối loạn tiêu hóa, mất mùi hoặc mất vị giác kéo dài. Các biểu hiện hậu Covid rất đa dạng, ảnh hưởng nhiều cơ quan và tác động xấu đến chế độ sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.

Một điều đáng chú ý của hội chứng hậu Covid là không chỉ ảnh hưởng đến bệnh nhân nhiễm Covid mức độ trung bình – nặng hoặc bệnh nhân lớn tuổi, mà ở các bệnh nhân trẻ nhiễm bệnh không triệu chứng, hội chứng hậu Covid chiếm tỷ lệ lớn với các biểu hiện nghiêm trọng như thương tổn xơ hóa phổi, suy giảm chức năng hô hấp. Với nhóm bệnh này, cần được chẩn đoán và điều trị bởi các chuyên gia có kinh nghiệm về bệnh lý hô hấp – truyền nhiễm – phục hồi chức năng.

Hiện nay, ở một số tỉnh thành có tỷ lệ mắc Covid cao, các phòng khám – trung tâm chuyên khoa về chẩn đoán và điều trị hội chứng hậu Covid đã được thành lâp. Đây không phải là một vấn đề sức khỏe dễ dàng điều trị, cần sự kết hợp nhiều yếu tố từ bệnh nhân đến nhân viên y tế, từ chế độ dinh dưỡng đến rèn luyện thể lực cũng như các hoạt động khác như thiền và yoga, từ các biện pháp chăm sóc tâm lý đến điều trị thuốc và vật lý trị liệu. Điều trị hậu Covid cũng là một quá trình lâu dài cần sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ giữa bệnh nhân và thầy thuốc.

Trong bối cảnh số lượng người mắc Covid vẫn không ngừng tăng lên, trong đó đa số là người trẻ không có triệu chứng, việc đánh giá cũng như chẩn đoán và theo dõi hội chứng hậu Covid nhằm giảm tác hại đến sức khỏe người dân ngày càng trở nên cấp thiết.

Vì vậy, bên cạnh duy trì hoạt động các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid cũng như giám sát bệnh nhân Covid tại nhà, thì các trung tâm và đơn vị chuyên sâu về hậu Covid cũng cần được đưa vào hoạt động.

BẢO NGỌC
Nguồn: https://baoquangnam.vn/y-te/hoi-chung-hau-covid-19-van-de-khong-the-xem-thuong-123329.html