Tin mới nhất

Hơn 200 điểm đê xung yếu cần ứng phó mùa mưa lũ

Nhận định được đưa ra tại Hội nghị Tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng chống thiên tai các tỉnh, thành phố năm 2022 diễn ra sáng 1/7 tại thành phố Thanh Hóa do Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức, với sự tham dự của hơn 500 đại biểu đến từ 21 tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt trên cả nước.

Từ đầu năm đến nay, thiên tai diễn biến bất thường, cực đoan tại nhiều vùng miền trên cả nước, đã xảy ra 74 trận mưa lớn, sạt lở đất, sạt lở bờ sông; đặc biệt có đến 113 trận động đất và 02 đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng. Thiên tai đã làm 64 người chết, mất tích. Đáng chú ý là hiện nay có hơn 200 trọng điểm đê xung yếu; 700km đê chưa đảm bảo an toàn chống lũ; hàng trăm cống dưới đê có thể xảy ra sự cố mùa mưa lũ.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, đặc biệt là công tác tổ chức kiện toàn lực lượng, thực hiện nghiêm công tác tuần tra canh gác, phát hiện và xử lý ngay từ đầu những sự cố đe dọa an toàn đê; tổ chức và kiểm tra việc triển khai trên thực tế phương án bảo vệ trọng điểm của các địa phương.

“Chúng tôi xác định nhiệm vụ phòng chống thiên tai là quan trọng, đã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai cấp xã; rà soát được 30 trọng điểm đê điều, mặc dù nguy hiểm nhưng hiện nay chưa có kinh phí khắc phục”, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết.

Từ thực tế, nguy cơ sự cố mất an toàn đê điều luôn hiện hữu, trên các tuyến đê còn nhiều trọng điểm xung yếu, nhiều vi phạm chưa được xử lý cũng như còn đang tiếp tục phát sinh mới; nhiều tuyến đê tuy đã được củng cố nâng cấp nhưng nhiều năm không được thử thách với lũ nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

“Đề nghị đánh giá kỹ, không để đoạn đê, cống dưới đê nào xung yếu bị bỏ sót; Đưa ra phương án bảo vệ trọng điểm, không bỏ sót tình huống có thể xảy ra. Ví dụ, một cống bị cây kẹp, nhưng có nhiều cống xung yếu xây dựng nhiều năm nay rồi, thì phải xây dựng phương án, chuẩn bị vật tư phù hợp với tình huống để khi ứng phó chúng ta không bị động, bất ngờ”, ông Phạm Đức Luận, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai nêu ý kiến./.

Nguồn: Vov