Tin mới nhất

Huy động sức mạnh tổng hợp làm nhiệm vụ bảo vệ ANTT

Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là những quy định về quan hệ công tác, phối hợp của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với các cơ quan, tổ chức, các lực lượng có liên quan ở địa bàn cơ sở.

Bởi lẽ, việc quy định này sẽ góp phần xây dựng được cơ chế hữu hiệu trong việc thực hiện kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự của các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, huy động tốt sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân làm nhiệm vụ bảo vệ ANTT.

Tại dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, Điều 5, Chương I quy định đầy đủ, rõ ràng, đồng bộ, thống nhất về quan hệ công tác, phối hợp của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở với các cơ quan, tổ chức, các lực lượng có liên quan ở địa bàn cơ sở.

cong an.jpg -0
Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở xây dựng cơ chế huy động sức mạnh tổng hợp làm nhiệm vụ bảo vệ ANTT.

Cụ thể, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở chịu sự giám sát của Hội đồng nhân dân, quản lý của UBND cấp xã và chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Công an xã trong công tác bảo đảm ANTT.

Trong quan hệ phối hợp với lực lượng có liên quan ở địa bàn cơ sở, dự thảo Luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở có trách nhiệm theo sự phân công, chỉ đạo của Công an cấp xã tham gia phối hợp với người đứng đầu thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương; trưởng ban công tác mặt trận; bí thư chi bộ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT trên địa bàn cấp xã.

Phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ dưới sự chỉ đạo của UBND cấp xã tham gia hỗ trợ lực lượng chức năng thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, hải đảo, vùng biển, vùng trời Việt Nam; bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tuyên truyền, vận động nhân dân để xây dựng địa bàn cơ sở vững mạnh toàn diện; thực hiện chính sách xã hội; phòng chống, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh, phòng cháy, chữa cháy; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và hoạt động phòng thủ dân sự khác.

Phối hợp với đoàn thể quần chúng, tổ chức quần chúng tự quản ở địa phương, dân phòng, hòa giải viên cơ sở, lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, cơ quan, mâu thuẫn về ANTT trên địa bàn cấp xã; tham mưu với Công an cấp xã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các vi phạm pháp luật khác về ANTT trên địa bàn phụ trách.

Trong trường hợp cần thiết hoặc xảy ra tình hình phức tạp về ANTT thì UBND cấp xã huy động lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, dân phòng; bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp và các tổ chức, lực lượng quần chúng tự nguyện, tự quản tham gia bảo vệ ANTT trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý và giao lực lượng Công an cùng cấp chỉ huy, hướng dẫn giải quyết kịp thời.

Trường hợp xảy ra thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm hoặc tình trạng khẩn cấp về ANTT ở cơ sở chịu sự huy động, chỉ huy của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.

Trường hợp chuyển sang tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở chịu sự huy động, chỉ huy của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quốc phòng.

Theo Bộ Công an, việc quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đối với các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trong việc thực hiện công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở sẽ góp phần xây dựng được cơ chế hữu hiệu trong việc thực hiện kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ bảo vệ  ANTT của các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, huy động tốt sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân làm nhiệm vụ bảo vệ ANTT từ đó bảo đảm xây dựng, giữ vững môi trường an toàn, ổn định phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, những quy định này sẽ giải quyết tốt mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với lực lượng Công an chính quy và lực lượng quần chúng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và cơ quan, tổ chức có liên quan về vị trí, vai trò của các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Mặt khác, những quy định này còn tạo cơ sở pháp lý minh bạch, đầy đủ, rõ ràng, có hiệu lực cao để xác định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện cũng như quan hệ phối hợp với các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật cũng như nâng cao ý thức, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, chính quyền các cấp trong việc tham gia thực hiện công tác bảo đảm ANTT, an toàn xã hội.

Như vậy, việc quy định cụ thể trách nhiệm, quan hệ phối hợp của các cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trong việc thực hiện công tác đảm bảo ANTT tại địa bàn cơ sở là phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay; qua đó góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ANTT.

Nguồn: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/huy-dong-suc-manh-tong-hop-lam-nhiem-vu-bao-ve-antt-i644343/