Thời sựTin mới nhất

Kinh tế 6 tháng đầu năm của Quảng Nam, Bình Định đạt kết quả ấn tượng

6 tháng đầu năm 2022, kinh tế của tỉnh Quảng Nam ước tính đạt gần 60.000 tỷ đồng. Còn Bình Định có mức tăng trưởng 7,01% so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 62,4% kế hoạch năm…

 

Tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tiếp tục khởi sắc, tăng trưởng hầu hết trên tất cả các lĩnh vực.Tình hình phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tiếp tục khởi sắc, tăng trưởng hầu hết trên tất cả các lĩnh vực.

Cục Thống kê tỉnh Quảng Nam vừa công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2022.

Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tính 6 tháng đầu năm 2022 tăng gần 12,8% so với cùng kỳ năm 2021. Quy mô nền kinh tế của tỉnh Quảng Nam ước tính 6 tháng đầu năm 2022 đạt gần 60.000 tỷ đồng.

Cơ cấu GRDP 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,9%; khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 37,4%; khu vực dịch vụ chiếm 30,1%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 18,6%.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh xếp vị trí thứ 4/63 tỉnh, thành trong cả nước. Về quy mô GRDP, Quảng Nam xếp thứ 16/63 tỉnh, thành.

Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm đạt cao, vượt dự toán giao, đặc biệt thu nội địa đạt kết quả cao. Tổng thu ngân sách nhà nước tính đến 22/6/2022 đạt gần 18,7 nghìn tỷ đồng, bằng 78,8% dự toán năm, tăng 44,3% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn vốn huy động và dự nợ cho vay tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh liên tục tăng đều và ổn định qua từng tháng. Ước tính đến 30/6, tổng huy động nguồn vốn trên địa bàn đạt 72,8 nghìn tỷ; dư nợ cho vay đạt 91,2 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, giá xăng dầu liên tiếp thiết lập kỷ lục mới, thị trường hàng hóa đang chịu sức ép lớn từ việc biến động của giá xăng dầu nên giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình tăng; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở đều tăng; giá nhà ở thuê tăng…

Đây là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2022 tăng 0,59% so với tháng trước (trong đó khu vực thành thị tăng 0,48%; khu vực nông thôn tăng 0,63%). So với cùng kỳ năm trước CPI tăng 4,94% và tăng 4,67% so với bình quân cùng kỳ do giá xăng dầu tăng cao.

Nhìn chung, tình hình phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tiếp tục khởi sắc, tăng trưởng hầu hết trên tất cả các lĩnh vực.

Khu vực công nghiệp tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế. Khu vực dịch vụ tăng trưởng trở lại, đặc biệt hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ.

Trong khi đó, kinh tế tỉnh Bình Định 6 tháng đầu năm 2022 đạt mức tăng trưởng 7,01% so với cùng kỳ, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 62,4% kế hoạch năm.

Bà Nguyễn Thị Mỹ – Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bình Định cho biết, giá trị tăng thêm của các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,17%; công nghiệp và xây dựng tăng 8,28%; dịch vụ tăng 9,4%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 8,2%.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng mức thực hiện vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh Bình Định ước đạt 14.750,9 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 1.061 triệu USD, tăng 20,9%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính thặng dư xuất khẩu so nhập khẩu đạt 624,8 triệu USD. So với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 62,4% kế hoạch.

Kinh tế 6 tháng đầu năm của Quảng Nam, Bình Định đạt kết quả ấn tượng ảnh 1
Hạ tầng giao thông thuận lợi thúc đẩy kinh tế Bình Định “bứt phá”. Ảnh: Dũng Nhân.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm ước đạt 45.068,5 tỷ đồng, tăng 14,5% so cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng CPI hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh tăng 2,82%, bảo đảm mức tăng chỉ số giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng dưới 4% theo chỉ đạo của Chính phủ.

Thời gian qua, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bình Định đã trở về trạng thái bình thường mới. Các hoạt động vận tải hành khách, lưu trú, ăn uống và dịch vụ dần sôi động lại, nhất là lĩnh vực du lịch lữ hành vui chơi giải trí phát triển mạnh mẽ. Khu vực dịch vụ trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng 9,4%.

Theo bà Mỹ, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế – xã hội trong tỉnh còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng đến tất cả các ngành sản xuất kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa, thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài gặp nhiều khó khăn… Do đó, kinh tế – xã hội của tỉnh trong thời gian tới vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,0 – 6,5% của cả năm 2022 vẫn là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của chính quyền, doanh nghiệp và người dân.

“Trước mắt, đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với thị trường tiêu thụ và an toàn sản xuất; tiếp tục thực hiện các giải pháp để doanh nghiệp có thể tiếp cận sử dụng hiệu quả các gói hỗ trợ; tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình hạ tầng công nghiệp, giao thông; đẩy mạnh xuất khẩu; tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh”, bà Mỹ nhấn mạnh.

Vũ Vân Anh – Đình Phùng
Nguồn: https://baophapluat.vn/kinh-te-6-thang-dau-nam-cua-quang-nam-binh-dinh-dat-ket-qua-an-tuong-post453098.html