Thời sựTin mới nhất

Kinh tế phục hồi, doanh nghiệp tại Đà Nẵng “tăng tốc” sản xuất

 

Doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng đang “tăng tốc” để kịp giao đơn hàng cho khách hàng.

Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn TP. Đà Nẵng đang ‘tăng tốc’ để lấy lại đà tăng trưởng.

Ổn định sản xuất

Thời gian dịch bệnh, việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ở Đà Nẵng đều chịu ảnh hưởng lớn do thiếu hụt nguồn nguyên liệu sản xuất hoặc đầu ra đơn hàng. Lần đầu tiên trong suốt nhiều năm, chỉ số sản xuất công nghiệp Đà Nẵng tăng trưởng âm.

Bước sang năm 2022, khi tỷ lệ tiêm chủng mũi 2 đạt tỉ lệ cao, chủ trương phòng, chống dịch trong trạng thái “bình hình mới” được nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh ủng hộ.

Sau thời gian đầu gặp khó khăn khi vẫn ghi nhận nhiều trường hợp dương tính, đến thời điểm hiện tại, các khâu sản xuất tại Công ty Cổ phần Dệt May 29/3 đã đi đi vào sản xuất ổn định.

“Sau Tết chúng tôi có 15 ngày gặp khó khăn vì công nhân liên tục bị F0. Nhưng sau đó, công nhân tại công ty đã được tiêm mũi 3 nên số lượng công nhân phải nghỉ việc do dương tính giảm hẳn. Đến thời điểm hiện tại tình hình sản xuất đã đi vào ổn định”, ông Trần Xuân Hòe, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho hay.

Trong quý I/2022 vừa qua, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại thủy sản Thuận Phước ghi nhận mức tăng trưởng 20%. Dự kiến trong thời gian tới, mức tăng trưởng sẽ tiếp tục đi lên.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại thủy sản Thuận Phước cho biết, dù còn nhiều khó khăn do giá nguyên liệu tăng cao, khó khăn trong việc tìm nguồn lao động thời vụ, tuy nhiên, khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong “tình hình mới”, doanh nghiệp được hưởng lợi rất nhiều.

“Hiện, đang vào chính vụ nhưng giá tôm vẫn rất cao. Cùng với đó, việc tuyển công nhân thời vụ thời gian này cũng rất khó, trong khi thời gian này các năm trước việc tuyển rất dễ dàng. Nhưng nhìn chung, việc sản xuất ổn định để “trả” đơn hàng cũ đúng hạn cho đối tác là mừng rồi”, ông Lĩnh cho hay.

Doanh nghiệp phục hồi và tăng tốc

Là một đơn vị chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm khăn bông và may mặc. Với thị trường chủ yếu là chính gồm: Mỹ, E.U, Nhật Bản…, đến thời điểm hiện tại, các đơn hàng của Công ty Cổ phần Dệt May 29/3 đã được “lấp kín” từ nay đến cuối năm. Vì vậy khi dịch bệnh được kiểm soát, công ty đã tập trung 100% nhân lực để sản xuất để kịp gửi đơn hàng đến khách hàng.

“Hơn hai năm qua, dịch bệnh đã tác động đến mọi mặt các nền kinh tế, tôi kỳ vọng khi dịch bệnh được kiểm soát việc sản xuất kinh doanh nhanh chóng được phục hồi”, ông Hoè cho hay.

Tương tự, hiện nay Công ty CP Thương mại thủy sản Thuận Phước cũng đang tăng tốc để bàn giao cho đối tác những lô hàng còn “nợ”. Với thị trường xuất khẩu chính là Châu Âu (chiếm hơn 50%), Hoa Kỳ, Nhật Bản…, công ty kỳ vọng tình hình kinh doanh vẫn tiếp tục tăng trưởng để bù đắp vào khoảng thời gian khó khăn do dịch bệnh.

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Trần Văn Tỵ, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh của các công ty đã đi vào ổn định, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu “tăng tốc” để kịp bàn giao đơn hàng cho khách hàng.

Hiện, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng có những hỗ trợ để doanh nghiệp khắc phục sau dịch, tuyển nhân viên, cũng như tiếp cận các chính sách, gói hỗ trợ của Chính phủ…

“Ban đầu cũng có các doanh nghiệp khó khăn vì tuyển công nhân, nhưng đến thời điểm hiện tại, Ban Quản lý chưa nhận được phản hồi của doanh nghiệp gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng”, ông Tỵ nói thêm.

Theo Cục Thống kê TP. Đà Nẵng, tiếp tục kiên định mục tiêu “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”, các hoạt động kinh tế trên địa bàn thành phố đang có những tín hiệu phục hồi khả quan.

Trong đó, tiếp đà phục hồi trong quý I, lĩnh vực sản xuất công nghiệp tháng 4/2022 có nhiều dấu hiệu tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành công nghiệp tháng 4 ước tăng 3,1% so với tháng trước; tăng 1,6% so với tháng cùng kỳ năm 2021. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 1,8% so với cùng kỳ.

Trong tháng 4, một số doanh nghiệp công nghiệp đã khắc phục được khó khăn, chủ động tìm kiếm chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu, tìm kiếm đơn hàng, đồng thời đẩy mạnh sản xuất các đơn hàng tồn nên sản lượng sản phẩm tăng cao so với tháng trước cũng như so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn: https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/kinh-te-phuc-hoi-doanh-nghiep-tai-da-nang-tang-toc-san-xuat-347856.html