Thời sựTin mới nhất

Kon Tum: Dân bất an vì bãi rác nằm gần mạch nước ngầm

Bãi rác của huyện được đặt gần nơi sinh sống của người dân nên gây mùi hôi thối. Bà con nơi đây cũng lo lắng nguồn nước ngầm sẽ bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe nên chẳng dám sử dụng.

Những ngày mưa nước thải chảy xuống con suối bên cạnh, rác thải bị cuốn trôi vào nhà dân.

Những ngày mưa nước thải chảy xuống con suối bên cạnh, rác thải bị cuốn trôi vào nhà dân.

Bãi rác huyện Đắk Tô khiến người dân bất an vì ô nhiễm.

Bãi rác huyện Đắk Tô khiến người dân bất an vì ô nhiễm.

Sống chung với ô nhiễm từ bãi rác

Theo tìm hiểu, bãi rác cũ huyện Đắk Tô (tỉnh Kon Tum) là nơi tập trung tiếp nhận rác thải của địa phương từ năm 2001. Ở vị trí chôn lấp chỉ là nơi tập kết chất thải rắn lộ thiên, không bảo đảm kỹ thuật nên gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường.

Để xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm tại bãi rác UBND huyện đã cho chủ trương xây dựng Bãi xử lý rác thải huyện Đắk Tô với tổng mức đầu tư hơn 21 tỷ đồng. Bãi rác với quy mô 58.713 m3 rác, xây dựng khu xử lý nước rỉ rác với công suất 30 m3/ngày đêm, đạt chuẩn xử lý loại A. Bên cạnh đó, diện tích sử dụng đất 5,3 ha với thời hạn sử dụng công trình là 11 năm.

Đồng thời, mục tiêu của dự án là nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện Đắk Tô, cải thiện chất lượng môi trường, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, xử lý triệt để các nguồn ô nhiễm thứ cấp và các vấn đề môi trường do bãi rác cũ gây ra.

Những tưởng khi bãi rác được xây dựng sẽ không còn tình trạng ô nhiễm và người dân ổn định cuộc sống. Thế nhưng, bà con nơi đây vẫn phải sống chung với mùi hôi thối và nguồn nước sạch có khả năng bị ô nhiễm.

Ông Nguyễn Phúc Long (xã Tân Cảnh, huyện Đắk Tô) cho biết, thời gian qua, những hộ dân sinh sống bên cạnh dòng suối gần bãi rác phải sống chung với mùi hôi thối.

Theo ông Long, mặc dù, nhà ông không gần dòng suối, tuy nhiên có ao, hồ nuôi cá ở khu vực này nên ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.

“Bãi rác được đưa vào hoạt động khoảng 2 năm nay. Khi hay tin bãi rác sẽ được bố trí ở gần dòng suối thì người dân đã có ý kiến phản đối. Bởi bãi rác gần đầu nguồn nước sinh hoạt, do đó người dân lo lắng thời gian dài nước thải sẽ ngấm vào mạch nước ngầm gây ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của bà con”, ông Long nói.

Sử dụng nước bình để ăn uống

Bãi rác huyện Đắk Tô khiến người dân bất an vì ô nhiễm.

Bãi rác huyện Đắk Tô khiến người dân bất an vì ô nhiễm.

Ông Lê Đình Thông, trưởng thôn 1 (xã Tân Cảnh) cho biết có khoảng 30 hộ dân trong thôn bị ảnh hưởng bởi bãi rác.

Theo ông Thông từ khi bãi rác được xây dựng thì được phủ một lớp bạt chống thấm lớn. Thế nhưng, mưa trong thời gian dài nước từ bãi rác tràn xuống con suối nhỏ bên cạnh rồi chảy về hướng thôn 1. Không những thế, rác theo nước mưa tràn vào nhà một số hộ dân khiến cuộc sống của bà con bị đảo lộn.

Cũng theo ông Thông, từ khi bãi rác xây dựng, một số hộ dân sử dụng nước suối để nuôi cá dẫn đến tình trạng cá bị mù mắt, tróc vảy rồi chết. Còn những hộ dân khác sử dụng nguồn nước của đập thủy lợi Đắk Rơ Ngát để nuôi cá thì không xảy ra vấn đề gì.

“Thời gian qua, gia đình tôi mang mẫu nước đi kiểm nghiệm nhưng kết quả cho thấy không bảo đảm an toàn nên đã chuyển sang sử dụng nước bình nhằm bảo đảm sức khỏe. Trước tình trạng ô nhiễm do bãi rác gây ra, người dân thôn 1 đã nhiều lần ý kiến lên chính quyền địa phương. Bà con nơi đây mong rằng, các cấp chính quyền sẽ có biện pháp xử lý triệt để, bảo đảm sức khỏe cho người dân”, ông Thông nói.

Chưa hết nỗi lo về bãi rác, khi hay tin Nghĩa trang huyện Đắk Tô tiếp tục được quy hoạch xây dựng tại thôn 1, cách khu vực bãi rác không xa khiến bà con lại càng bất an hơn. Người dân nơi đây mong muốn và đề nghị UBND huyện xem xét tìm một địa điểm khác phù hợp hơn để xây dựng nghĩa trang.

Về vấn đề này, ông Đặng Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Tô, cho biết, dự án Bãi xử lý rác thải huyện Đắk Tô đã khởi công xây dựng từ năm 2017, nghiệm thu chính thức đưa vào khai thác sử dụng vào cuối năm 2020 với phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh (san gạt, chôn lấp, xử lý bằng hóa chất).

Hiện nay, trung bình bãi rác tiếp nhận và xử lý khoảng 23 tấn rác/ngày đêm của thị trấn Đắk Tô và một số thôn của xã Diên Bình, xã Tân Cảnh, xã Kon Đào. Đồng thời, nước rỉ rác tại hố chôn lấp được thu toàn bộ và dẫn về khu xử lý với công suất 30m3/ngày đêm, đạt chuẩn xử lý loại A trước khi được dẫn ra bể sinh học. Sau đó thải ra nguồn tiếp nhận là suối tại khu vực thôn 1, xã Tân Cảnh.

Theo ông Hải, trong năm 2020 và 2021, UBND huyện Đắk Tô đã thực hiện lấy mẫu không khí, nước mặt, nước ngầm xung quanh khu vực bãi xử lý rác theo kế hoạch quan trắc môi trường của huyện. Kết quả phân tích các chỉ tiêu môi trường đều nằm trong ngưỡng tiêu chuẩn cho phép.

Về vấn đề Nghĩa trang huyện Đắk Tô được quy hoạch xây dựng tại thôn 1 (xã Tân Cảnh), UBND huyện cho biết, trong quá trình tổ chức thực hiện đồ án quy hoạch chi tiết đã tổ chức họp dân tại thôn 1 để thông qua. Khi đó, người dân tại khu vực này đã thống nhất với việc xây dựng nghĩa trang tại vị trí này.

Dung Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/kon-tum-dan-bat-an-vi-bai-rac-nam-gan-mach-nuoc-ngam-post601795.html