Tin mới nhất

Mở cửa công viên, bản lề cho sự đổi thay cách nghĩ

Cho đến nay, dù triển vọng mở cửa công viên Thống Nhất mới đang dừng lại ở những đề xuất, song với đông đảo cư dân ở thành phố gần chục triệu con người này, thì cả một niềm hi vọng dạt dào đang được mở ra.

Trước hết, đó là cơ hội mở cửa những không gian công cộng như nó cần phải thế.

Công viên Thống Nhất, ngay cả khi đang là một nơi “kín cổng cao tường”, thì sự tấp nập, nhộn nhịp rất đặc trưng vào những ngày cuối tuần vẫn đủ cho thấy niềm mong mỏi, khát khao những khoảng xanh của người dân lớn đến mức nào.

Tất nhiên, niềm khao khát ấy đã có thể được thỏa mãn tốt hơn, nếu như người dân được tự do ra vào mà không phải lăn tăn chuyện mua vé, chuyện giờ giấc, chuyện loay hoay tìm chỗ gửi xe.

Lý do về mặt kinh tế đã không còn thuyết phục. Bởi báo cáo của Hà Nội vừa qua cho thấy, mức vé vài nghìn đồng/lượt, không đủ nuôi mấy chục con người đang phục vụ tại đây.

Lý do về mặt an ninh trật tự cũng không phải vấn đề. Bởi về lý thuyết, một không gian mở với sự để mắt, giám sát thường xuyên từ đông đảo người dân, chắc chắn tốt hơn mấy bức tường rào cũ kỹ, hoặc sự đảo qua đảo lại của một số ít nhân viên bảo vệ.

Mở cửa công viên, rõ ràng là phù hợp nhu cầu, nguyện vọng của người dân và hoàn toàn khả thi.

Thứ hai, đề xuất mở cửa một phần công viên Thống Nhất còn mở ra niềm hi vọng về việc trả lại đúng công năng cho không gian công cộng.

Một trong các vấn đề còn băn khoăn khiến các công viên ở Hà Nội chưa thể mở cửa, là việc phải quản lý, bảo vệ ra sao với các hạng mục công trình xã hội hóa, khi công viên bỏ rào? Câu trả lời kỳ thực lại không hề phức tạp.

Nếu nhìn vào cách tổ chức các các trò chơi có thu tiền ở công viên Thống Nhất và một số công viên Hà Nội hiện nay, sẽ thấy, cái lợi cũng có, nhưng mặt trái nhiều hơn.

Cái mà phụ huynh mong muốn khi đưa con đến công viên, là để chúng vui chơi dưới bóng cây và gió mát bên hồ, thoát khỏi 4 bức tường và các đồ điện tử.

Cái họ cần là những thứ đồ tập, đồ chơi ở công viên được đầu tư miễn phí, cơ bản thôi, nhưng đủ để trẻ được chơi theo cách hòa mình với thiên nhiên và tận hưởng giá trị của sự vận động đích thực.

Công viên Thống Nhất có những hạng mục này, nhưng rất ít ỏi và lâu lắm rồi không được đầu tư.

Trong khi, các trò chơi có thu tiền, dù thu hút con trẻ, nhưng lại làm giảm cả không gian và sự chú ý của chúng vào tương tác với thiên nhiên. Chưa kể, nó khiến sự yên tĩnh, thảnh thơi không còn nguyên vẹn.

Vậy thì, sự xã hội hóa hóa ở công viên nếu có – chỉ nên dừng lại ở việc huy động các nguồn lực để đầu tư vào những hạng mục công ích, như tổ chức không gian, trang bị dụng cụ vui chơi và tập luyện, để phục vụ mọi tầng lớp nhân dân.

Xã hội hóa, nên là sự tham gia của xã hội – từ các tổ chức đến cá nhân, các nhóm hành động vì cộng đồng, không chỉ là nguồn lực tài chính, mà còn là đóng góp tự nguyện về ý tưởng sáng tạo, công sức, nhiệt huyệt,để chung tay làm cho các không gian công cộng đó trở nên thân thiện hơn, hấp dẫn và hữu ích hơn cho cộng đồng.

Xã hội hóa công viên theo hướng làm dịch vụ thu tiền, chưa nói đến sự kiểm soát nguồn thu và khả năng tái đầu tư để phục vụ mục đích công, mà cái dễ thấy, là làm mất đi sự thuần khiết của các không gian này. Nếu không muốn nói, công năng chính của không gian công cộng đã bị biến dạng.

Đó là một mất mát rất lớn. Bởi khi người dân không đủ chỗ để thở, để thả lỏng, để cân bằng trở lại giữa rất nhiều áp lực thường ngày, thì những chi phí trực tiếp và gián tiếp mà xã hội phải bỏ ra để giải quyết các vấn đề phát sinh, là không thể nào đong đếm.

Tóm lại, đề xuất mở cửa một phần Công viên Thống Nhất, hơn cả triển vọng mở cửa một công viên, đó còn là triển vọng tạo nên một sự thay đổi mang tính bản lề trong cách nghĩ của các nhà quản lý đô thị.

Cách nghĩ đó dựa trên việc đánh giá đúng tầm quan trọng của các không gian công cộng đối với đời sống cư dân đô thị, về công năng chính yếu của các không gian này, và theo đó, sẽ cố gắng bằng mọi cách phát huy tối đa nó, chứ không phải bằng mọi cách bắt nó sinh tiền./.

Nguồn: Vov