Tin mới nhất

Nếu làm đường Vành đai 3 ngay khi có quy hoạch thì chi phí mặt bằng chỉ bằng 1/10 so với bây giờ

Sáng nay 6-6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 TP HCM, sau đó thảo luận tại tổ về nội dung này.

Nếu làm đường Vành đai 3 ngay khi có quy hoạch thì chi phí mặt bằng chỉ bằng 1/10 so với bây giờ - Ảnh 1.

ĐBQH Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP HCM – phát biểu tại thảo luận tổ – Ảnh: H. Phúc

Mở đầu phát biểu tại thảo luận tổ, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM – xin ngược lại một chút về quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án đường Vành đai 3. Quy hoạch đường Vành đai 3 từ năm 2011- tức cách đây 11 năm. “Cũng nói luôn, nếu chúng ta triển khai ngay khi có quy hoạch thì chắc chắn chi phí giải phóng mặt bằng sẽ giảm chỉ bằng 1/10 so với bây giờ”.

Theo ông Phan Văn Mãi, quy hoạch năm 2011, đường Vành đai 3 gồm phần đường chính quy mô 6-8 làn xe và đường song hành 2-3 làn xe. “Như vậy ngay từ khi quy hoạch dự án đã gồm 2 phần: đường chính và đường song hành. Tuy nhiên do nhiều lí do nên chưa thể triển khai”- Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nói.

Sau đó, Chính phủ giao cho Bộ GTVT nghiên cứu, chuẩn bị dự án. Đến tháng 7-2021, Thủ tướng Chính phủ quyết định giao lại cho TP HCM làm đầu mối để tiếp nhận nghiên cứu trước đó của tư vấn, của Bộ GTVT.

Chủ tịch UBND TP HCM cho biết ban đầu đặt vấn đề nghiên cứu thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, qua quá trình nghiên cứu tất cả các phương án có thể có, thì thấy không khả thi, bởi thứ nhất là đóng góp của ngân sách nhà nước nếu thực hiện theo hình thức PPP lên tới 82% – như vậy vượt quy định của pháp luật. Bên cạnh đó thời gian thu hồi vốn cần 28 năm là quá dài nên không hấp dẫn các nhà đầu tư. Do vậy TP HCM lựa chọn phương thức đầu tư công để trình cấp có thẩm quyền.

Về sự cần thiết của dự án, ông Phan Văn Mãi cho rằng trong hồ sơ, trong tờ trình, báo cáo thẩm tra đã nói rất rõ. Tuy nhiên, ông xin nói thêm rằng Dự án đường Vành đai 3 nếu sớm hoàn thành sẽ giúp cho TP HCM, các tỉnh trong khu vực dự án, đặc biệt là kinh tế trọng điểm phía Nam, giải quyết  điểm nghẽn về giao thông, đồng thời mở ra một tuyến giao thông chiến lược; tạo ra một dòng lưu thông thông suốt, thuận tiện, giảm chi phí logistics. 

Bên cạnh đó, khi đường Vành đai 3 hoàn thiện sẽ tạo ra hành lang đô thị và công nghiệp cho không chỉ 4 địa phương thực hiện dự án mà tác động lan tỏa cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mở ra không gian phát triển mới, tạo động lực mới cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 

Vành đai 3 cũng là điểm đầu kết nối nhiều các tuyến cao tốc kết nối Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ. “Nếu chúng ta đầu tư từ giai đoạn 2011 – 2020 thì các vấn đề về điểm nghẽn, không gian phát triển, động lực mới đã được phát huy ngay từ bây giờ”- Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nói.

Nếu làm đường Vành đai 3 ngay khi có quy hoạch thì chi phí mặt bằng chỉ bằng 1/10 so với bây giờ - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh mỗi dự án khác nhau, thời điểm giải phóng mặt bằng khác nhau, vị trí giải phóng mặt bằng khác nhau, sẽ có mức chi phí khác nhau.

Về các ý kiến còn băn khoăn về giải phóng mặt bằng, ông Phan Văn Mãi khẳng định: “Có ý kiến nói làm 4 làn giải phóng mặt bằng chi cho nhiều? nhưng kinh nghiệm của TP HCM cũng như các dự án giao thông khác, cho thấy nếu bậy giờ không giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn thiện, thì sau này làm 6 làn, 8 làn xe sẽ rất khó khăn trong giải phóng mặt bằng và tăng chi phí lên rất nhiều”.

Về tổng mức đầu tư, Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh mỗi dự án khác nhau, thời điểm giải phóng mặt bằng khác nhau, vị trí giải phóng mặt bằng khác nhau, sẽ có mức chi phí khác nhau. Theo Chủ tịch UBND TP HCM, việc chi phí giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3 cao so với một số dự án khác bởi dự án này quy hoạch từ năm 2011, hành lang đường Vành đai 3 đã đô thị hoá, các điểm công nghiệp cũng rất dày nên đất giải phóng mặt bằng có thể là đất nông nghiệp nhưng xen cài trong đô thị ở những vùng đô thị hóa rất cao, mật độ dân cư đông nên chi phí mặt bằng cao hơn rất nhiều so với các dự án khác, đặc biệt là những địa bàn chỉ giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp.

Về chi phí xây lắp, TP HCM căn cứ các quy định, định mức của Bộ Xây dựng và đã tính rất sát. cùng với đó đối với các nút giao, TP HCM cùng các địa phương đã rà soát, tính toán rất kĩ và cắt bớt. “Từ lúc ban đầu dự kiến sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là trên 85.000 tỉ đồng, giờ rà soát rất kĩ giải phóng mặt bằng, chi phí xây lắp, giảm xuống gần 10.000 tỉ đồng – chỉ còn sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 75.378 tỉ đồng. Tới đây khi dự án khả thi sẽ tiếp tục rà soát. Các địa phương sẽ cố gắng không tăng tổng mức đầu tư, nếu có tăng sẽ dùng ngân sách địa phương cân đối để thực hiện”- ông Phan Văn Mãi cho hay.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh đúng là dự án đi qua khu dân cư đông đúc, làm sao tạo được sự đồng thuận của bà con, rồi bố trí tái định cư, giải quyết sinh kế cho bà con là vấn đề quan trọng. Ông Phan Văn Mãi khẳng định sau khi được Quốc hội thông qua, TP HCM sẽ cùng các địa phương tổ chức làm những phần việc chi phí đền bù, giải quyết tạm cư trong thời gian chờ tái định cư, đào tạo nghề tạo sinh kế cho bà con.

Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM cho rằng chỉ xin Quốc hội chỉ định thầu các gói thầu tư vấn, giải phóng mặt bằng… (trừ gói thầu xây lắp). Các cơ chế đặc thù xin toàn dự án nhưng cơ quan thẩm tra chỉ cho 2 năm. “Tôi mong Quốc hội cho áp dụng chỉ định thầu các gói (trừ xây lắp) toàn thời gian dự án”- ông Phan Văn Mãi bày tỏ và cho biết TP HCM sẽ lên kế hoạch cụ thể từng tuần, tháng để giám sát chặt chẽ thực hiện dự án này.

Theo đề xuất của Chính phủ tại Tờ trình số 211/TTr-CP, Dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8 km, gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài-Hạ Long, đi qua địa phận TP Hà Nội (58,2 km); Hưng Yên (19,3 km); Bắc Ninh (dài 25,6 km). Dự án đường Vành đai 3 TP HCM dài 76,34 km, đi qua địa phận TP HCM (47,51 km); Đồng Nai (11,26 km); Bình Dương (10,76 km); Long An (6,81 km).

Cả hai dự án đều tiến hành giải phóng mặt bằng các tuyến đường theo quy mô quy hoạch (6-8 làn xe cao tốc) và hệ thống đường đô thị song hành 2 bên. Riêng đường Vành đai 4 sẽ giải phóng mặt bằng dự trữ cho tuyến đường sắt vành đai. Trên cơ sở kết quả dự báo nhu cầu vận tải, phù hợp các giải pháp đầu tư và nguồn lực, giai đoạn 1 đầu tư theo quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, vận tốc thiết kế 80 km/giờ; đầu tư xây dựng đường song hành 2 bên.

Đối với Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 85.813 tỉ đồng, sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước và vốn BOT của nhà đầu tư, trong đó vốn BOT 29.447 tỉ đồng. Dự án đường Vành đai 3 TP HCM sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 75.378 tỉ đồng, sử dụng toàn bộ vốn Ngân sách Nhà nước, trong đó ngân sách Trung ương tham gia là 38.741 tỉ đồng.

Chính phủ dự kiến thời gian thực hiện 2 dự án là từ năm 2022 đến năm 2027. Để đàm bảo tiến độ đầu tư, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng các nhóm cơ chế, chính sách đặc biệt để triển khai đầu tư các dự án.



Nguồn: Nld