Thời sựTin mới nhất

Những hệ lụy chồng lấn địa giới hành chính giữa Quảng Nam và Kon Tum – Bài 2: “Chuyện lạ” ghi ở các điểm trường

Thôn 3, xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam là nơi chồng lấn địa giới hành chính (ĐGHC) với xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, người dân ở đây không chỉ khó khăn về mưu sinh mà việc học và khám chữa bệnh của bà con cũng rất vất vả.

Một góc điểm trường mầm non thôn 3, xã Trà Vinh.

Một góc điểm trường mầm non thôn 3, xã Trà Vinh.

Theo quan sát của chúng tôi, điểm trường mầm non ở thôn 3 được xây dựng trên diện tích chưa đến 100m2, phòng học được làm bằng gỗ, mái lợp tôn, nền nhà lót gạch men. Bàn ghế của các em học sinh đã cũ và xuống cấp, điểm trường không có điện. Cũng như tình trạng chung tại đây, ngôi trường này không có hệ thống nước sạch cho thầy, cô và các em học sinh sử dụng, nguồn nước được đấu nhờ từ các hộ dân ở gần trường bắt từ khe, suối về để dùng trong sinh hoạt.

Ông Nguyễn Công Tạ – Bí thư Đảng ủy xã Trà Vinh cũng thừa nhận: “Việc dạy và học ở khu vực thôn 3 có 2 điểm gồm cấp mầm non, cấp tiểu học, điều kiện trường lớp ở đây rất tạm bợ, đơn sơ chủ yếu phòng học được làm bằng gỗ dựng lên. Trường chưa được đầu tư điện, nước hoặc các thiết bị dạy học hiện đại nào cả. Hiện tại cấp học mầm non và cấp tiểu học có khoảng hơn 50 em học sinh”.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hương – giáo viên dạy lớp mầm non tại thôn 3 cho biết: “Điểm trường này hiện nay có 20 cháu, điều kiện học tập ở đây đã rất thiếu thốn, nhưng vào mùa mưa, việc dạy và học của cô, trò còn gặp nhiều khó khăn hơn vì mưa lũ bao trùm các ngã đường đến trường gây nguy hiểm cho việc đi lại. Những lúc trời đổ mưa thì nước lại chảy tràn vào bên trong lớp học. Về chế độ ăn uống, mỗi phần ăn của các cháu chỉ hơn 6.000 đồng/1 bữa trưa. “Để chuẩn bị cho năm học mới, chúng tôi đã kiểm tra lại các phòng học, sách vở… nếu còn thiếu sẽ kiến nghị cấp trên hỗ trợ. Dù rất khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng chăm lo cho các cháu” – bà Hương nói.

Còn bà Đinh Thị Theo – giáo viên dạy lớp mầm non thôn 3 cho biết, để có thức ăn cho các cháu thì vào thứ 2 và thứ 4 hàng tuần trường nhờ người dân đi xuống trung tâm xã chở gạo hoặc cõng thịt, cá khô và bánh, sữa đem lên để cho các cháu ăn, uống. Bà Theo mong muốn làm sao để các em có chỗ học hành thật tốt, đầy đủ tiện nghi, dụng cụ học tập, có khu vui chơi giải trí sau thời gian học tập.

Góc vui chơi của các em học sinh ở thôn 3.

Góc vui chơi của các em học sinh ở thôn 3.

Ông Ngô Thanh Tài – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Trà Vinh cho biết: “Chuẩn bị vào năm học mới, các thầy, cô giáo đã đến từng nhà, vận động các em đến trường học, không được bỏ học giữa chừng. Mong sao bà con nơi đây sớm có cuộc sống ổn định, chứ hiện giờ họ sống trong nhiều cái không, đó là không có đường sá, không có điện, không có nước sạch, không có sóng điện thoại và nhiều cái không khác nữa… đời sống bà con quá khó khăn!”.

“Ở đây các em không có khu vui chơi thấy rất tội. Do đó, mong các ngành chức năng quan tâm, tạo điều kiện để điểm trường thôn 3 khang trang hơn, còn tôi là giáo viên hợp đồng mỗi tháng nhận được khoảng 3 triệu đồng, mong sao các cấp, ngành chức năng có cơ chế chính sách đối với giáo viên dạy học ở vùng khó khăn để xét vào biên chế, qua đó giúp tôi có thêm động lực dạy học ở đây” – bà Theo tâm sự.

Cô giáo Theo đang dọn đồ ăn cho học sinh mầm non thôn 3.

Cô giáo Theo đang dọn đồ ăn cho học sinh mầm non thôn 3.

Ông Ngô Thanh Tài – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Trà Vinh cho biết, ở điểm trường thôn 3 có hơn 30 em học sinh người địa phương, cấp học từ lớp 1 đến lớp 2. Trường học nơi đây chỉ làm bằng khung sắt lắp ráp và tấm ván gỗ nên trường học không được đảm bảo mỗi khi vào mùa mưa bão. Do không có điện nên điểm trường này không có thiết bị dạy học hiện đại như máy vi tính, máy trình chiếu, tivi cho các em học tập. Đặc biệt, đường đến trường là đường đất nên vào mùa mưa rất lầy lội nên các em phải đi bộ hơn 1 tiếng đồng hồ mới đến được điểm trường học tập.

Ông Tài cho biết thêm, ông công tác và dạy học ở đây gần 18 năm, nên hiểu được những sự vất vả, cực khổ của các em học sinh vùng cao ở Quảng Nam. Ông mong muốn, các cấp, các ngành tỉnh Quảng Nam và Trung ương sớm giải quyết phân giới lại ĐGHC cho rõ ràng để đầu tư cơ sở hạ tầng giúp người dân, học sinh ở đây đỡ khó khăn và tiếp cận được các thiết bị máy móc hiện đại vào canh tác, trồng trọt, chăn nuôi…

Bên cạnh những khó khăn, thiếu thốn, nhưng thật đáng mừng học trò ở đây vẫn đến lớp đều, thầy, cô vẫn chăm lo cho các em học tập.

Em Nguyễn Thị Ái – học sinh ở thôn 3, xã Trà Vinh cho hay: “Chúng em rất yêu quý thầy cô, vì được thầy, cô yêu thương, quý mến và tận tình dạy dỗ, lo từng bữa ăn, tới giấc ngủ. Nhưng em vẫn mong ước có khu vui chơi, có đầy đủ dụng cụ học tập, sách vở và có điện như các bạn ở vùng xuôi!”.

Còn em Hồ Thị Mỹ Nga – học sinh ở thôn 3 nói: “Từ nhà đến điểm trường rất xa nên mỗi buổi học chúng em phải dậy sớm để đi bộ hơn 1 tiếng đồng hồ mới tới trường, còn mùa mưa đường đất sình lầy, đi lại rất vất vả, nhiều hôm bị té ngã, dơ bẩn hết áo quần, sách vở đành phải về lại nhà. Sau giờ học, không có sân chơi giải trí nên chúng em thường chơi các trò chơi dân gian như: trốn tìm, mèo bắt chuột, rồng rắn lên mây. Dù vậy nhưng chúng em luôn nỗ lực phấn đấu trong học tập để đạt kết quả tốt”.

Bà Đinh Thị Lan – phụ huynh có con theo học ở điểm trường mầm non thôn 3 cho hay: Ở đây, tiền học phí, ăn ở của con được nhà trường lo hết, các thầy cô rất thương yêu, dạy dỗ các con tận tình. “Tôi mong sao Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện xây dựng trường học khang trang để cho các con có chỗ học tập, đảm bảo an toàn vào mùa mưa bão” – bà Lan nói. Đó cũng là ý kiến của nhiều phụ huynh mà chúng tôi gặp gỡ, trao đổi.

Không chỉ việc học mà việc khám, chữa bệnh ở nơi đây cũng còn nhiều khó khăn. Bà Hồ Thị Hạnh (41 tuổi), trú thôn 3 cho rằng, toàn thôn không có Trạm y tế và cán bộ y tế nên mỗi lần trong thôn, xóm có người nào bị đau ốm phải khiêng võng đi bộ vượt đường núi gần 8km mới tới được Trung tâm y tế xã Trà Vinh để điều trị.

Người dân ở đây cũng cho biết, nếu bị đau ốm vào mùa mưa bão thì rất khó, vì đường sá bị sạt lở, chia cắt nên đi lại hết sức vất vả, không dễ gì đưa được bệnh nhân đến Trung tâm y tế xã.

Thôn 3, xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam và xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum là nơi chồng lấn ĐGHC, đời sống người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn! Người dân luôn mong muốn phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, nhưng tình cảnh này không biết phải còn chờ đến bao lâu?

Tấn Thành – Chí Đại

Nguồn: http://daidoanket.vn/nhung-he-luy-chong-lan-dia-gioi-hanh-chinh-giua-quang-nam-va-kon-tum–bai-2-chuyen-la-ghi-o-cac-diem-truong-5695805.html