Tin mới nhất

Phát triển du lịch xanh ở miền núi Quảng Nam

Khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam có 9 huyện, là nơi sinh sống của nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số. Đồng thời, tại đây hiện đang lưu giữ nhiều truyền thống văn hóa của các dân tộc bản địa; có nhiều di tích, danh thắng tự nhiên đẹp; có khí hậu mát mẻ và độ che phủ của rừng cao. Đây là những tiềm năng, lợi thế để địa phương khai thác, phát triển du lịch, trong đó có du lịch xanh.

Cần tư duy phát triển du lịch phù hợp

Mặc dù trong những năm gần đây, các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam rất quan tâm, tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư cho du lịch. Song trên thực tế, du lịch tại đây hiện vẫn chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế; thậm chí có nơi du lịch chỉ mới mang tính định hình, khai thác đơn giản, lượng khách không đáng kể.

Theo ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Namnguyên nhân của tình trạng trên có nhiều nhưng cơ bản nhất là xuất phát điểm kinh tế – xã hội khu vực miền núi Quảng Nam còn thấp. Đặc biệt, hạ tầng giao thông, hạ tầng dịch vụ du lịch chưa phát triển. Vì vậy, các nhà đầu tư không dám mạo hiểm đầu tư vào lĩnh vực du lịch.

Do địa hình chia cắt phức tạp nên đầu tư vào khu vực miền núi Quảng Nam cao hơn nhiều so với đồng bằng. Đặc biệt, vào mùa mưa thường xuyên xảy ra sạt lở, đường đi nguy hiểm. Vì vậy, nhà đầu tư không nghĩ việc bỏ vốn vào làm ăn tại đây sẽ khả thi. Từ thực tế đó, yêu cầu đặt ra là lãnh đạo các địa phương miền núi Quảng Nam phải có tư duy tiếp cận phát triển du lịch phù hợp. Các cấp lãnh đạo tại các huyện miền núi cần đặt mình vào vai trò là nhà đầu tư thì mới giải quyết được”- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam đặt vấn đề và cho rằng: Không có lực hấp dẫn từ các cơ chế ưu đãi, thu hút thì chẳng nhà đầu tư nào mạnh dạn đến với miền núi phía Tây của tỉnh.

“Du lịch tại miền núi Quảng Nam không nhất thiết phải có nhiều khách mà nơi đây phải có cách làm riêng biệt, thu hút được một lượng khách ổn định (có thể không cần đông, không cần khách đại trà) nhưng có chất lượng. Đây mới là mô hình phát triển du lịch phù hợp trong điều kiện của các địa phương miền núi Quảng Nam hiện nay”- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam gợi ý thêm.

Một trong các nút giao thông kết nối Quốc lộ 14B từ Đà Nẵng lên các huyện miền núi Quảng Nam và đến Tây Nguyên

Xóa điểm nghẽn giao thông

Từ gần 10 năm qua, ông Nguyễn Xuân Sơn – Giám đốc Công ty TNHH sản xuất, chế biến, kinh doanh xuất nhập khẩu Hương Quế (trụ sở Công ty đóng tại Đà Nẵng) mỗi năm đưa hàng chục đoàn khách là các đối tác từ Australia và các nước châu Âu lên miền núi Quảng Nam để khảo sát, tìm hiểu vùng nguyên liệu.

Theo ông, qua những chuyến khảo sát này, các đối tác khi đến đây ngoài nghiên cứu vùng nguyên liệu quế và các cây dược liệu, họ cũng đồng thời là những khách du lịch đến để tìm hiểu, khám phá miền núi phía Tây của Quảng Nam.

Ông Sơn cho biết, các đối tác khi đến đây đều rất thích thiên nhiên và văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa. Họ vào tận những cánh rừng nguyên sinh như rừng pơmu, rừng lim xanh đặc hữu, rừng già đỗ quyên, rừng đa cổ thụ; các vườn sâm và cây dược liệu để khảo sát, tìm hiểu về sự đa dạng sinh học, quy trình và cách thức trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến các loại dược liệu; được trực tiếp quan sát, dùng thử sâm Ngọc Linh ngay tại vườn… Đồng thời cũng tìm hiểu, trải nghiệm đời sống, các nét truyền thống văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa.

Các đoàn đối tác này mong muốn ở lại dài ngày để tìm hiểu, khám phá nơi đây. Song, có một số bất lợi là đường đi quá khó khăn, phải mất nhiều thời gian di chuyển. Đặc biệt, vào mùa mưa sạt lở rất nguy hiểm, nhiều khi bị tắc đường dài ngày. Cùng với đó, các dịch vụ du lịch như nơi ăn, nơi nghỉ không đảm bảo. “Đây thực sự là những điểm yếu, điểm nghẽn mà du lịch miền núi Quảng Nam phải tính tới”- Ông Sơn chia sẻ.

Chị Trần Thùy Hoài Châu (du khách đến từ TP Hồ Chí Minh) khi vào thăm khu rừng nguyên sinh pơmu của huyện Tây Giang đã cho biết bản thân rất ấn tượng và thích thú khi trực tiếp đi dưới tán rừng hàng ngàn năm tuổi này. “Sau chuyến đi này chắc chắn mình sẽ quay lại. Tuy nhiên, đường vào rừng quá khó đi nên cũng e ngại”- chị Châu bộc bạch.

Mặc dù những năm qua các huyện miền núi Quảng Nam chú trọng đầu tư phát triển giao thông nhưng vẫn còn nhiều nơi giao thông đến các điểm du lịch chưa được hoàn chỉnh, khiến du khách e ngại.

Theo ông Lê Hoàng Linh – Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang: Khó khăn nhất hiện nay không chỉ mỗi Tây Giang mà là thực trạng chung của các huyện miền núi Quảng Nam là vấn đề giao thông. “Giao thông là huyết mạch kết nối giữa các địa phương miền núi với nhau và giữa miền núi với đồng bằng. Thời gian qua, huyện tiến hành đầu tư phát triển giao thông. Tuy nhiên, do địa hình miền núi hiểm trở, chia cắt nên việc đầu tư cho hạ tầng giao thông mới chỉ đáp ứng cơ bản nhu cầu. Việc phát triển giao thông đến các điểm du lịch và kết nối với các địa phương vẫn còn hạn chế, có nơi còn tạm bợ, chắp vá”- Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết.

Nói về thực trạng hạ tầng giao thông chưa đảm bảo để thúc đẩy liên kết phát triển du lịch tại địa phương, ông Nguyễn Văn Lê – Trưởng phòng Văn hóa, Thể thao (VHTT) huyện Đông Giang cho biết, ngoài nhu cầu đầu tư phát triển, nâng cấp các tuyến đường nội bộ đến các xã và các điểm du lịch trên địa bàn, huyện này đang kỳ vọng Trung ương sẽ sớm đầu tư mở rộng, nâng cấp tuyến Quốc lộ 14G nối từ Đà Nẵng đến với các huyện Đông Giang và Tây Giang của Quảng Nam. “Đây là tuyến giao thông huyết mạch để Đông Giang, Tây Giang kết nối với TP Đà Nẵng, TP Hội An và TP Huế – những địa điểm mà các công ty lữ hành có thể mở các tour, tuyến đưa du khách đến với địa phương”- Trưởng phòng VHTT huyện Đông Giang cho biết.

Tương tự, tại các huyện miền núi phía Tây Nam Quảng Nam như: Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My với Quốc lộ 14B xuyên qua. Đây cũng là con đường kết nối từ TP Hội An, TP Tam Kỳ lên các huyện miền núi phía Tây Nam của tỉnh và qua Kon Tum, đến với Tây Nguyên. Do vậy, nếu tuyến đường này được nâng cấp, mở rộng, đặc biệt là vào mùa mưa được đảm bảo thông suốt sẽ là cung đường đưa du khách đến với các địa phương miền núi ổn định, nhiều hơn.

Mùa mưa, nhiều tuyến đường tại các huyện miền núi Quảng Nam thường xảy ra tình trạng sạt lở, gây nguy hiểm. 

Theo Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng, khi du lịch vùng sâm và dược liệu tại Nam Trà My mở ra, du khách đến với địa phương qua Quốc lộ 14B ngày càng đông. Dự kiến sắp tới, huyện sẽ mở rộng, nâng cấp các tuyến đường vào vườn sâm Tắk Ngo, đường lên đỉnh Ngọc Linh và các điểm du lịch văn hóa cộng đồng trên địa bàn. Đồng thời, huyện đang phối hợp đầu tư, từng bước hình thành các tuyến đường nối Nam Trà My tới các tỉnh, huyện lân cận như: Tuyến Trà Leng- Phước Sơn; 40B đi Đắk Tô kết nối với đường Hồ Chí Minh; tuyến đường Đông Trường Sơn và tuyến Trà Vinh – Đăkru kết nối Nam Trà My với huyện Konplong tỉnh Kon Tum…

“Hiện, Nam Trà My đang phối hợp với UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đầu tư mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 40B. Trên cơ sở đó kết nối 03 huyện có tiềm năng du lịch cộng đồng gồm: Tiên Phước với hệ thống di tích, danh thắng, nhà cổ, làng cổ, vườn sinh thái nổi tiếng, không gian văn hóa đá… mang nét đặc trưng làng quê xứ Quảng, thuận lợi phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch miệt vườn sinh thái làng quê; Bắc Trà My với thế mạnh về du lịch gắn liền với bảo tồn văn hóa, quần thể di tích lịch sử Trung Trung bộ – Nước Oa; Nam Trà My với thế mạnh về du lịch tham quan trải nghiệm vùng sâm Ngọc Linh, rừng nguyên sinh, văn hóa bản sắc của đồng bào gần như được bảo tồn nguyên vẹn”- Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My chia sẻ thêm./.

 
Bài, ảnh: Đình Tăng
Nguồn: https://dangcongsan.vn/kinh-te/phat-trien-du-lich-xanh-o-mien-nui-quang-nam-607524.html