Tin mới nhất

Phú Văn, ngày mới…

Thôn Phú Văn (xã Tam Thành, Phú Ninh) sau gần 2 năm hình thành bắt đầu có những đổi thay. San sát bên con đường mới, những ngôi nhà khang trang mọc lên, mang dáng dấp của một làng quê trù phú…

Một góc làng Văn Hà (thôn Phú Văn) hôm nay. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Một góc làng Văn Hà (thôn Phú Văn) hôm nay. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Năm 2019, thôn Phú Văn được hình thành từ hai thôn Văn Hà và Phú Thanh. Người Phú Văn từng một thời gắn đời mình với ruộng đồng, với các mô hình sinh kế nhỏ lẻ. Nhưng giờ đây, câu chuyện làm kinh tế đã có nhiều đổi mới, giúp sản lượng cây trồng từng bước nâng cao.

Không chấp nhận đói nghèo

Ông Phạm Danh – Bí thư Chi bộ thôn Phú Văn cho biết, không chỉ trồng lúa, trồng dưa nâng cao thu nhập, hơn 95% hộ gia đình ở Phú Văn bây giờ còn tham gia cải tạo, chỉnh trang đất vườn, từng bước đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn kết hợp kinh tế trang trại.

Ở đó, có những vườn tiêu, vườn chuối, những luống nghệ mơn mởn như cùng góp sức cho cuộc đổi thay ở vùng đất mới. Ở Phú Văn, mỗi năm ước tính giá trị từ ngành nông nghiệp mang lại gần 13 tỷ đồng.

“Mức thu nhập bình quân đầu người mỗi năm của người dân Phú Văn đạt hơn 45 triệu đồng. Con số này cao hơn 8 triệu đồng/người so với 3 năm trước và cao hơn thu nhập bình quân chung của xã Tam Thành, với hơn 4 triệu đồng/ người/năm” – ông Danh chia sẻ.

Rất nhiều mô hình kinh tế được hình thành ở Phú Văn, giúp cuộc sống người dân thêm đủ đầy. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Rất nhiều mô hình kinh tế được hình thành ở Phú Văn, giúp cuộc sống người dân thêm đủ đầy. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Khi lợi thế được phát huy, người Phú Văn bước sang một hướng đi mới. Họ đón lấy cơ hội, làm ra những mặt hàng độc đáo từ chính sản vật của vùng. Họ tạo ra nhiều sản phẩm mới được thị trường đón nhận, đem lại lợi nhuận kinh tế cao.

Và đó, cũng là động lực để người dân tiếp tục gắn bó với quê, với những cuộc đổi đời theo nhịp sống mới. Tiêu biểu như hộ ông Phạm Long, đã biến hơn 1ha đất vườn thành mô hình kinh tế vườn – ao – chuồng kết hợp, cho thu nhập bình quân mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Rất nhiều cuộc thử nghiệm, thông qua các mô hình sản xuất. Rồi người Phú Văn thành công với chăn nuôi và phát triển kinh tế vườn đồi. Những thanh niên trong độ tuổi lao động cũng bắt đầu tìm kiếm cơ hội từ các công ty, cơ sở sản xuất kinh doanh vùng lân cận.

Vài năm trở lại đây, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo có chiều giảm xuống. Duy trì từ năm 2019 đến nay, toàn thôn tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,8%, chủ yếu là các hộ thuộc chính sách bảo trợ xã hội. Tỷ lệ hộ cận nghèo nay cũng chỉ còn 1,6%.

Cùng góp sức dựng xây

Chúng tôi dạo bước trên con đường về làng, dọc lối đi, những nhánh hoa khoe sắc càng khiến Phú Văn thêm rực rỡ. Chị Nghĩa, một người dân địa phương cho hay, con đường hoa này được trồng từ cuối năm 2020, dài gần 1km, gồm 300 chậu hoa giấy ba màu đặt dọc 2 bên đường.

Đường hoa góp phần hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới tại Phú Văn – một thành quả ghi dấu tinh thần đoàn kết cộng đồng, được triển khai theo chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Con đường hoa được hình thành từ tinh thần cộng đồng của người dân Phú Văn. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Con đường hoa được hình thành từ tinh thần cộng đồng của người dân Phú Văn. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Người dân thôn Phú Văn tình nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất cùng hơn 100 triệu đồng tiền mặt và hàng trăm ngày công mở tuyến đường bê tông dài hơn 1km, từ điểm thôn đến trụ sở UBND xã. Mới đây nhất, người dân đóng góp xây dựng hệ thống điện chiếu sáng, lắp đặt camera an ninh… đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường về khu dân cư.

“Đều đặn hàng tuần, người dân trong thôn ra quân vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Ý thức bảo vệ môi trường ngày được nâng cao, hình thành nên các tổ thu gom rác thải, tập kết tại địa điểm phù hợp nhằm góp sức cho cảnh quan môi trường thêm sạch đẹp” – chị Nghĩa cho biết.

Khi cuộc sống đã có nhiều đổi thay, người dân Phú Văn chú trọng hơn không gian nhà ở với hàng rào xanh, cổng ngõ sạch đẹp, tạo nên điểm nhấn của một làng quê yên bình. Những tường rào được thiết kế bởi nhiều loại hoa, cây cảnh kết hợp ngày một nhiều hơn.

Kể từ sau cuộc đổi mới, gần như ở Phú Văn không còn một mái nhà dột nát, tạm bợ. Tất cả, được thay thế bởi những ngôi nhà xây khang trang, bề thế. Phú Văn vẫn giữ được nghề mộc Văn Hà hàng trăm năm tuổi. Những truyền nhân của làng nay vẫn ngày đêm miệt mài theo nghề cha ông.

Ông Lê Văn Chương – Chủ tịch UBND xã Tam Thành nói, từ một làng nghèo khó, bằng tinh thần vươn lên, cuộc sống của người dân nay đã từng ngày đổi mới. Phú Văn liên tục được công nhận là thôn văn hóa, với gần 93% hộ gia đình văn hóa tiêu biểu. Nhiều thiết chế văn hóa được đầu tư, giúp người dân có thêm điều kiện vui chơi, luyện tập thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe.

“Những đảng viên ở Phú Văn luôn đi đầu trong việc nêu gương, vận động người dân cùng thực hiện tốt các nội dung theo tiêu chí xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Khi vai trò chủ thể của người dân được phát huy, mọi ý kiến được đưa ra bàn bạc, thảo luận dân chủ, ý thức tuân thủ pháp luật được nâng cao, tạo thuận lợi để địa phương hoàn thành các tiêu chí về xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, như bây giờ” – ông Chương nói.

Nguồn: baoquangnam