Du lịch - Đời sốngThời sựTin mới nhất

Quảng Nam: Truyền nhân trẻ của làng gốm cổ

Truyền nhân trẻ của làng gốm cổ - Ảnh 1.

Hai vợ chồng Lâm và Nhung tại lò gốm gia truyền của gia đình – Ảnh: B.D.

 

Điều mừng hơn khi những người sống chết với gốm mộc dần không còn thì nhiều bạn trẻ đã quyết ở lại quê nhà và kế nghiệp.

Gia đình 6 đời nặn gốm

Một ngày đầu tháng 8, du khách dập dìu tản bộ trên con đường nhỏ dọc sông Thu Bồn hướng về làng gốm Thanh Hà. Sau 2 năm đứng bóng vì đại dịch, những vị khách quốc tế đầu tiên đã trở lại. Họ tìm đến làng gốm từng không ít lần mê mẩn với thứ gốm thô mộc, đơn giản mà huyền bí dưới bàn tay chi chít vết chân chim của các nghệ nhân khi tới Hội An.

Nhưng lần trở lại này, không ít người trầm trồ khi nhận ra sự “tươi mới” với bóng người trẻ trong các lò gốm. Ngay lối ra vào tiệm gốm Sơn Thúy nằm ngay bên đình làng, cặp vợ chồng trẻ đang tỉ mẩn với cặp bình bông vừa ra khuôn.

Người đàn ông dùng cọ gỗ để lên khuôn hình, phác thảo những đường nét cơ bản trang điểm cho bình bông. Người phụ nữ ngồi kế bên một tay nâng bình ngang mặt, tay kia cầm cọ khoét sâu từng đường chỉ. Nắm đất sét bỗng chốc biến thành chiếc bình bông đủ hình hài đẹp mắt. Đôi vợ chồng trẻ gây tò mò cho khách du lịch là Nguyễn Viết Lâm (25 tuổi) và vợ anh – Trần Thị Tuyết Nhung. Lò gốm cũng chính là ngôi nhà nhiều đời kế nghiệp gốm Thanh Hà.

Bà Phạm Thị Mỹ Dung – mẹ anh Lâm – cũng là một thợ gốm nổi tiếng khắp vùng. Tính tới đời Lâm, gia đình đã qua ít nhất 6 thế hệ làm gốm. Bà Dung kể mái nhà cả gia đình đang ở là ngôi nhà ba mẹ chồng để lại. Ông bà cũng kế nghiệp lại từ các cụ thân sinh trước đây và nhiều đời trước nữa.

“Giờ gốm không còn là cái nghề nữa mà vận vào nghiệp của từng thành viên rồi, trách nhiệm của thế hệ sau là lưu giữ nghề để không thất truyền. Khi Lâm nói không đi làm xa mà ở lại làng làm gốm, cả nhà tui nhẹ cả lòng” – bà Dung nói.

Sơn Thúy là một trong 32 cơ sở sản xuất gốm hiện còn của làng gốm Thanh Hà. Làng gốm này ước tính có từ 500 năm trước từ những người di cư gốc Bắc đưa vào. Ban đầu làng chỉ sản xuất lu, bình bông, gạch ngói. Khi du lịch bùng nổ, nhiều sản phẩm mới xuất hiện để làng nghề thích nghi với thời cuộc. Cái tên gốm Thanh Hà không chỉ được định danh như một làng gốm đỏ nổi tiếng với các sản phẩm mỹ thuật thô mộc mà giờ đây được biết đến nhờ hoạt động trải nghiệm du lịch.

Kế nghiệp ba mẹ

Lâm là một trong nhiều người trẻ ở Thanh Hà theo đuổi nghề gốm với sứ mệnh làm người kế nghiệp nghề gốm của tiền hiền để lại. Là con trai duy nhất trong nhà, 13 tuổi, Lâm đã theo ba mẹ ra lò gốm và lớn lên với thứ bùn sền sệt bết vào áo quần. Lâm từng tính học đại học rồi ở lại thành phố lập nghiệp. Thế rồi trong nhiều bữa cơm gia đình, nỗi âu lo của ba mẹ khi gia đình gần như không còn người cáng đáng lò gốm đã qua ít nhất 6 đời khiến cậu suy nghĩ.

“Nghĩ nhiều chứ. Có nhiều lựa chọn nhưng quyết định chỉ có một, nên học xong lớp 12 mình xin ba mẹ được ở lại làng để làm gốm. Nghề này giàu chắc chưa thấy nhưng chịu khó sáng tạo, chịu khó làm cũng có thu nhập” – Lâm bộc bạch.

Đang tỉ mẩn ngồi chuốt lại đường nét hoa văn cho cặp bình bông, hai vợ chồng bật dậy đi tới gian trưng bày khi có một nữ du khách nước ngoài ghé thăm. Nhìn cách hai người trẻ trò chuyện vui vẻ bằng tiếng Anh với khách nước ngoài, đã thấy một thế hệ nối tiếp nghề gốm “sáng” hơn ở Thanh Hà.

Là vui đó nhưng khi nghe con trai quyết tâm kế nghiệp gia đình, cả nhà nửa mừng nửa lo, sợ làm mất đi cơ hội ra đời của hắn! Rồi thấy Lâm làm gốm gần như không giống lối cổ truyền, cha mẹ đều rất vui.

“Lâu nay tụi tui chỉ làm đồ dùng thông thường, nung chứ không tráng men, sản phẩm đẹp nhưng rất ít, mẫu mã đơn điệu. Tiếp nhận công việc, cháu lên mạng tìm hiểu mẫu mã rồi lập kênh giới thiệu sản phẩm. Ngay thời điểm đại dịch COVID-19, làng nghề gần như không một bóng khách nhưng lò gốm nhà tôi vẫn bán đều nhờ các mối hàng trên mạng của hai vợ chồng Lâm” – bà Dung nói.

“Dấu ấn” của đôi thợ trẻ Viết Lâm – Tuyết Nhung không chỉ các mối hàng trên mạng mà còn có các sản phẩm chưa ai ở làng gốm nghĩ ra. Nhiều sản phẩm gốm làm quà lưu niệm cho khách du lịch mua về, chưa kể đồ trang trí và đồ dùng bằng gốm cho các cơ sở lưu trú. Kết quả mà hai vợ chồng vừa tìm hiểu thị trường, vừa mày mò tạo ra sản phẩm pha giữa truyền thống và hiện đại. Và cả tìm tòi học tiếng Anh, tìm cách làm du lịch đưa khách về.

“Hồi sinh” chất men cổ

Gốm Thanh Hà trước giờ đều làm thô mộc, người xưa đã có loại men riêng nhưng chỉ sử dụng cho các sản phẩm chum sành, gạch ngói. Do vậy, nhiều người làm gốm lâu năm và chính quyền phường Thanh Hà (Hội An) khá bất ngờ khi gần đây xuất hiện nhiều sản phẩm gốm Thanh Hà tráng men trên thị trường.

Nguyễn Viết Lâm cho biết sau khi tìm hiểu anh biết gia đình mình có một công thức men tự pha chế từ vỏ nghêu, tro, hóa chất, lá cây… nên đã mày mò, phục chế lại và tráng lên gốm. Các dòng gốm tráng men thuộc nhóm đồ lưu niệm, trang trí… sau khi được phủ lớp men mờ bỗng trở nên khá khác lạ. Là cơ sở hiếm hoi ở Thanh Hà phủ men cho gốm, mỗi tháng lò gốm nhà Lâm bán được hàng trăm sản phẩm khắp cả nước, được khách quốc tế đến tham quan mua sắm.

 

Nguồn: https://tuoitre.vn/truyen-nhan-tre-cua-lang-gom-co-2022080909114079.htm