Tin mới nhất

Quẩn quanh chuyện nghèo

Năm 2021, việc rà soát hộ nghèo được thực hiện theo 2 mức chuẩn của giai đoạn 2016 – 2020 và 2022 – 2025. Kết quả sơ bộ rà soát hộ nghèo ở một số huyện miền núi theo tiêu chí cũ thì tỷ lệ nghèo giảm, nhưng theo tiêu chí mới thì tỷ lệ hộ nghèo tăng gấp đôi. Điều này tác động không nhỏ đến việc hoạch định các chính sách kinh tế, xã hội và giảm nghèo giai đoạn 2022 – 2025.
Hộ ông Hồ Văn Niếu (ngoài cùng bìa phải) đã cố gắng làm ăn, thoát nghèo năm 2018 nhưng nay lại vào hộ nghèo theo chuẩn mới. Ảnh: D.L
Hộ ông Hồ Văn Niếu (ngoài cùng bìa phải) đã cố gắng làm ăn, thoát nghèo năm 2018 nhưng nay lại vào hộ nghèo theo chuẩn mới. Ảnh: D.L

THOÁT NGHÈO RỒI LẠI NGHÈO

Nhiều người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Nam Trà My đã thoát nghèo những năm trước và cả năm này. Thế nhưng, khi áp vào các tiêu chí của giai đoạn mới, họ lại rơi về diện hộ nghèo.

Nghèo vẫn hoàn nghèo

Tại xã Trà Tập (Nam Trà My), sau khi rà soát hộ nghèo theo tiêu chí mới giai đoạn 2022 – 2025, nhiều hộ đã thoát nghèo trong 2 – 3 năm qua giờ lại rơi vào diện hộ nghèo.

Hộ ông Hồ Văn Thiểu (thôn 1, Trà Tập) là hộ thanh niên, có sức lao động nên được vận động và mạnh dạn đăng ký thoát nghèo năm 2020. Ông Thiểu cùng vợ chịu khó đi làm công, làm rẫy, trồng lúa nước.

Đến cuối năm 2020, gia đình ông Thiểu đã hết nghèo theo các tiêu chí rà soát. Thế nhưng năm nay với chuẩn hộ nghèo mới cao gấp đôi chuẩn cũ, gia đình ông lại vào danh sách hộ nghèo của xã.

Là một hộ mới thoát nghèo, chưa đạt được sự bền vững ổn định trong thu nhập, lại thêm các con của ông Thiểu không đủ chiều cao, cân nặng ở tiêu chí dinh dưỡng cho trẻ em. Chỉ chừng đó, đã đủ “điểm liệt” khiến hộ ông Thiểu tái nghèo.

Điều kiện của gia đình ông Hồ Văn Niếu (thôn 1, Trà Tập) có khá hơn đôi chút, khi căn nhà đã được đầu tư bài bản, sàn gạch men, có tivi, tủ lạnh, bếp ga, có nhà vệ sinh.

Hai vợ chồng biết cách lao động, ngoài làm công cho các công trình trên địa bàn huyện, còn trồng được 1.000 gốc quế đã 3 năm tuổi, hơn 20 gốc sâm Ngọc Linh được 2 năm tuổi. Tất cả hội đủ điều kiện để ông Niếu thoát nghèo vào năm 2018.

Nhưng sự thoát nghèo của gia đình ông Niếu không bền vững, thu nhập không ổn định và điều kiện dinh dưỡng trẻ em không đạt theo tiêu chí mới, vì vậy ông trở lại diện hộ nghèo.

Ông Niếu nói: “Vợ chồng tôi có sức lao động, cũng không muốn nghèo nhưng chưa đủ điều kiện thì chưa hết nghèo được. Quế mới trồng 3 năm chưa có thu nhập, sâm cũng chưa ra hoa. Làm công thì có tôi đi làm, vợ không đi, một tháng đi làm được 15 đến 18 ngày, ngày 200 nghìn đồng.

Nghe cán bộ nói nhà tôi có 5 người mà tháng chỉ có 3 triệu đồng nên chưa thoát nghèo được. Con tôi cũng bị suy dinh dưỡng nữa. Chừ thì cố gắng làm, mong có được giúp đỡ của Nhà nước để tôi làm ăn, năm sau hết nghèo”.

Dễ dàng rơi vào nghèo

Ông Hồ Văn Quyết – Thôn trưởng thôn 1 Trà Tập cho hay thôn 1 được sáp nhập từ 2 thôn nên dân số đông, chiếm gần nửa dân số toàn xã Trà Tập.

“Rà soát theo tiêu chí cũ thì hộ thoát nghèo cũng nhiều. Nhưng đến khi áp theo tiêu chí mới thì hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo từ 1 đến 3 năm lại rơi vào diện hộ nghèo. Ở các bản làng xa chưa có điện, nghèo toàn bộ vì không có điện thì không tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản được.

Rồi người dân lại không có nước sạch mà toàn dùng nước tự chảy, thu nhập không ổn định, trẻ em thấp bé nhẹ cân. Theo tiêu chí mới thì hơn nửa thôn là hộ nghèo rồi” – ông Quyết nói: 

Sau rà soát hộ nghèo theo mức chuẩn mới, xã Trà Tập có 482 hộ nghèo (68,76%), tăng gấp đôi so với khi rà soát theo tiêu chí cũ.

Ông Nguyễn Tiến Cường – Phó Chủ tịch UBND xã Trà Tập cho biết: “Hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi khi thoát nghèo thường vẫn chưa thể bền vững nếu không có sự tác động toàn diện bằng các chính sách sau thoát nghèo.

Ở Trà Tập, phần lớn người dân đều đi làm công cho công trình xây dựng hoặc đi làm rẫy là chủ yếu, nguồn thu nhập bấp bênh, chưa được sử dụng nước sạch, công trình vệ sinh chưa đạt, nhiều khu vực chưa có điện sẽ kéo theo việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản không đảm bảo. Trẻ em thì phần lớn không đủ cân nặng, chiều cao cũng không đủ chuẩn. Chỉ chừng ấy tiêu chí đã khiến nhiều hộ dân sẽ rơi vào diện hộ nghèo”.

Theo ông Cường, điều mà xã đang lo lắng là một số hộ lại rơi vào hộ nghèo trong thời gian đang hưởng chính sách khuyến khích thoát nghèo theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh. Chính sách đã thực hiện rồi nhưng chưa thanh quyết toán, liệu khi họ rơi vào hộ nghèo lại, chính sách đó có còn hữu hiệu hay không.

KHÔNG THỂ KHÔNG TĂNG

Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025 tăng gấp đôi so với mức chuẩn cũ. Vì thế tỷ lệ hộ nghèo tăng là thực trạng đã được dự báo trước khi rà soát.

Rà soát hộ nghèo vẫn đang tiếp tục được thực hiện ở các huyện miền núi trong điều kiện đi lại khó khăn. Ảnh: D.L
Rà soát hộ nghèo vẫn đang tiếp tục được thực hiện ở các huyện miền núi trong điều kiện đi lại khó khăn. Ảnh: D.L

Tỷ lệ nghèo tăng gấp đôi

Huyện Nam Trà My đã hoàn thành và phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo sớm nhất trong tỉnh. Số liệu từ huyện Nam Trà My, năm 2021 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 – 2020, tổng số hộ dân là 7.916 hộ thì có 1.918 hộ nghèo (chiếm 24,23%).

Trong đó, số hộ thoát nghèo là 459 hộ (hộ thoát nghèo đủ điều kiện hưởng theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh là 350 hộ/398 hộ đăng ký thoát nghèo bền vững), so với chỉ tiêu tỉnh giao 250 hộ.

Tuy nhiên, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2022 – 2025, số hộ nghèo là 4.330 hộ (chiếm 54,7%), số hộ cận nghèo là 147 hộ (chiếm 1,86%). Như vậy, rà soát theo chuẩn mới, Nam Trà My có tỷ lệ hộ nghèo tăng 30% so với trước. 

Kết quả rà soát sơ bộ ở một số địa phương miền núi khác cũng tương tự. Tây Giang sau khi rà soát cuối năm 2021 toàn huyện giảm còn 1.580 hộ nghèo (29,18%), giảm 5,37% so với năm 2020; 72 hộ cận nghèo (1,33%), giảm 0,62% so với năm 2020, không có hộ tái nghèo, không có hộ nghèo phát sinh.

Toàn huyện giảm được 229 hộ nghèo, vượt so với chỉ tiêu UBND tỉnh giao là giảm 210 hộ trong năm 2021. Nhưng, theo kết quả sơ bộ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 theo mức chuẩn mới, toàn huyện có 3.574 hộ nghèo (66%); có 63 hộ cận nghèo (1,16%).

Với huyện Bắc Trà My, kết quả sơ bộ theo chuẩn cũ thì năm 2021 còn 2.775 hộ nghèo, so với năm 2020 có 462 hộ thoát nghèo (trong đó có 310 hộ thoát nghèo theo Nghị quyết 13 HĐND tỉnh).

Nhưng khi rà soát theo chuẩn mới, huyện tăng lên 5.742 hộ nghèo (chiếm 50,46% dân số). Và các huyện miền núi khác như Nam Giang, Phước Sơn, Đông Giang, dù chưa có con số rà soát sơ bộ nhưng đều được dự báo số hộ nghèo sẽ tăng khi rà soát theo chuẩn nghèo mới.

Giải pháp đi theo thực tế

Giải pháp giảm nghèo phải bám vào thực tế số hộ nghèo và nguyên nhân nghèo của từng hộ là điều hiển nhiên mà các địa phương đang thực hiện. Nói như ông Nguyễn Tiến Cường – Phó Chủ tịch UBND xã Trà Tập, với sự thay đổi chuẩn nghèo, UBND xã sẽ tham mưu, đề xuất Đảng ủy xã Trà Tập rà soát lại tất cả tiêu chí đề ra trong phát triển kinh tế, xã hội và thực hiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với giai đoạn mới.

Mục tiêu của xã Trà Tập trước đây là cố gắng mỗi năm thoát nghèo từ 6 – 8%, nếu làm tốt việc hỗ trợ, vận động nhân dân phát triển kinh tế thì sẽ có số hộ thoát nghèo cao hơn. Nhưng tỷ lệ hộ nghèo mới lại cao hơn rất nhiều so với số hộ nghèo cũ khi đề ra mục tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã giai đoạn 2021 – 2025. Vì vậy mà nhiệm vụ giảm nghèo của giai đoạn tiếp theo sẽ là một thử thách lớn đối với xã.

Ông Trần Duy Dũng – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My nói tỷ lệ hộ nghèo tăng là thách thức lớn trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, cũng như khó khăn cho phát triển kinh tế của huyện trong giai đoạn tới.

Ông Dũng cho biết: “Dẫu sao việc giảm nghèo cũng phải bám theo thực tế để có giải pháp. Đây tiếp tục là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của Nam Trà My. Huyện tiếp tục phân loại hộ nghèo. Nghèo diện bảo trợ xã hội, già cả, ốm đau, neo đơn thì chỉ còn cách trợ giúp bằng chính sách của Nhà nước. Còn lại, tùy theo nguyên nhân của sự nghèo mà tác động”.

Nam Trà My sẽ tiếp tục chính sách đã thực hiện những năm trước mang lại hiệu quả, đó là hỗ trợ phát triển chăn nuôi, trồng rừng, trồng dược liệu dưới tán rừng. Các mô hình sẽ phát triển theo hướng liên kết tổ hợp tác, nhóm hộ gia đình, hợp tác xã, xây dựng chuỗi giá trị theo hướng hàng hóa, gắn kết với đầu ra là doanh nghiệp, là thị trường. Như thế mới lồng ghép được người biết làm ăn với người không biết làm ăn, hỗ trợ nhau cùng phát triển, cùng thoát nghèo mới bền vững.

Về nguồn lực cũng sẽ khó khăn, nhưng với các huyện miền núi các chương trình sẽ được lồng ghép để tạo đà mạnh mẽ nhất cho sự phát triển kinh tế, xã hội.

Ông Thái Hoàng Vũ – Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết: “Tỷ lệ hộ nghèo tăng là thách thức cho các huyện miền núi. Tỷ lệ càng tăng thì quyết tâm giảm nghèo phải càng cao.

Nhưng để đạt được mục tiêu như tỉnh đề ra là đến năm 2025 giảm còn 10% hộ nghèo trở xuống là rất khó. Cố gắng lắm, với con số hơn 50% hộ nghèo theo chuẩn mới, huyện cũng chỉ có thể giảm đến năm 2025 còn từ 20% hộ nghèo trở xuống”.

Huyện Bắc Trà My chủ trương lồng ghép các chương trình giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội miền núi theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, xây dựng nông thôn mới và các chương trình khác của tỉnh để thúc đẩy giảm nghèo.

Huyện cố gắng kêu gọi, thu hút đầu tư vào huyện bằng các nhà máy dược liệu, chế biến gỗ, sản phẩm cây ăn quả… để gắn với vùng nguyên liệu, tạo đầu ra cho sản phẩm, giải quyết việc làm, thu nhập cho nhân dân.

NHIỀU THÁCH THỨC

Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 2,87% (khu vực đồng bằng còn dưới 1,5%, miền núi còn dưới 10%). Đây là thách thức vô cùng lớn khi tỷ lệ hộ nghèo tăng lên gấp đôi theo chuẩn mới.

Các huyện miền núi lại tiếp tục với công cuộc giảm nghèo trong giai đoạn mới. Ảnh: D.L
Các huyện miền núi lại tiếp tục với công cuộc giảm nghèo trong giai đoạn mới. Ảnh: D.L

Dữ liệu hộ nghèo là căn cứ hoạch định chính sách

Trước khi tiến hành rà soát hộ nghèo theo 2 chuẩn của 2 giai đoạn, bà Trương Thị Lộc – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH dự báo tỷ lệ hộ nghèo sẽ tăng, và đó là thách thức lớn cho bài toán giảm nghèo của tỉnh. 

Giai đoạn 2022 – 2025, chuẩn nghèo về thu nhập tăng gấp 2 lần, đối với khu vực nông thôn tăng từ 700 nghìn đồng/người/tháng lên 1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực thành thị tăng từ 900 nghìn đồng/người/tháng lên 2 triệu đồng/người/tháng; tăng thêm 1 dịch vụ và 2 chỉ số đo lường (tăng từ 5 dịch vụ xã hội cơ bản/10 chỉ số đo lường lên 6 dịch vụ xã hội cơ bản/12 chỉ số đo lường).

Mục tiêu phấn đấu của tỉnh đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh giảm còn 2,87% (trong đó, tỷ lệ hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội khoảng 1,83%), khu vực đồng bằng còn dưới 1,5%, khu vực miền núi còn khoảng 10%; các phường, thị trấn ở thành phố, thị xã không còn hộ nghèo (trừ hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội); tỷ lệ nghèo của các huyện nghèo, xã nghèo giảm từ 3 – 4%/năm; tỷ lệ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm mỗi năm hơn 3%/năm.

Đây là thử thách vô cùng lớn và sẽ cần nhiều giải pháp, nguồn lực mạnh mẽ hơn nữa để đạt được mục tiêu đề ra trong bối cảnh chuẩn nghèo tăng lên gấp đôi.

Việc rà soát hộ nghèo vẫn đang được các địa phương thực hiện, cố gắng có số liệu hoàn chỉnh trước ngày 20.12 để báo cáo về UBND tỉnh. Việc rà soát được thực hiện theo 2 mức chuẩn, đảm bảo công khai, dân chủ, chính xác, trung thực, khách quan. Từng tiêu chí phải được rà soát, đánh giá chính xác, đầy đủ để xác định được hộ nghèo, hộ cận nghèo; có sự tham gia của người dân và giám sát của Ủy ban MTTQ cùng các tổ chức thành viên.

Dữ liệu về hộ nghèo, cận nghèo sẽ là căn cứ phục vụ xây dựng, triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch, giải pháp giảm nghèo bền vững; tổ chức thực hiện chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội cùng các chính sách kinh tế, xã hội năm 2022 và giai đoạn 2022 – 2025 trên địa bàn tỉnh. 

Tập trung nguồn lực cho miền núi

Tỷ lệ hộ nghèo tăng tập trung chủ yếu ở miền núi, thế nên nguồn lực sẽ tập trung cho miền núi trong giai đoạn tiếp theo. Theo Ban Dân tộc tỉnh, hiện nay đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vẫn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Kết cấu hạ tầng miền núi tuy được đầu tư song chưa đáp ứng nhu cầu. Công cuộc giảm nghèo vẫn còn khó khi nguồn lực thấp, năm 2021 không được phân bổ nguồn lực giảm nghèo.

Ông A Lăng Mai – Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Việc huy động, bố trí vốn đối ứng thực hiện các dự án đầu tư thực hiện Chương trình 30a và Chương trình 135 theo quy định của UBND tỉnh tại Công văn số 2680 ngày 25.5.2018 (mức đối ứng từ ngân sách huyện, xã và nhân dân đóng góp tối thiểu bằng 15% tổng ngân sách trung ương, tỉnh bố trí thực hiện dự án) của một số huyện nghèo gặp nhiều khó khăn do không huy động được đóng góp của nhân dân, nguồn thu ngân sách huyện và xã quá khó khăn dẫn đến còn nợ đọng xây dựng cơ bản tương đối lớn.

Cùng với việc giảm nghèo chưa thực sự bền vững, chính sách đầu tư chưa đủ lực tác động mạnh, ý thức người dân vẫn còn hạn chế, hộ nghèo càng về sau càng khó tác động thì giảm nghèo giai đoạn tới sẽ khó gấp nhiều lần giai đoạn đã qua”.

Giai đoạn 2022 – 2025 và định hướng đến năm 2030, nhiều quyết sách, đề án tập trung vào khu vực miền núi với kỳ vọng sẽ tạo đà cho sự phát triển, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Đó là các đề án quản lý, bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn 2030; Đề án phát triển kinh tế – xã hội miền núi giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 39 của HĐND tỉnh quy định khoảng cách, địa bàn; mức khoán kinh phí phục vụ nấu ăn cho học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP…

Thay đổi chuẩn nghèo gắn với mục tiêu phát triển bền vững

Chỉ thị 05 ngày 23.6.2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030 xác định rõ kết quả giảm nghèo trong cả nước tuy nhanh nhưng chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao; chênh lệch mức sống, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm giữa các địa phương, vùng, miền, nhóm dân cư chưa được thu hẹp nhiều; một số nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống còn khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, bãi ngang ven biển và hải đảo.

Việc thay đổi chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, ban hành chính sách hỗ trợ có điều kiện, tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo, bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động.

Nguồn: baoquangnam