Thời sựTin mới nhất

Quảng Nam: Bệnh viện lý giải việc mua máy CT scanner 32 lát cắt hơn 14,1 tỷ đồng

Mới đây có thông tin Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam (BVĐK KVQN) mua hệ thống máy CT scanner 32 lát cắt (Toshiba-Canon, Nhật Bản) với giá hơn 14,1 tỷ đồng, trong khi giá thị trường rẻ hơn, phóng viên Đại Đoàn Kết đã có buổi làm việc với lãnh đạo bệnh viện để nghe đơn vị này giải trình.

Sáng ngày 5/6, trả lời câu hỏi của phóng viên, những ngày qua có dư luận cho rằng, máy CT scanner 32 lát cắt của BVĐK KVQN được mua với giá hơn 14,1 tỷ đồng nhưng thị trường chỉ có giá từ từ 4,9 đến 7 tỷ đồng, đơn vị lý giải về vấn đề như thế nào?

Máy CT scanner 32 lát cắt niêm yết trên cổng của Bộ Y tế.

Máy CT scanner 32 lát cắt niêm yết trên cổng của Bộ Y tế.

Ông Phạm Ngọc Mạnh, Trưởng phòng Thiết bị y tế, BVĐK KVQN cho biết: “Máy CT scanner của bệnh viện chúng tôi mua là 32 lát cắt, nhập nguyên từ Nhật Bản về không qua nước thứ ba sản xuất. Những máy như vậy của Nhật nhưng sản xuất ở các nước Trung Quốc, Ấn Độ hoặc nơi khác thì giá sẽ khác”.

Ông Mạnh nói: “Giá của máy còn liên quan đến linh kiện kèm theo phù hợp với nhu cầu riêng của bệnh viện, nhưng việc mua sắm thiết bị kèm theo này là mua của các đơn vị khác cũng khiến giá gói thầu tăng lên. Còn phần mềm của máy cũng ảnh hưởng đến giá cả. Ví dụ cùng một máy thở nhưng option khác nhau thì giá cũng sẽ khác nhau”.

Bệnh viện Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam.

Bệnh viện Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam.

Lãnh đạo bệnh viện cũng cho rằng, đây không phải là đặc thù, có một số bệnh viện cũng mua máy CT – Scanner 32 lát cắt xuất xứ từ Đức hay những nước khác với giá gần 13 tỉ đồng. Giá cả thiết bị y tế còn phụ thuộc vào tính năng, công suất, linh phụ kiện theo kèm, chế độ bảo hành, bảo trì, đào đạo,…

Bác sĩ Nguyễn Tải, Giám đốc bệnh viện cho rằng: “Muốn mua được máy, trước hết xuất phát từ nhu cầu thực tế, lãnh đạo bệnh viện lập tờ trình, sau đó lãnh đạo tỉnh đã đến kiểm tra tình hình, tính cấp thiết của việc mua máy. Sau khi có sự đồng ý của UBND tỉnh, chúng tôi đã nhờ đơn vị thẩm định giá (được bộ Tài chính cấp phép hồ sơ năng lực) thẩm định, trên cơ sở đó, bệnh viện gửi đến các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh phê duyệt kế hoạch, mua sắm thiết bị. Bệnh viện căn cứ trên cơ sở đó làm theo các quy định của luật Đấu thầu.

Theo Bác sĩ Nguyễn Tải: “Chúng tôi khẳng định việc mua máy thực hiện đúng quy trình. Máy chỉ mua với giá 12,265 tỷ đồng, nhưng giá gói thầu lên 14,1 tỷ đồng là do cộng thêm kinh phí của xây dựng phòng chì (làm mới), phòng điều hành máy, hệ thống tích điện công suất lớn và phụ kiện bổ sung cho máy (máy in phim, kính chì, áo chì, cáp cao thế, chi phí tháo dỡ và xây dựng…) và cũng không sai theo Nghị định 98 về quản lý trang thiết bị y tế.

Máy CT scanner 32 lát cắt tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam.

Máy CT scanner 32 lát cắt tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam.

Cụ thể tại thời điểm mua máy, đơn vị không có thông tin trên mạng của Bộ Y tế để tham chiếu giá máy, nhưng theo Nghị định 98 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022) bắt buộc các công ty nhập khẩu máy trước khi mua bán phải có giá kê khai (kê khai giá nhập khẩu, chi phí vận chuyển, bảo hiểm, chi phí lắp đặt, chi phí chuyên gia, chi phí quản lý, tiền lương, chi phí bảo hành, bảo trì… cộng với lãi theo quy định để kê khai giá bán cuối cùng).

Riêng máy CT 32 lát cắt có cùng model, hãng sản xuất và cấu hình của bệnh viện đang sử dụng, đã được công ty nhập khẩu do hãng ủy quyền kê khai giá theo quy định của Nghị định 98 trên cổng của Bộ Y tế cho phép giá bán cuối cùng là 15,5 tỷ đồng”.

“Máy mua đã được 3 năm hoạt động ổn định, mỗi năm chụp CT trên 6.000 ca, đem lại hiệu quả. Đặc biệt chúng tôi thực hiện theo quy trình của pháp luật trong quá trình mua máy. Gần đây có dư luận cũng gây hoang mang cho cán bộ, người lao động của bệnh viện.”, bác sĩ Tải nói.

Tấn Thành

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quang-nam-benh-vien-ly-giai-viec-mua-may-ct-scanner-32-lat-cat-hon-141-ty-dong-5688100.html