Tin mới nhất

Quảng Nam: Người giữ tuồng dưới chân đèo Le

Tròn 55 năm gắn bó với nghệ thuật tuồng xứ Quảng, ông Hà Ngọc Tiên ở thôn Lộc Thượng, xã Quế Long, huyện Quế Sơn được xem là nghệ nhân chân đất có ảnh hưởng lớn đến phong trào văn hóa – văn nghệ quần chúng, đặc biệt là tuồng ở mảnh đất dưới chân đèo Le.

Đất tuồng vun bồi đam mê

Ở tuổi ngoài 70, nhưng có lẽ cái uyển chuyển của hình thể, sự đồng bộ của sắc thái biểu cảm từ chân, tay, mắt… trong biểu diễn tuồng, đã giúp ông Hà Ngọc Tiên vẫn giữ được sự linh hoạt và minh mẫn hơn so với những người cùng tuổi.

Ngồi trò chuyện với ông sau một buổi tập tuồng, cảm giác tuồng đã ngấm vào từng hơi thở, tâm hồn để bất cứ đâu, bất cứ lúc nào ông cũng có thể nhập vai, hát một đoạn tuồng, múa một điệu bộ tuồng, kể một câu chuyện về tuồng.

Ông bảo, mình yêu tuồng từ thuở thiếu thời khi cùng cha đi xem những gánh tuồng của làng biểu diễn. Ngày ấy, những ông quan, ông tướng, những kiếm, roi, áo, mão trên sân khấu tuồng có sức mê hoặc bọn trẻ đến nằm mơ cũng thấy.

Quế Long quê ông là vùng đất nằm sát dưới chân đèo Le, nơi nghệ thuật tuồng có đất diễn, sống trọn vẹn trong lòng người dân quê một nắng hai sương.

Zalo
Ông Hà Ngọc Tiên diễn tuồng cổ

Ông Hà Ngọc Tiên bắt đầu bén duyên với tuồng từ năm 1967 khi rời làng thoát ly tham gia cách mạng, trở thành diễn viên đoàn văn công của Ban Tuyên huấn tỉnh, theo chân các diễn viên đoàn tuồng đi biểu diễn phục vụ đồng bào, chiến sĩ.

Sẵn niềm đam mê tuồng từ nhỏ, lại được đắm mình trong không khí của tuồng những đêm đi biểu diễn, ông Hà Ngọc Tiên dần mày mò, học hỏi để từng bước được trở thành diễn viên đóng những vai phụ trong các trích đoạn tuồng.

Năm 1970, ông được điều ra miền Bắc để bồi dưỡng về nghệ thuật tuồng, nhưng đang học thì miền Bắc hứng chịu cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ nên phải đi sơ tán. Giấc mơ trở thành diễn viên tuồng chuyên nghiệp của ông đành dang dở.

Hòa bình lập lại, ông Hà Ngọc Tiên về công tác ở Ban Tuyên giáo Huyện ủy Quế Sơn. Rời xa nghệ thuật tuồng chuyên nghiệp nhưng tình yêu của ông với tuồng vẫn còn nguyên vẹn. Những năm tháng sau ngày hòa bình, cuộc sống còn vô vàn khó khăn, đời sống tinh thần lại càng thiếu thốn.

Lúc bấy giờ, huyện muốn khôi phục những đội tuồng từ trong dân, vừa mang ý nghĩa gìn giữ văn hóa – văn nghệ truyền thống lại vừa lồng ghép vào các vở tuồng, trích đoạn tuồng những nội dung tuyên truyền đời sống mới.

Ông Hà Ngọc Tiên lại được cử đi bồi dưỡng tuồng ở Đoàn tuồng Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) và được giao theo dõi, đôn đốc, dìu dắt các đội tuồng ở tuyến xã, tổ chức hội thi, hội diễn để phát triển nghệ thuật tuồng. Chính vì thế, trong những năm đó cũng như sau này, Quế Sơn luôn là một trong những địa phương duy trì và phát triển mạnh mẽ nhất nghệ thuật tuồng trong quần chúng.

Dựng lại hồn quê xứ

Sau khi nghỉ hưu, ông Hà Ngọc Tiên trở về địa phương Quế Long, bắt tay cùng với các hạt nhân của phong trào văn nghệ quần chúng như bà Bùi Thị Mỹ Lan, ông Phạm Hữu Đường gầy dựng và phát triển đội tuồng Quế Long dần trở thành một điểm sáng tuồng toàn huyện.

Gầy dựng đội tuồng Quế Long từ con số không cho đến lúc được mời đi biểu diễn giao lưu khắp trong và ngoài huyện, đồng thời liên tục nhiều năm liền đoạt giải nhất ở hội thi, hội diễn tuồng cấp huyện, được cử tham gia hội diễn tuồng toàn tỉnh… là câu chuyện đặc biệt, ghi đậm dấu ấn của người nghệ nhân chân đất Hà Ngọc Tiên.

Bằng vốn liếng với tuồng và mấy chục năm kinh nghiệm với loại hình nghệ thuật này, ông Hà Ngọc Tiên có cách làm rất riêng để từng bước duy trì và phát triển đội tuồng Quế Long vững vàng tồn tại hơn hai mươi năm qua.

Một mặt, ông tập trung xây dựng những trích đoạn tuồng có nội dung ngợi ca quê hương, đất nước, hướng con người vươn đến chân thiện mỹ, phê phán thói hư tật xấu trong cuộc sống để biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhân dân dịp lễ tết. Mặt khác, ông đi sâu nghiên cứu để tập luyện các trích đoạn tuồng cổ tham gia các hội thi cấp huyện và tỉnh.

Ông Hà Ngọc Tiên bảo: “Nếu tham gia thi thố, chỉ có biểu diễn thành công tuồng cổ mới có thể ghi điểm với người xem, người chấm chọn. Chứ cứ tuồng mới mà làm thì chắc chắn lực lượng và thực lực của đội tuồng mình khó có thể theo kịp những nơi khác…”.

Nhờ xác định được như vậy, nên khi tham gia các hội thi, hội diễn tuồng, đội tuồng Quế Long bao giờ cũng gây ấn tượng sâu sắc cho người xem với những trích đoạn tuồng cổ, tuồng lịch sử. Điển hình như các lớp tuồng của “Kim Lân biệt mẹ”, “Đào Tam Xuân lộng trào”, “Trưng Trắc, Trưng Nhị”, “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” hay “Trần Quốc Toản ra quân”…

Ông Hà Ngọc Tiên nói, trong tuồng, khó nhất là tuồng cổ. Diễn viên biểu diễn tuồng cổ cần phải hội đủ yếu tố cả về hát lẫn sắc thái biểu diễn. Khi hát phải ra hát tuồng cổ, khi múa trong tuồng cổ thì mặt, mắt, tay, chân phải đều nhau cùng hòa quyện sắc thái biểu đạt chứ không đơn giản như múa trong sân khấu bình thường.

Chính vì khó như vậy nên hầu như các câu lạc bộ tuồng hiện tại đều ít chọn tuồng cổ để biểu diễn. Quế Long kiên trì tập luyện, nắm được những mấu chốt của tuồng cổ, lại có diễn viên dạn dày kinh nghiệm nên khi tham gia các hội thi, hội diễn tuồng cấp huyện đều đoạt giải nhất. Bản thân ông Tiên cũng đã gặt hái được 5 huy chương vàng, bạc cá nhân ở các kỳ liên hoan tuồng không chuyện huyện Quế Sơn.

Giữ trọn chữ duyên với tuồng

Nghệ sĩ ưu tú Phan Văn Quang – Đoàn Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh nhiều năm nay dành tâm huyết cho nghệ thuật tuồng Quế Sơn, góp phần bồi dưỡng nhân tố trẻ cho tuồng địa phương này.

Nghệ sĩ ưu tú Phan Văn Quang khẳng định: “Sở dĩ Quế Long duy trì mạnh mẽ nghệ thuật tuồng và liên tục nhiều năm liền gặt hái thành công tại các liên hoan tuồng của huyện là vì đất này từng là một trong những chiếc nôi tuồng với những gánh hát có tên tuổi.

Mặt khác, đội tuồng Quế Long ngày trước và Câu lạc bộ tuồng – dân ca xã Quế Long bây giờ có những hạt nhân nòng cốt, trong đó nghệ nhân Hà Ngọc Tiên đã góp phần rất lớn trong mọi hoạt động tuồng địa phương.

Ông vừa là diễn viên, dàn dựng, vừa biểu diễn, vừa tận tình tập luyện từng li từng tí cho các thành viên trong đội. Say mê tuồng, hết lòng vì nghệ thuật này, ông Hà Ngọc Tiên xứng đáng là nghệ nhân tuồng, người giữ tuồng ở mảnh đất dưới chân đèo Le…”.

Đúng như lời Nghệ sĩ ưu tú Phan Văn Quang, sự đam mê, hiểu tuồng của ông Hà Ngọc Tiên không chỉ dừng lại ở việc duy trì hoạt động đội tuồng xã Quế Long, mà còn tích cực phát hiện, trao truyền vốn quý này cho thế hệ trẻ. Đó là những nhân tố mới như Hồ Quang Nhân (1983), Phan Thị Tiền (1981).

Đặc biệt, Đỗ Thị Linh Phượng được ông Tiên phát hiện, bồi dưỡng, tập luyện, ngay trong lần “ra quân” đầu tiên đã đoạt giải xuất sắc cá nhân, vai Trần Quốc Toản trong trích đoạn tuồng “Trần Quốc Toản ra quân” tại Liên hoan tuồng không chuyên huyện Quế Sơn năm 2019.

Đỗ Thị Linh Phượng tâm sự: “Trước đây tôi không hề biết hát tuồng. Với sự hướng dẫn tận tình của chú Tiên, tôi đã từng bước hiểu và biểu diễn được tuồng, nhất là những trích đoạn tuồng cổ. Thành công trong vai Trần Quốc Toản có thể nói công đầu thuộc về nghệ nhân Hà Ngọc Tiên…”.

Ông Hà Ngọc Tiên nói: “Mình bây giờ tuổi đã cao cũng rất muốn nghỉ ngơi nhưng thấy lớp trẻ chưa vững lắm, lại còn chút luyến lưu với tuồng nên cũng cố gắng sớm khuya đi – về với tuồng. Rất may gia đình hạnh phúc, con cái đã có công việc ổn định và yên bề gia thất cũng là niềm vui, động lực để tôi tiếp tục bước đi với tuồng cho trọn chữ duyên”.

Những người làm văn hóa ở xã Quế Long xem ông là vốn quý của nghệ thuật tuồng truyền thống ở địa phương. Lớp diễn viên tuồng trẻ tuổi trong Câu lạc bộ tuồng – dân ca Quế Long xem ông là người thầy đầy tâm huyết. Còn chúng tôi thì gọi ông là “Người giữ tuồng dưới chân đèo Le”.
Nguồn: 1022 Quảng Nam