Du lịch - Đời sốngThời sựTin mới nhất

Quảng Nam phát triển công nghiệp văn hóa gắn với các sản phẩm du lịch

Sở hữu nhiều di tích, di sản văn hóa, tỉnh Quảng Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có du lịch văn hóa. Điều kiện tự nhiên, con người và nền tảng văn hóa mà Quảng Nam có được là tiền đề để phát triển du lịch bền vững.

Quảng Nam luôn có sức hút đối với du khách trong và ngoài nước, bởi tỉnh này sở hữu các di sản văn hóa thế giới, khu dự trữ sinh quyển thế giới, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cùng hơn 432 di tích (gồm 4 di tích quốc gia đặc biệt, 63 di tích quốc gia và 365 di tích cấp tỉnh).

Tiềm năng lớn để phát triển ngành công nghiệp văn hóa

Thưởng thức show thực cảnh “Ký ức Hội An” tại Công viên Ấn tượng Hội An (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) vào cuối tháng 10/2022, chị Nguyễn Khánh Vân (Hà Nội) thích thú với 5 màn trình diễn kéo dài khoảng 60 phút sơ lược về lịch sử thương cảng cổ xưa.

“Quảng Nam có nhiều điểm đến hấp dẫn. Tôi đã đến Mỹ Sơn, xem show “Đêm Mỹ Sơn huyền thoại”; nay đến Hội An tham quan rừng dừa Bảy Mẫu, làng rau Trà Quế và thật ấn tượng với “Ký ức Hội An”, một đại tiệc thị giác mang tầm quốc tế”, chị Vân nói.

Trong khi đó, Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang (xã Mà Cooih, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) liên tục đón khách đến tham quan, trải nghiệm. Chị Trần Mỹ An (TPHCM) đi cùng những người bạn đến từ Hàn Quốc say sưa chụp ảnh các thiếu nữ đang múa điệu Tung tung da dá; rồi thưởng thức cơm lam, thịt nướng, cá nướng ống tre…

Chị Mỹ An bày tỏ: “Cổng Trời Đông Giang tựa như bức tranh hoang sơ, hùng vĩ, lại có thêm các hoạt động văn hóa như lễ mừng lúa mới, lễ dựng nhà Gươl, múa Tung tung da dá, trải nghiệm ẩm thực địa phương thì sẽ càng thu hút du khách”.

Quảng Nam phát triển công nghiệp văn hóa gắn với các sản phẩm du lịch - Ảnh 1.

Từ tháng 7/2022, điệu múa Tung tung da dá được biểu diễn lúc 19 giờ 30 các tối cuối tuần tại Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang, nhằm góp phần gìn giữ, quảng bá nét đẹp văn hóa của đồng bào Cơ Tu sống ở vùng núi rừng Trường Sơn.

Từ tháng 7/2022, điệu múa Tung tung da dá được biểu diễn lúc 19 giờ 30 các tối cuối tuần tại Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang, nhằm góp phần gìn giữ, quảng bá nét đẹp văn hóa của đồng bào Cơ Tu sống ở vùng núi rừng Trường Sơn.

Có thể dễ dàng thấy tiềm năng phát triển ngành công nghiệp văn hóa ở tỉnh Quảng Nam, trong đó có du lịch gắn với văn hóa. Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam khẳng đinh: “Quảng Nam là một trong những địa phương có tiềm năng rất lớn để phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Ngành công nghiệp văn hóa bổ trợ cho phát triển kinh tế – xã hội nói chung và phát triển du lịch nói riêng của tỉnh”.

Ông Hồng cho hay, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã tập trung quy hoạch phát triển du lịch; tạo một số cơ chế, chính sách mời gọi các nhà đầu tư để phát triển các dịch vụ vui chơi – giải trí bổ trợ cho ngành du lịch. Một số sản phẩm đã khẳng định thương hiệu như show “Ký ức Hội An” thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế.

“Bên cạnh đó, Khu giải trí VinWonders Nam Hội An cũng là điểm đến hấp dẫn. Một số sản phẩm mới sẽ được hình thành trong thời gian tới như dự án đêm diễn tri ân tại khu du lịch sinh thái Cồn Bắp (Hội An) với những chương trình biểu diễn các tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhiều dự án ở Nam Hội An cũng như ở vùng ven thành phố này sẽ góp phần phát triển kinh tế đêm, tạo ra dịch vụ vui chơi – giải trí, thúc đẩy mạnh mẽ ngành công nghiệp văn hóa”, ông Hồng nói.

Du lịch văn hóa là “đầu tàu”

Cũng như các địa phương khác, tỉnh Quảng Nam thực hiện Quyết định số 1755/QĐTTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Theo đó, tỉnh Quảng Nam chủ trương phát triển du lịch bền vững, “đẩy mạnh phát triển công nghiệp, hoàn thiện thị trường văn hóa, gắn liền với các sản phẩm du lịch nhằm phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao đời sống người dân; góp phần phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Quảng Nam nói riêng và của Việt Nam nói chung”, như phát biểu của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường tại Diễn đàn Phát triển địa phương năm 2022 với chủ đề “Công nghiệp văn hóa, du lịch và phát triển địa phương” diễn ra ở TP. Hội An ngày 26/11.

Tuy nhiên, việc đầu tư, phát triển cùng lúc 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa (quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa) là rất khó, không phải lĩnh vực nào cũng là ưu thế của tỉnh Quảng Nam.

Để phát triển du lịch bền vững, Quảng Nam phải tiếp tục tìm tòi đổi mới, sáng tạo; không ngừng cải tiến, vận dụng hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của khoa học, kỹ thuật, công nghệ; đồng thời xây dựng đa dạng hơn các sản phẩm, dịch vụ văn hóa; đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, hoàn thiện thị trường văn hóa, gắn liền với các sản phẩm du lịch nhằm phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao đời sống người dân; góp phần phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Quảng Nam nói riêng và của Việt Nam nói chung”

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường

Thực tiễn cho thấy, Quảng Nam có tiềm năng lớn để phát triển du lịch gắn với văn hóa. Nhiều năm qua, Quảng Nam đã tạo ra mô hình phát triển du lịch dựa vào thế mạnh văn hóa. Vì vậy, lĩnh vực “đầu tàu” là du lịch văn hóa. Du lịch cung cấp phương tiện quan trọng để quảng bá hình ảnh của một đất nước/một địa phương và khuyếch trương nền văn hóa của dân tộc/địa phương; đồng thời thúc đẩy văn hóa phát triển, củng cố di sản văn hóa, tạo ra các sản phẩm của văn hóa và sáng tạo.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường cũng cho rằng, điều kiện tự nhiên, con người và nền tảng văn hóa mà tỉnh này có được chính là tiền đề quan trọng để phát triển du lịch bền vững, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống của người dân.

Quảng Nam phát triển công nghiệp văn hóa gắn với các sản phẩm du lịch - Ảnh 3.

Show thực cảnh “Ký ức Hội An”.

Đa dạng hóa các sản phẩm

Nhằm thu hút du khách, một số đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã chủ động tạo ra các sản phẩm văn hóa. Chẳng hạn, ngoài show thực cảnh “Ký ức Hội An”, đảo Ký ức Hội An đã ra mắt 20 minishow mới, tăng thêm trải nghiệm độc đáo về văn hóa và lịch sử cho du khách, mỗi minishow mang tới một câu chuyện riêng như: “Chuyện tình Bà chúa Tằm Tang”, “Rước nước”, “Tiên nữ”, “Múa lụa”, “Đám cưới Công chúa Ngọc Hoa”, “Trại Hò đánh hổ”, “Tuyển tướng”…

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc, bà Võ Ngọc Anh – Tổng Giám đốc FVG Travel, đại diện Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang cho biết, từ tháng 7/2022, điệu múa Tung tung da dá được biểu diễn lúc 19 giờ 30 các tối cuối tuần tại khu du lịch này nhằm góp phần gìn giữ, quảng bá nét đẹp văn hóa của đồng bào Cơ Tu sống ở vùng núi rừng Trường Sơn.

“Từ khi chính thức vận hành, Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang đã tổ chức nhiều hoạt động lễ hội mang tính trải nghiệm như lễ mừng lúa mới, lễ dựng làng, dựng nhà Gươl… Du khách có thể mặc trang phục thổ cẩm và hòa mình vào giai điệu Tung tung da dá; trải nghiệm ẩm thực cùng người dân địa phương với những món ăn như cơm lam, thịt nướng, cá nướng ống tre, hay thưởng thức những đặc sản mang hương vị núi rừng như rượu cần, rượu Tà Vạt…

Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho du khách với nhiều nghề như đan lát mây tre và dệt thổ cẩm, do những nghệ nhân bản địa biểu diễn. Du khách có thể tham gia làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ thông qua hướng dẫn của nghệ nhân”, bà Ngọc Anh thông tin.

Bên cạnh đó, dựa trên điều kiện tài nguyên là di sản và văn hóa, tỉnh Quảng Nam cũng xây dựng thêm nhiều sản phẩm mới phù hợp với chủ đề “Quảng Nam – Điểm đến du lịch xanh” của Năm Du lịch quốc gia 2022, như sản phẩm du lịch trải nghiệm sâm Ngọc Linh (huyện Nam Trà My); lễ hội trái cây (huyện Tiên Phước); Làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú – Gò Nổi (thị xã Điện Bàn); du lịch sinh thái, gắn với cuộc sống văn hóa đồng bào dân tộc ở Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang…

Ông Nguyễn Thanh Hồng cho rằng, tỉnh Quảng Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

“Hiện nay, mặc dù Nhà nước ban hành nhiều cơ chế, chính sách để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, nhưng nguồn lực đầu tư vẫn chưa đồng bộ (kinh tế, nhân lực chưa đáp ứng). Bước đầu chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, trong khi các địa phương khác chưa có nhiều sản phẩm. Tôi cho rằng, sắp tới, tỉnh Quảng Nam cần mời gọi các nhà đầu tư hơn nữa, tập trung nguồn nhân lực có trình độ để phục vụ các dự án lớn liên quan ngành công nghiệp văn hóa”, ông Hồng nói.

Theo thông tin của Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam, từ thời điểm các chuyến bay thương mại quốc tế mở cửa vào giữa tháng 3/2022 đến hết tháng 10/2022, địa phương này đã đón hơn 4,4 triệu lượt khách. Trong đó, khách nội địa hơn 3,93 triệu lượt, khách quốc tế hơn 464.700 lượt.

Riêng TP Hội An trong những tháng cuối năm trung bình mỗi ngày đón khoảng 5.000 – 6.000 du khách đến tham quan du lịch, trong đó có khoảng 2.000 khách mua vé tham quan khu phố cổ.

Đức Hoàng

Nguồn: https://toquoc.vn/quang-nam-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-gan-voi-cac-san-pham-du-lich-20221205092309396.htm