Thời sựTin mới nhất

Quên mang Giấy chứng nhận bảo hiểm khi lái xe, có bị phạt?

Ảnh minh họa

Tôi có mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và đang còn hiệu lực. Nếu khi lái xe tôi quên mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm này thì có bị xử phạt hay không?

 

Hỏi: Tôi có mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và đang còn hiệu lực. Nếu khi lái xe tôi quên mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm này thì có bị xử phạt hay không?

Thanh Tùng (Hà Nội)

 

 

Về vấn đề này, Luật sư Phạm Thanh Hữu, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT tư vấn như sau:

Theo điểm d khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Căn cứ vào quy định nêu trên, dù có Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực nhưng quên mang theo khi lái xe vẫn bị xử phạt như trường hợp không có Giấy chứng nhận bảo hiểm. Tùy vào loại phương tiện điều khiển mà người vi phạm sẽ bị xử phạt như sau:

Trường hợp 1: Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng, theo điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

Trường hợp 2: Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng, theo điểm b khoản 4 Điều 21 Nghị định 100/2019).

Đồng thời, căn cứ khoản 4 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020), mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được thấp hơn mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.

Như vậy, mức phạt cụ thể (nếu không có tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng) đối với trường hợp 1, trường hợp 2 nêu trên lần lượt là 150.000 đồng và 500.000 đồng.

Nguồn: https://phunuvietnam.vn/quen-mang-giay-chung-nhan-bao-hiem-khi-lai-xe-co-bi-phat-20220728120518753.htm