Tin mới nhất

Thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế, vì sao chưa xử lý được triệt để?

Gần như suốt cả năm, Bộ Y tế và các bệnh viện phải loay hoay tìm cách giải quyết khiến trên diễn đàn Quốc hội, có đại biểu nêu câu hỏi: có quốc gia nào khốn khổ trong đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế như ở nước ta không? Vì sao chưa xử lý triệt được để tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế?

4 tháng trước đây, trong bối cảnh thiếu thuốc nghiêm trọng, các bệnh viện công lập và người bệnh vui mừng trước thông tin Trung tâm Đấu thầu mua sắm tập trung quốc gia thuộc Bộ Y tế công bố kết quả 3 gói thầu mua sắm thuốc đến năm 2023. Dù chậm 8 tháng so với kế hoạch nhưng 3 gói thầu tổng giá trị gần 6.300 tỉ đồng này đáp ứng được sự mong chờ, ngóng đợi của cả hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc. Vậy nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”. Việc đấu thầu đã xong, kết quả cũng đã được công bố nhưng tình trạng thiếu thuốc vẫn xảy ra, khiến cả thầy thuốc và bệnh nhân đều ngơ ngác.

 “Tôi thấy báo chí nói là đã tổ chức thành công đấu thầu thuốc nhưng thực tế là khi đưa người nhà vào viện, tôi vẫn phải đi mua 1 số loại thuốc bên ngoài…

Thiếu thuốc thì các y, bác sĩ và lãnh đạo bệnh viện rất khổ tâm vì rất khó giải thích cho người bệnh. Nếu tình trạng này còn kéo dài thì bệnh nhân là những người thiệt thòi nhất …”

Nguyên nhân của tình trạng thiếu thuốc “hậu đấu thầu” là do nhiều mặt hàng thuốc đã trúng thầu, nhưng chưa có sẵn trong kho hoặc không đủ thuốc để cung ứng. Nghịch lý ở chỗ, doanh nghiệp phải chứng minh số thuốc tồn kho đủ để cung ứng khi trúng thầu. Nhưng 1 số loại thuốc chỉ bán được qua kênh đấu thầu, mà chưa biết có trúng hay không nên  không ai dám mua vì nếu mua trước mà trượt thầu thì biết bán cho ai? Hơn nữa, thời gian đấu thầu thường kéo dài từ 6-8 tháng nên khi đấu thầu xong, hạn dùng của thuốc còn ngắn, nếu trúng thầu cũng khó đáp ứng được yêu cầu về hạn dùng.

Theo ông Lê Đình Thanh Sơn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, cũng chính vì vòng luẩn quẩn như vừa nêu mà thời gian qua, đơn vị đã phải thực hiện nhiều phiên đấu thầu lại. “Một số mặt hàn thuốc bị đứt gãy chuỗi cung ứng do 2 năm đại dịch triền miên. Triển khai đấu thầu, có khi 1.000 mặt hàngchỉ có 500 mặt hàng trúng thầu thôi. Cứ thất bại là lại phải tổ chức đấu thầu tiếp. Chúng tôi đã tổ chức 2 phiên đấu thầu và đang phải triển khai đấu thầu bổ sung gói vật tư, hóa chất”.

Quy định về đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế không rõ ràng, tùy theo cách vận dụng hoặc trong tình trạng nay đúng, mai sai đã khiến các bệnh viện tuyến trung ương, Sở Y tế tỉnh thành phố và bệnh viện tuyến dưới phải chật vật với các phiên đấu thầu trong 1 năm qua. Có những bệnh viện chào thầu công khai hàng tháng, nhưng không doanh nghiệp nào nộp hồ sơ vì chuỗi cung ứng thuốc vẫn chưa “hồi phục” sau đại dịch Covid-19. Không phải lúc nào cũng có sẵn thuốc để cung ứng hoặc lợi nhuận không cao nên doanh nghiệp thờ ơ. Trong khi đó theo quy định hiện hành thì phải có 3 báo giá của 3 đơn vị khác nhau mới đảm bảo khách quan cho phiên đấu thầu. Ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và ông Nguyễn Đức Long, Giám đốc Bệnh viện Xanh-pôn (Hà Nội) chia sẻ, trong tình trạng cấp bách, bệnh viện buộc phải tiến hành đấu thầu, dù không dám chắc việc thực hiện có bị sai luật hay không.

“Nếu cứ theo quy định hiện hành thì liệu có thể đấu thầu mua được những thiết bị y tế lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam không, khi cứ đòi 3 báo giá, ai kiểm định được giá đó, đã mua bán bao giờ đâu mà có 3 báo giá. Chỉ có 1 hãng bán thiết bị đó thì lấy đâu ra 3 báo giá”- ông Cơ nói.

“Theo quy định chưa đủ điều kiện để  thực hiện đấu thầu, nhưng chúng tôi thực sự cần thuốc để cứu người bệnh nên vẫn phải mua. Chẳng hạn như trong đợt dịch sốt xuất huyết phải mua thuốc để kịp thời cứu sống bệnh nhân, nhưng không đủ 3 báo giá nhưng vẫn phải thực hiện và Hội đồng đấu thầu chỉ còn biết viết trong biên bản là cam kết không trục lợi trong tất cả các khâu”- ông Long nói.

Nhìn nhận những bất cập trong hành lang pháp lý, ông Hoàng Cương, Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, những vướng mắc hiện nay chủ yếu “nằm” ở các Nghị định của Chính phủ và những văn bản dưới luật do chính Bộ Y tế và các bộ liên quan ban hành.   

 “Nghị định 98 vừa ban hành năm 2021, trong đó đưa ra những quy định gây khó khăn, vướng mắc. Nghị định 98 và Thông tư 14, 15 đều đưa ra nguyên tắc: giá không được vượt giá trúng thầu của vòng 12 tháng trước đó, đối với thuốc. Không được mua bán thiết bị y tế cao hơn giá kê khai tại thời điểm mua bán, mà chúng ta không xác định được thời điểm mua bán là thời điểm nào, lúc phê duyệt kế hoạch, lúc tham dự thầu, lúc trúng thầu, lúc ký hợp đồng hay lúc bàn giao hành hay lúc thanh toán? Không rõ ràng để xác định”- ông Cương nói.

Hiện Luật đấu thầu sửa đổi đang chờ được Quốc hội thông qua. Bộ Y tế đang tham gia Ban soạn thảo sửa đổi một số nghị định, thông tư nhằm tháo gỡ những khó khăn trong đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Trong đó có việc sửa Nghị định 98 để có thể bỏ quy định giá mua phải thấp hơn giá trúng thầu trong 12 tháng trước đó do không phù hợp với kinh tế thị trường. Nhưng bên cạnh đó có những quy định đang rơi vào bế tắc khi thảo luận để sửa đổi, như quy định giá trúng thầu không được cao hơn giá kê khai, niêm yết. Hiện việc kê khai, niêm yết giá là trách nhiệm của doanh nghiệp, trong khi cơ quan chức năng chưa có biện pháp nào quản lý.  

Cho dù có sửa đổi hành lang pháp lý thì đấu thầu cũng chỉ là phương tiện, không phải là mục đích cuối cùng. Tại nghị trường kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá 15, bà Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh nêu câu hỏi: “Có quốc gia nào trên thế giới mà đấu thầu khốn khổ như chúng ta hay không? Tại các bệnh viện tư nhân thì họ mua sắm như thế nào? Tôi thấy vấn đề này cũng liên quan mật thiết đến vấn đề tự chủ bệnh viện vì nếu bệnh viện được tự chủ về tài chính, được quyền quyết định mua thuốc nào miễn là đáp ứng được yêu cầu điều trị của người dân. Chúng ta có thể kiểm soát bằng hình thức tổng mức thanh toán, chi trả theo định suất…”.

Rõ ràng những quy định về đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đã cho thấy những bất cập, không còn phù hợp với tình hình thực tế. Dù cố gắng đưa ra những “hàng rào” để các cuộc đấu thầu diễn ra khách quan, nhưng nếu thuốc giá rẻ trúng thầu nhiều khi lại đáng lo ngại hơn là việc chỉ định thầu. Thay vì quy định các biện pháp phi thị trường trong hành lang pháp lý, cần tăng cường quản lý đầu vào, cắt được đường đi lòng vòng của thuốc để giá không bị đẩy lên cao. Theo các chuyên gia, chỉ khi nào thuốc, vật tư y tế được coi là mặt hàng đặc biệt với những quy định đặc thù thì mới có thể có những biện pháp phù hợp để kiểm soát giá, chất lượng, khắc phục được triệt để tình trạng thiếu thuốc phục vụ điều trị./.

Nguồn: Vov