Tin mới nhất

TỐC ĐỘ CHUYỂN ĐỔI SỐ HẠN CHẾ

Báo cáo tham luận tại hội nghị, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM (TTTT) Lâm Đình Thắng thẳng thắn nhìn nhận nhiều rào cản làm hạn chế tốc độ chuyển đổi số dù thành phố từng đi đầu cả nước trong khởi động Chương trình chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh.

“Hàng loạt ứng dụng công nghệ thông tin được phát triển nhưng quy trình công việc ở nhiều nơi không thay đổi, quyết định được đưa ra vẫn dựa trên báo cáo định tính chứ không phải dựa trên dữ liệu chuẩn xác, đáng tin cậy và theo thời gian thực”, Giám đốc Sở TTTT nhìn nhận.

Nhận thức về chuyển đổi số chưa được thống nhất trong các ngành, các cấp của chính quyền thành phố. Giấy phép điện tử ngành này cấp vẫn không được ngành khác chấp nhận. Doanh nghiệp lẽ ra chỉ cần một giấy phép điện tử, nay phải cần đến 2 loại là giấy phép điện tử và giấy phép có “tên đề, dấu đóng”.

 
di chung hau Covid-19 anh 2

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng. Ảnh: Chí Hùng.

Để chuyển đổi số, Giám đốc Lâm Đình Thắng đưa ra nhiều giải pháp như xây dựng chính quyền số, triển khai một ứng dụng di động thống nhất nhằm nâng cao sự tương tác giữa chính quyền và người dân; phát triển hạ tầng viễn thông…

Đáng chú ý, Sở TTTT nhận định trong quá trình chuyển đổi số sẽ có một bộ phận vì nhiều điều kiện có khả năng không theo kịp sự chuyển động chung của xã hội, trong đó có người nghèo. TP.HCM hiện có hơn 144.000 người nghèo, một số người không nhỏ không có điện thoại thông minh.

Do đó, ông Thắng cho rằng cần một chương trình hỗ trợ điện thoại thông minh cho người nghèo, người có thu nhập thấp, người có hoàn cảnh khó khăn để không ai bị bỏ lại phía sau và tạo điều kiện để phát triển công dân số, xã hội số. Sở TTTT và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp khảo sát, xây dựng chương trình hỗ trợ điện thoại thông minh cho khoảng 50-70% người nghèo chưa có điện thoại thông minh trong năm 2022.

Nguồn: Zing.vn