Tin mới nhất

Tôm nuôi chết hàng loạt

Thời tiết diễn biến phức tạp, nhất là lạnh đột ngột đã khiến tôm thẻ chân trắng bị bệnh, chết hàng loạt ở nhiều vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh. Ngành thủy sản khuyến cáo người nuôi tôm thận trọng để hạn chế lây lan bệnh thành dịch.

Bệnh hồng thân khiến tôm nuôi chết hàng loạt trên địa bàn tỉnh. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Bệnh hồng thân khiến tôm nuôi chết hàng loạt trên địa bàn tỉnh. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Tôm chết trên diện rộng

Tôm thẻ chân trắng được nhiều nông dân thả nuôi ở vùng triều ven sông Trường Giang từ cầu Tam Thanh đến cầu Tỉnh Thủy (Tam Kỳ) chết hàng loạt trong những ngày qua.

“Ban đầu tôm yếu, biếng ăn, lờ đờ tấp vào bờ ao nuôi. Ngay sau đó, trên thân tôm xuất hiện màu hồng, ban đầu là đốm nhỏ rồi lan nhanh phủ khắp toàn thân. Tôi phát hiện sớm nhưng không thể xoay xở được gì cho tôm nuôi vì bệnh hồng thân chưa có thuốc chữa” – ông Nguyễn Mạnh Tiến (một người nuôi tôm với diện tích 2.000m2 ở thôn Quý Ngọc, xã Tam Phú, Tam Kỳ) nói. Tôm chết sau hơn 1 tháng thả nuôi khiến ông Tiến thua lỗ hàng chục triệu đồng.

Chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng chống dịch bệnh trên động vật nuôi và thủy sản mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, dịch bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh trên thủy sản nuôi. Bởi vậy, ngành thủy sản cần theo dõi, dự báo tình hình kịp thời, có kịch bản ứng phó hiệu quả. Các địa phương, ngành thủy sản cần tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng các vùng nuôi thủy sản; cung ứng con giống chất lượng tốt, kiểm dịch các loại bệnh nguy hiểm; kiểm tra, giám sát chặt về thức ăn, vật tư thủy sản phục vụ nuôi tôm; phổ biến các quy trình kỹ thuật nuôi tôm tiên tiến để các nông hộ ứng dụng, hạn chế dịch bệnh.

Ông Ngô Lê Hoàng Vũ (cán bộ phụ trách nông nghiệp của UBND xã Tam Phú) cho biết, tính đến chiều 16.2, trong tổng diện tích thả nuôi tôm vụ 1 năm 2022 của địa phương là 80ha, đã có hơn

50ha tôm thẻ chân trắng chết hàng loạt, chủ yếu là bệnh hồng thân. “Bệnh hồng thân xuất hiện trên tôm do nhiều nguyên nhân như nhiễm khuẩn, môi trường và vi rút. Bệnh này chỉ có thể phòng chứ chưa chữa được nên khi nhiễm là tôm chết. Chúng tôi chờ ngành thủy sản cấp phát Sodium Chlorite 20% để xử lý” – ông Vũ nói.

Ông Mai Huy Chương (cán bộ phụ trách nông nghiệp của UBND xã Tam Thăng, Tam Kỳ) cho biết, tính đến chiều 16.2, địa phương có 42ha tôm nuôi chết hàng loạt. Tôm chết nhiều do các bệnh hồng thân và đốm trắng.

Nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn thôn Kim Đới đã treo ao, chờ thời tiết thuận lợi mới cải tạo lại ao nuôi để đầu tư tái vụ.

Tại huyện Duy Xuyên, ông Trần Châu Giang – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện cũng cho biết, tôm nuôi đã chết hàng loạt với tổng diện tích hơn 25ha ở các xã Duy Vinh, Duy Thành, Duy Nghĩa.

Khoanh vùng để xử lý

Bà Hoàng Thị Kim Yến – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y cho rằng, qua lấy các mẫu tôm nuôi bị bệnh trên địa bàn tỉnh, đã xác định các bệnh nguy hại là đốm trắng và hồng thân. Để hạn chế phát tán mạnh các bệnh trên tôm nuôi, cốt lõi là phải khoanh vùng để xử lý.

Ngành chăn nuôi & thú y đã phát Sodium Chlorite 20% cho huyện Duy Xuyên và sắp tới sẽ là các địa phương khác. Đề nghị các phòng nông nghiệp ở các địa phương cấp hóa chất và hướng dẫn người nuôi tôm xử lý triệt để các yếu tố mầm bệnh trong ao nuôi tôm bị bệnh, không xả thải ra bên ngoài.

Nuôi tôm đang bước vào vụ 1 nhưng nếu thấy tình hình bệnh trên tôm nuôi diễn biến thất thường thì ngành nông nghiêp cấp huyện cần chủ động khuyến cáo người dân lùi thời gian thả giống cho đến khi ổn định.

“Các hộ nuôi tôm không xả tôm chết ra bên ngoài và xử lý Sodium Chlotite 20% với nồng độ 30kg/1.000m3 nước” – bà Hoàng Thị Kim Yến nói.

Ông Trần Châu Giang cho rằng, với diễn biến bệnh diễn ra quá nhanh trên tôm nuôi, cần phải ngưng vụ 1 nuôi tôm thẻ chân trắng một thời gian để hạn chế thiệt hại cho nông dân.

Trước hết, các hộ đang nuôi tôm cần thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường nước như pH, kiềm, oxy hòa tan, màu nước để quản lý chặt nuôi trường nước trong ao nuôi tôm. Cùng với đó, bổ sung khoáng chất, vitamin để tăng sức đề kháng cho tôm nuôi, giảm thiểu nguy cơ phát sinh bệnh.

“Chúng tôi yêu cầu các hộ nuôi tôm khi phát hiện tình trạng sức khỏe của tôm nuôi có diễn biến lạ, khác thường ngày thì báo ngay cho cán bộ thủy sản để được hướng dẫn các biện pháp phòng chống kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại” – ông Trần Châu Giang nói.

VIỆT NGUYỄN