Tin mới nhất

Tư lệnh ngành GTVT giải trình hàng loạt vấn đề nóng

Thứ Sáu, ngày 10/06/2022 09:40 AM (GMT+7)

Tình trạng giá nguyên vật liệu tăng cao, khan hiếm vật liệu xây dựng là một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm.

Ngày 9-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn của đại biểu (ĐB) về lĩnh vực quản lý. Cùng ngày, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đăng đàn làm rõ một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn.

Không đáp ứng kịp về công nghệ

Trả lời câu hỏi của ĐB Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) về nguyên nhân dự án thu phí không dừng chậm tiến độ 3 năm, liên tục xin lùi thời hạn dù đã triển khai từ năm 2015, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay có nhiều vướng mắc, khó khăn liên quan đến thói quen của người dân, công nghệ mới hay một số sai sót về kỹ thuật… Bộ trưởng khẳng định việc áp dụng thu phí không dừng giúp đi lại thuận lợi, công khai, minh bạch và cho biết đã có 69% phương tiện được dán thẻ thu phí, tương đương khoảng 3,2 triệu thẻ.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, với hơn 113 trạm thu phí trên cả nước, hiện không thể đáp ứng kịp về ứng dụng công nghệ. Đến năm 2019, cơ bản các dự án BOT đã có ít nhất 2 làn thu phí không dừng. Tuy nhiên, còn 28 trạm thu phí của Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chưa triển khai xong việc thu phí không dừng do vướng mắc về tái cơ cấu, vừa mới giải quyết xong về cơ chế. “Đến ngày 30-6, nếu các trạm BOT không thuộc VEC chưa hoàn thiện triển khai thu phí không dừng thì chúng tôi sẽ yêu cầu dừng thu phí, khi nào hoàn thiện xong thì mới cho thu phí lại. Riêng với các trạm thuộc VEC, đến ngày 31-7 nếu không hoàn thành thu phí không dừng thì cũng phải xả trạm” – Bộ trưởng khẳng định.

Tư lệnh ngành GTVT giải trình hàng loạt vấn đề nóng - 1

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu và trả lời chất vấn Ảnh: Nguyễn Nam

Trong phần tranh luận, ĐB Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) nhắc lại ông đã từng chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể về triển khai thu phí không dừng. Thời điểm đó, Bộ trưởng hứa đến cuối năm 2019 sẽ hoàn thành trên phạm vi toàn quốc, song không đạt tiến độ. ĐB Trí đặt vấn đề: “Việc chần chừ triển khai liệu có lợi ích nhóm hay gian lận ở đây, khi không muốn minh bạch hoạt động thu phí?”. Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết thu phí không dừng là vấn đề liên quan tới người dân. Các cơ quan chức năng, kể cả Bộ Công an, rất quan tâm vấn đề có “lợi ích nhóm” hay không và hiện chưa phát hiện “lợi ích nhóm”. Nếu cá nhân nào vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Dự án chậm do giá vật liệu tăng?

Tình trạng giá nguyên vật liệu tăng cao, khan hiếm vật liệu xây dựng là một trong những nội dung được các ĐB quan tâm bởi nguy cơ ảnh hưởng đến các công trình giao thông trọng điểm đang triển khai.

Theo ĐB Trần Quang Minh (Quảng Bình), trong thời gian tới, cả nước sẽ triển khai 6 dự án trọng điểm về giao thông đường bộ; chưa kể nhiều công trình, dự án đang triển khai ở một số địa phương. Việc này đòi hỏi nhu cầu lớn về vật liệu xây dựng và có khả năng gây ra khan hiếm, tăng giá vật liệu. “Bộ trưởng đã tính toán và có phương án xử lý vấn đề này như thế nào?” – ĐB Minh đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ giá xăng dầu tăng cùng với cuộc xung đột Nga – Ukraine đã khiến giá nguyên vật liệu xây dựng tăng đột biến. Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ về vấn đề này và tổ chức kiểm tra ở các công trường. Theo quy định hiện hành, các địa phương thông báo giá vật liệu theo quý; song thực tế, có 37 địa phương thông báo giá theo tháng. Lãnh đạo Bộ GTVT cũng đã đề nghị các địa phương thông báo giá mỗi tháng một lần để cập nhật biến động và kịp thời điều chỉnh giá các dự án lớn.

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý có ý kiến cho rằng tiến độ một số công trình trọng điểm quốc gia chậm do giá nguyên vật liệu tăng. “Giá nguyên liệu tăng, nếu nhà thầu làm thì không đủ tài chính. Nhưng như Bộ trưởng nói thì các hợp đồng xây lắp đều có cơ chế điều chỉnh giá. Vậy chậm do thủ tục và quy trình điều chỉnh hay các nhà thầu thiệt thòi gì nên không làm? Giải pháp sắp tới thế nào?” – Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi và yêu cầu thực hiện một cách tường minh, tránh hiểu nhầm.

Phản hồi, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định tất cả dự án, trong đó có dự án lớn, đều có cơ chế điều chỉnh giá. Tuy nhiên, Bộ trưởng đặt vấn đề sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong điều chỉnh biến động giá có kịp thời hay không? Bởi vì, khi nhà thầu mua xăng dầu, nguyên vật liệu, vận chuyển thì giá cao nhưng đến khi nghiệm thu, thanh quyết toán thì giá lại xuống thấp. Do đó, Bộ trưởng lưu ý sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để bảo đảm công bằng với nhà thầu. “Việc thanh quyết toán sẽ căn cứ vào thông báo giá của địa phương” – ông Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Riêng với tuyến cao tốc Bắc – Nam, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết các dự án ở khu vực miền Trung và miền Đông Nam Bộ đều lập hồ sơ về các mỏ vật liệu để bảo đảm bổ sung hệ thống mỏ dọc theo các dự án đang triển khai. Đồng thời, bộ sẽ báo cáo với Chính phủ, làm việc với tỉnh An Giang, tỉnh Đồng Tháp về việc khai thác mỏ cát, hỗ trợ các địa phương khác. “Dự án đường cao tốc Bắc – Nam đến thời điểm hiện tại bảo đảm tiến độ đề ra” – người đứng đầu ngành GTVT thông tin.

Cũng liên quan các dự án giao thông quan trọng, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể về việc phân bổ cao tốc không đồng đều giữa các vùng miền. Đặc biệt, có tình trạng “trắng” cao tốc tại các vùng kinh tế động lực như Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ hay vùng có vị trí chính trị quan trọng như Tây Nguyên…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Trung ương và Chính phủ đã nhận diện vấn đề này. Chính phủ đặt mục tiêu làm 5.000 km đường cao tốc để cân đối và khai thác tiềm năng các vùng miền. Với ĐBSCL – khu vực luôn được phản ánh về hệ thống cao tốc yếu kém, thu hút đầu tư khó khăn – Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ làm đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng. Ngoài ra, dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có ý nghĩa lớn cho cả tuyến Đông Nam Bộ; còn tuyến cao tốc từ Tây Nguyên xuống Nam Vân Phong (Khánh Hòa) sẽ góp phần phát triển khu vực này theo hướng công nghiệp.

Không “khai tử” môn lịch sử

Chiều cùng ngày, sau khi kết thúc phần chất vấn các trưởng ngành, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã đăng đàn làm rõ các vấn đề ĐB Quốc hội nêu và trả lời chất vấn.

Báo cáo trước Quốc hội về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết đến hết tháng 5-2022, đã giải ngân được khoảng 33.500 tỉ đồng. “Tiếp thu ý kiến của các ĐB tại kỳ họp này, Chính phủ, Thủ tướng sẽ tập trung chỉ đạo các bộ, cơ quan khắc phục mọi khó khăn, triển khai chương trình nhanh hơn và hiệu quả, thực chất hơn” – Phó Thủ tướng khẳng định.

Tham gia chất vấn Phó Thủ tướng, ĐB Quàng Thị Nguyệt (Điện Biên) cho hay cử tri và xã hội quan tâm, có ý kiến khác nhau về thông tin môn lịch sử sẽ là môn tự chọn trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. ĐB Nguyệt đề nghị Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã có chỉ đạo gì về vấn đề này? Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng trong giáo dục, cần cơ bản bảo đảm cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng. Trong đó, lịch sử là môn bắt buộc và được bố trí là bộ môn trong tổ hợp khoa học – xã hội. Phó Thủ tướng khẳng định việc cử tri cho rằng môn lịch sử là môn lựa chọn, dẫn đến việc “khai tử” môn lịch sử, là không đúng.

Phó Thủ tướng cũng cho hay Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo lắng nghe ý kiến của cử tri, ý kiến của các ĐB, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam liên quan đến chương trình giáo dục môn lịch sử cấp THPT; tổ chức hội thảo để thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện, đề xuất phương án phù hợp, bảo đảm việc học tập môn lịch sử luôn được tăng cường và chú trọng. 

Ngày 10-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, dự án đường Vành đai 3 TP HCM; chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Biên Hòa – Vũng Tàu.

Không né tránh vấn đề khó, phức tạp

Sau 2,5 ngày diễn ra phiên chất vấn, đã có 266 lượt ĐB đăng ký chất vấn, có 131 lượt ĐB thực hiện quyền chất vấn, 28 lượt ĐB tranh luận.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá tại phiên chất vấn lần này, các bộ trưởng, trưởng ngành đã thể hiện bản lĩnh, nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực mình phụ trách; thẳng thắn, không vòng vo; không né tránh nhiều vấn đề khó, phức tạp. Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, các Phó Thủ tướng và một số bộ trưởng đã tham gia giải trình, làm rõ thêm nhiều vấn đề ĐB quan tâm.

Sau kỳ họp này, Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa, tạo chuyển biến tích cực, rõ rệt đối với những vấn đề vừa được chất vấn.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/tu-lenh-nganh-gtvt-giai-trinh-hang-loat-van-de-nong-20220609221749312…

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Gói hồi phục kinh tế đã thực hiện được 33.500 tỉ đồng

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội đã thực hiện được 33,5 ngàn tỉ đồng, trong đó chủ yếu là miễn, giảm các loại thuế phí.

Nguồn: 24h