Tin mới nhất

Vì sao phương tiện hành nghề y trong bệnh viện công còn thiếu thốn, lạc hậu?

Nhìn thẳng vào hạn chế

Đây là ý kiến được lãnh đạo BV Bạch Mai đưa ra khi làm việc mới đây với Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Và chắc chắn đây không chỉ là những trăn trở của riêng BV Bạch Mai.

Trong khi đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến “Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững” diễn ra cuối tuần qua, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những bất cập hiện nay của ngành y tế. Theo báo cáo của 34 Sở Y tế và 21 Bệnh viện tuyến Trung ương, hiện có 28 Sở Y tế, 12 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc; 26 Sở Y tế, 15 bệnh viện tuyến Trung ương thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất; 14 Sở Y tế, 8 bệnh viện tuyến Trung ương thiếu trang thiết bị y tế.

Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng chỉ ra nhiều bất cập khác như, hệ thống y tế dự phòng hiện còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là tại tuyến y tế cơ sở; tình trạng quá tải vẫn chưa được giải quyết triệt để ở các bệnh viện tuyến cuối. Giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, chưa tính đúng, đủ chi phí thực tế, gây ảnh hưởng đến hạch toán thu chi của các cơ sở khám, chữa bệnh; nhất là trong bối cảnh các bệnh viện thực hiện theo cơ chế tự chủ. Việc đổi mới phương thức chi trả theo nhóm chẩn đoán, theo định suất, chậm được thực hiện. Đặc biệt, vừa qua đã xảy ra tình trạng nhân viên y tế bỏ việc, nghỉ việc tại các cơ sở y tế công lập. 

Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, thời gian tới, ngành Y tế cần tập trung giải quyết cả những tồn tại trước mắt như: Đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh cấp phép thuốc, trang thiết bị y tế…; song song với đó là giải quyết các vấn đề mang tính lâu dài như: Hoàn thiện thể chế, chính sách; đổi mới tài chính y tế; đầu tư phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở…

Đồng thời, tập trung công tác xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mua sắm, đấu thầu, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu; xã hội hóa, quản trị đơn vị sự nghiệp công.

Kiến nghị từ bệnh viện

Tại cuộc làm việc với Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, 15 năm qua, bệnh viện thực hiện cơ chế liên doanh, liên kết, khi dừng các hợp đồng về liên doanh liên kết thì nguồn thu của bệnh viện bị giảm nặng. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến số lượng bệnh nhân tới khám thường quy tại viện năm 2020 và 2021 giảm còn một nửa so với các năm trước, nguồn thu của bệnh viện 2020 -2021 mỗi năm giảm 2.000 tỷ, ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống của nhân viên và hoạt động chuyên môn.

Theo lãnh đạo BV Bạch Mai, về đầu tư mua sắm, thiết bị, bệnh viện đã đấu thầu gói thầu, mặc dù khó khăn nhưng hiện không bị thiếu thuốc và thiết yếu. Tuy nhiên, vẫn thiếu một số thuốc nhất định do đứt chuỗi cung ứng và các nhà thầu không cung ứng được. Bệnh viện cũng đang thiếu khoảng 30% hóa chất xét nghiệm, vật tư tiêu hao.

Lãnh đạo BV Bạch Mai đề nghị Bộ Y tế ban hành khung giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu tính đủ các yếu tố chi phí hình thành giá dịch vụ khám chữa bệnh, có tích lũy và phù hợp với mặt bằng giá thị trường trên cơ sở tham khảo giá của các bệnh viện tư nhân và các bệnh viện có vốn đầu tư ở nước ngoài tại Việt Nam, để bệnh viện được quyết định giá dịch vụ y tế đối với dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu trong phạm vi khung giá do Bộ Y tế ban hành. Trong khi chờ Bộ Y tế ban hành khung giá dịch vụ theo yêu cầu, Bệnh viện kiến nghị Bộ Y tế cho phép áp dụng giá tương đương theo khung trần giá dịch vụ theo yêu cầu của một số đơn vị đồng hạng trong ngành.

Đặc biệt, kiến nghị Bộ Y tế có ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền để tìm phương án tháo gỡ cho phép sử dụng các máy xã hội hoá, liên doanh liên kết để kịp thời phục vụ người bệnh. Có phương án khả thi tháo gỡ các vướng mắc trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư trang thiết bị y tế. 

Tại Hội nghị trực tuyến “Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững” do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, đại diện cho các Bệnh viện tuyến TW, Giám đốc BV Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức cho biết, hiện nay các bệnh viện đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng giá dự toán. Giá dự toán chỉ tính được khi lập kế hoạch đấu thầu. Nếu theo Thông tư 58/ TT- BTC năm 2016 của Bộ Tài chính sau khi phê duyệt giá dự toán mua sắm rồi mới lập kế hoạch đấu thầu thì các bệnh viện không thể làm được.

Thực tế, thuốc là loại hàng hóa đặc biệt có nhiều đặc tính kỹ thuật khác nhau, được phân chia nhiều nhóm khác nhau theo Thông tư 15/2019/TT-BYT, mỗi nhóm kỹ thuật có đơn giá khác nhau. Theo đó, phải đến giai đoạn xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm thì mới xác định được nhóm kỹ thuật của thuốc phù hợp với nhu cầu điều trị, giai đoạn này bệnh viện mới xác định được đơn giá của thuốc, vật tư y tế, hóa chất theo từng nhóm kỹ thuật. Như vậy việc phê duyệt giá dự toán mua sắm thuốc không thể thực hiện được.

“Vì vậy kiến nghị ở giai đoạn lập dự toán mua sắm không bắt buộc phải xây dựng đơn giá chi tiết theo từng dấu kỹ thuật hoặc nên bổ sung vào Thông tư hướng dẫn xác định dự toán mua sắm thuốc cho phép các bệnh viện được xây dựng đơn giá dự toán theo dấu kỹ thuật bằng với giá bình quân mua sắm năm trước liền kề, hoặc sử dụng giá bình quân của các báo giá được xác lập trong giai đoạn xây dựng toán mua sắm”, Giám đốc BV Chợ Rẫy nói./.

Nguồn: Vov