An ninh - Trật tự - Pháp luậtThời sựTin mới nhất

Xử lý rác thải xây dựng ở Đà Nẵng: Vừa thông đã… tắc

Tuyến đường Thăng Long ven sông Cẩm Lệ nhức nhối với vấn nạn đổ rác thải xây dựng.

Tái phát nạn đổ trộm rác xây dựng

Nhu cầu xây dựng nhà ở và các công trình trên địa bàn Đà Nẵng hiện rất lớn, phát sinh hàng trăm khối rác thải xây dựng mỗi ngày. Chi phí chở xà bần, giá hạ lên bãi rác Khánh Sơn để xử lý theo qui định tốn kém dẫn tới tình trạng đổ trộm, đổ lén trên vỉa hè, khu đất trống thưa vắng dân cư tràn lan, gây nhếch nhác, ô nhiễm.

Thống kê cho thấy, trong tháng 4-2022, vào cao điểm mùa xây dựng, trung bình mỗi ngày có khoảng 400 tấn rác thải xây dựng (khoảng 500 khối) được đưa về bãi rác Khánh Sơn để xử lý. Số lượng này chỉ chiếm khoảng 20-30% tổng số rác thải xây dựng trên toàn TP.

Ghi nhận tại chân cầu Thuận Phước, khu đất trống trên đường Trần Sâm, khu dự án bến du thuyền đều thuộc phường Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà khoảng 50 khối giá hạ, xà bần đã bị đổ trộm thời gian qua. Ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND P.Nại Hiên Đông nói, các đối tượng thường căn giờ đêm khuya, lúc trưa vắng, chọn khu vực thưa thớt dân để đổ trộm giá hạ, xà bần. Trong tuần nghỉ lễ vừa qua, địa phương đã mật phục, xử lý 5 trường hợp.

Tại phường Hòa Thọ Đông, Q.Cẩm Lệ, tuyến đường Thăng Long vắng vẻ, không có camera giám sát cũng trở thành địa điểm “lý tưởng” để các đối tượng lén nút đổ trộm rác thải xây dựng. Mới đây, phường đã mật phục bắt tại trận xe của ông Nguyễn Văn Cảm (SN 1973, trú tỉnh Quảng Ngãi) có hành vi đổ trộm rác thải xây dựng ở tuyến đường Thăng Long, xử phạt 3,5 triệu đồng. Ngay gần đó, Khu dân cư Phong Bắc 4 triển khai dang dở cũng bị biến thành bãi rác thải xây dựng. Điều đáng nói, khi thi công, hàng ngàn khối rác thải xà bần đã không được chủ đầu tư xử lý mà cho gạt phăng san lấp. Cảnh sát môi trường Đà Nẵng cũng đã mật phục và bắt quả tang hành vi đổ trộm rác thải xây dựng trong quá trình thi công san lấp dự án này của đơn vị nhà thầu, hiện đang chờ TP ra quyết định xử phạt.

Ông Cao Đình Hải nói, Nại Hiên Đông địa bàn rộng, đất trống nhiều, do đó bùng phát vấn nạn đổ trộm rác thải xây dựng. Không chỉ các phường ở Sơn Trà mà xe chở xà bần, giá hạ từ Hải Châu cũng qua đổ lén lút. Trước đây, đổ tràn lan, bạt ngàn, hầu như tháng nào phường cũng phải bỏ ra gần 20 triệu đồng để dọn dẹp. Từ khi TP cho phép khu đất trống rộng 1,4 ha ở Nại Hiên Đông, nơi thưa vắng nhà làm bãi tập kết tạm rác thải xây dựng trước khi phân loại, đưa đi xử lý thì tình trạng đổ trộm trên vỉa hè, đất trống giảm rõ rệt. Tuy vậy, do người dân xung quanh bãi phản ứng vì lý do ô nhiễm nên chủ bãi đã tạm dừng, đóng cửa bãi hơn 2 tháng nay. “Khi đóng cửa bãi tạm, xe chở rác xây dựng ùn ùn kéo đến, không vào đổ được, họ lại tìm các khu đất trống gần đó đổ trộm. Vừa rồi, phường đã phải tái lập lại Tổ tìm diệt giá hạ, xà bần, tiến hành mật phục, xử lý, phải giữ lắm chứ không giờ đã phát sinh thêm nhiều bãi đổ trộm rác xây dựng nhếch nhác rồi”- ông Hải chia sẻ.

Dự án Khu dân cư Phong Bắc 4 xây dựng dở dang biến thành bãi tập kết rác thải xà bần.

Phải xử lý từ gốc

Đà Nẵng cho phép một số vị trí đất trống làm bãi tập kết tạm rác thải xây dựng với mục đích gom từ các công trình, phân loại nếu đủ tiêu chuẩn đưa đi san lấp, số còn lại đưa về bãi rác Khánh Sơn xử lý. Yêu cầu của các bãi tạm này phải cam kết đảm bảo môi trường, như có hàng rào tôn, trồng cây, tưới nước, xe chở rác ra vào theo cung đường ít ảnh hưởng tới dân… Theo chủ trương đó, nhiều bãi tập kết tạm rác xây dựng đã được mở ra. Chẳng hạn tại Hải Châu, bãi tập kết tạm rác xây dựng được mở ở khu vực đường Vũ Duy Thanh, Nại Nam 4 (Hòa Cường Bắc). Tương tự tại Hòa Minh, nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh, địa phương đã phải lập 2 bãi tạm ở gần Bệnh viện Ung bướu và khu đô thị Phước Lý.

Theo ông Đinh Hữu Phúc – Chủ tịch UBND P.Hòa Minh, người dân xây nhà cửa không có bãi đổ rác xây dựng nên lén lút đổ quanh các bãi đất trống, hằng tháng phường phải huy động các lực lượng ra quân dọn dẹp, bỏ kinh phí chở lên bãi rác Khánh Sơn. Từ khi có 2 bãi tạm, người dân chở tới đó, tình trạng đổ trộm giảm rõ rệt. Tuy vậy, hiện cả 2 bãi này đều phải tạm dừng do người dân xung quanh phản ứng gay gắt. Địa phương đang tính giải pháp tìm địa điểm mới, xa khu dân cư để làm bãi tập kết tạm. Tương tự, ông Cao Đình Hải cho biết, phường đang vận động chủ bãi tập kết rác xây dựng 1,4 ha mở cửa lại để tiếp nhận rác kèm theo các cam kết bảo vệ môi trường. Vị trí được lựa chọn đó là khu đất rộng, đã thưa dân cư.

Rác thải xây dựng được đổ ngổn ngang bên sân vận động Hòa Xuân.

Theo bà Hồ Thị Cẩm Nhung, Chủ tịch UBND P.Hòa Xuân, Q.Cẩm Lệ, việc xử lý rác thải xây dựng không chỉ là phường đề xuất vị trí rồi kết hợp với doanh nghiệp lập bãi tạm. Việc này cần thống nhất cả TP, phải giải quyết từ gốc. Ngay từ khi người dân làm nhà đã phải ký hợp đồng với công ty thu gom xử lý rác xây dựng (phải có phương án xử lý rác thải trong hồ sơ xin cấp phép xây dựng chứ thả ra như hiện nay thì phường xử lý rất vất vả). Ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết, hầu hết các lô đất trống trên địa bàn các quận, huyện được gắn bản tuyên truyền, lắp đặt camera để giám sát nên mỹ quan đô thị đã được cải thiện nhất định trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, để xử lý căn cơ và khoa học đối với chất thải rắn xây dựng thì Đà Nẵng vẫn đang nghiên cứu. Cụ thể, TP đã phê duyệt đề tài nghiên cứu, đề xuất giải pháp quản lý và mô hình tái chế chất thải rắn xây dựng trên địa bàn với nội dung như nghiên cứu đề xuất điều chỉnh quy hoạch bãi chôn lấp và xử lý chất thải rắn xây dựng; nghiên cứu các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư sản xuất tái chế chất thải rắn xây dựng…

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/xu-ly-rac-thai-xay-dung-o-da-nang-vua-thong-da-tac-post260846.html