Bộ Công Thương xin điều chỉnh giảm hơn 400 tỷ đồng vốn đầu tư công

Bộ Công Thương xin điều chỉnh giảm hơn 400 tỷ đồng vốn đầu tư công

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân vừa ký báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về tình hình giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2022 của đơn vị này và ‘xin trả’ hơn 400 tỷ đồng.

Theo đó, năm 2022, Bộ Công Thương được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch giải ngân vốn đầu công là hơn 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng đầu năm 2022 của Bộ Công Thương mới chỉ đạt gần 20%, đạt tỷ lệ thấp so với bình quân chung của các Bộ, ngành, địa phương.

Trước tình hình này, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 1094 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xin điều chỉnh giảm vốn đầu tư công từ hơn 820 tỷ đồng xuống còn hơn 418,5 tỷ đồng, trong đó có toàn bộ vốn ODA là gần 239,3 tỷ đồng và vốn trong nước hơn 167,3 tỷ đồng.

Bộ Công Thương đã ban hành kế hoạch phân bổ toàn bộ 418,5 tỷ đồng, trong đó 194,6 tỷ đồng thực hiện 28 dự án chuyển tiếp; 220,9 tỷ đồng thực hiện 27 dự án khởi công mới.

Trong báo cáo, Bộ Công Thương liệt kê 9 thủ tục cần triển khai và một số nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân vốn ở mức thấp hơn so với mức trung bình cả nước. Trong đó, nguồn vốn ODA không thể triển khai được do vướng mắc về không lựa chọn đơn vị thẩm định giá thiết bị và còn nhiều thủ tục cần triển khai.

Bên cạnh đó, các nhiệm vụ lập quy hoạch ngành quốc gia đã hoàn thành và đang trong quá trình thẩm định, tuy nhiên sau khi các đề án được phê duyệt thì mới đủ điều kiện thanh, quyết toán các hợp đồng tư vấn, tổ chức công bố quy hoạch và giải ngân vốn.

Bộ Công Thương cho biết, đang có 2 dự án xây dựng trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp trong khu công nghệ cao Hà Nội và TP HCM đang gặp vướng mắc trong quá trình giao, cho thuê đất để triển khai dự án do ảnh hưởng của công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng ở địa phương.

Liên quan đến việc giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính thông tin, ước giải ngân đến cuối tháng 9/2022 đạt trên 253.000 tỷ đồng, tăng hơn 34.000 tỷ đồng so với cùng kỳ. Có 12 bộ, ngành, địa phương tỉ lệ giải ngân trên 70%. Giải ngân đầu tư công tuy tăng về số liệu tuyệt đối nhưng về tỉ lệ mới đạt 46,7% kế hoạch giao, thấp hơn 0,7% cùng kỳ năm 2021. Có 16 bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt thấp, dưới 20%.

Đáng chú ý, có đến 6 bộ, 8 địa phương có tỉ lệ giải ngân bằng 0% kế hoạch vốn, gồm các Bộ Công Thương, Xây dựng, Y tế, Quốc phòng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM và các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Bắc Ninh, Nam Định, Bình Phước, Đồng Nai, Trà Vinh.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính nhận được văn bản đề xuất trả kế hoạch vốn năm 2022 của 17 bộ, địa phương với tổng trị giá là 6.827 tỷ đồng.

Đầu tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương năm 2022 cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị giảm dự toán chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương trong nước hơn 2.900 tỷ đồng của 9 Bộ, cơ quan trung ương (Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ Y tế, Thanh tra Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Liên minh HTX Việt Nam) và 2 địa phương (Cao Bằng, Đồng Nai) để bổ sung dự toán tương ứng cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam.

Thu Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/bo-cong-thuong-xin-dieu-chinh-giam-hon-400-ty-dong-von-dau-tu-cong-post12381.html

Miss. admin