Nhớ buổi đầu gian khó ấy

Nhớ buổi đầu gian khó ấy
Trong ký ức của lớp người về Quảng những ngày đầu chia tách, cái khó nhiều bao nhiêu thì quyết tâm vượt khó càng nhiều hơn bấy nhiêu.
Đoàn cán bộ vào Tam Kỳ làm việc trong ngày đầu chia tách tỉnh. Ảnh tư liệu
Đoàn cán bộ vào Tam Kỳ làm việc trong ngày đầu chia tách tỉnh. Ảnh tư liệu

1. Nhớ buổi sáng ngày rằm tháng Giêng Tết Nguyên tiêu – Đinh Sửu, nhằm ngày 21.2.1997, rời Đà Nẵng, ngồi trên xe dẫn đầu đoàn xe mấy chục chiếc ô tô con vào thị xã Tam Kỳ, bà Khanh (vợ của Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam – ông Mai Thúc Lân), bật khóc.

Và ngay tối hôm đó, sau khi văn phòng đưa ông bà về cơ quan, thì gặp trời mưa rất to, một con rắn hổ mang tránh mưa, bò vào tận gầm giường dành cho hai vợ chồng, làm bà Khanh hoảng hồn.

Sáng hôm sau đến cơ quan, Bí thư Mai Thúc Lân thốt lên một âm điệu buồn: Đường Đà Thành lung linh ánh điện/Phố Tam Kỳ mờ mịt cát bay… Đó là tâm trạng của một Ủy viên Trung ương Đảng – Bí thư Tỉnh ủy mang một trọng trách nặng nề, vào với đội ngũ cán bộ cùng được phân công, chung tay xây dựng tỉnh vừa tách ra còn ngổn ngang, khó khăn chồng chất.

Chia tay Đà Nẵng, Quảng Nam mang theo hành trang quá khiêm tốn. Chỉ có 100 doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp. Nhiều xã không có đường ô tô. Hơn 300.000 người thất nghiệp, tỷ lệ nghèo thuộc diện cao nhất nước.

Vừa vào tiếp quản thì đón lụt. Năm 1998 lụt lớn. Năm 1999 lụt lớn hơn, nước ngập ruộng đồng, hồ chứa Phú Ninh trực đêm xả lũ nước vẫn không ngừng dâng cao, lên ngấp nghé vượt cao trình cho phép, nhiều người run sợ vỡ đập, có ý kiến hãy phá tràn…

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Tập phải lên tận đập tràn chỉ đạo, khi nào ông ra lệnh mới được cho tràn vỡ. Mới chân ướt chân ráo vào, sức lại có hạn. Các ban ngành của Đà Nẵng và Quân khu 5 phải chi viện sức người sức của cùng Quảng Nam phòng chống và khắc phục lũ lụt.

Những ngày đầu hình thành tỉnh mới, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đều chưa đủ nhân sự và chưa có trụ sở để làm việc. Kể cả cơ quan của Văn phòng Tỉnh ủy cũng phải ở nhờ trong ngôi nhà cấp bốn, là cơ ngơi của một công ty xuất khẩu rau quả nằm ở vùng ngoại vi thị xã Tam Kỳ.

Bấy giờ, thị xã Tam Kỳ chưa có ngã tư. Ngã ba Nam Ngãi – một ngã ba trên đường số 1 chạy qua thị xã, có một tiệm thuốc Tây luôn đắt khách. Đường thị xã Tam Kỳ không chỉ hẹp, hục hang, bụi bặm, mà còn có cả bò gặm cỏ hai bên đường nội thị…

2. Người Quảng Nam có một đặc tính rất quý: giỏi chịu đựng gian khó. Càng khó thì càng quyết tâm vượt khó. Chia tay vợ, con, người thân, đến nơi mới, nhiều cán bộ liền lao vào công việc, cơ quan nào cũng bừng bừng không khí làm việc mang tính thi đua. Thi đua với người anh em Đà Nẵng.

Mang theo hành lý đầy khiêm tốn, những cán bộ được phân chia vào tỉnh mới, đối diện với nền kinh tế nông nghiệp, đất thì rộng, vùng ven biển toàn cát, vùng tây là núi đồi, cả hai chưa có nguồn đầu tư thích hợp để phát huy tiềm năng.

Trước mắt, giữ vững ưu thế nông nghiệp làm căn bản, đảm bảo nguồn lương thực, tập trung đầu tư để nâng cao sản lượng và chất lượng cho cây lúa, tính toán một số cây trồng cho giá trị cao.

Tỉnh ủy Quảng Nam đã bàn thảo, chuyển cơ cấu sản xuất, mới mong thoát nghèo, từng bước đưa công nghiệp lên vị trí hàng đầu. Tập trung thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc; tiếp đó đề xuất Trung ương mô hình kinh tế đột phá: Khu kinh tế mở Chu Lai!

Cùng với phát triển công nghiệp, nông nghiệp, Quảng Nam khai thác thế mạnh độc đáo của hai di sản văn hóa Hội An và Mỹ Sơn.

Thế mạnh vốn có này được phát huy đúng mức, đón nhận ngày càng nhiều khách tham quan lưu trú, từ đó đưa vào kế hoạch đầu tư nhằm khai thác thêm nhiều điểm tham quan du lịch độc đáo như hồ Phú Ninh, Hòn Tàu, Bãi Rạng, quần thể địa đạo Tam Thăng – Bãi Sậy – sông Đầm…

Sau một thời gian biết khai thác thế mạnh độc đáo của du lịch, Quảng Nam trở thành đất lành thu hút đầu tư và du lịch của khu vực.

Tôi nhớ nhất chuyện thời Quảng Nam – Đà Nẵng, năm nào cũng ghi kế hoạch nối con đường Trà My – Tăk Pỏ. Kế hoạch thì dễ, nhưng nguồn vốn thiếu trầm trọng. Con đường hơn 50 cây số đường núi thành con đường ‘‘tắt rồi bỏ’’!

Cho đến sau ngày tái lập tỉnh, với quyết tâm vì miền núi căn cứ địa cách mạng, quyết đưa miền núi tiến bước cùng miền xuôi mới khai thông con đường nối thị trấn Trà My lên Tăk  Pỏ – trung tâm của huyện mới Nam Trà My.

Rồi mở con đường từ trung tâm huyện Nam Trà My vào tận chân núi Ngọc Linh, thì giá trị độc đáo của cây sâm Ngọc Linh bao năm ẩn mình trong rừng sâu, mới được phát huy.

HỒ DUY LỆ

Miss. admin