Quảng Nam: Tập trung hoàn thành tiêm vắc xin phòng Covid-19 và phòng chống dịch bệnh

Quảng Nam: Tập trung hoàn thành tiêm vắc xin phòng Covid-19 và phòng chống dịch bệnh

Sáng nay 13.10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm và triển khai tiêm vắc xin ở các địa phương.

Theo báo cáo tại cuộc họp, từ ngày 28/9/2022 Quảng Nam đã hết vắc xin cho trẻ em. Dự kiến cuối tháng 10/2022, vắc xin trẻ em mới về kho Quốc gia. Trong đó, vắc xin cho người từ 12 tuổi trở lên đã được phân bổ về các địa phương là 162.000 liều. Căn cứ vào nhu cầu các địa phương, Sở Y tế đã có văn bản đăng ký 416.036 liều vắc xin từ nay đến cuối năm 2022, trong đó: 326.258 liều vắc xin cho người từ 12 tuổi trở lên (đã được phân bổ 162.000 liều) và 89.778 liều vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Thời gian tới, Sở Y tế yêu cầu các địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai tiêm mũi 3, mũi 4 cho người 18 tuổi trở lên; mũi 3 cho trẻ 12 đến dưới 18 tuổi; hoàn thành trên 90% trong tháng 10 – 11/2022; Tập trung tiêm mũi 1 và mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 90% đối với mũi 1 trong tháng 11 và 80% đối với mũi 2 trong tháng 11/2022 ngay khi nhận được vắc xin.

Đối với dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH), tính đến ngày 11/10/2022, Quảng Nam đã ghi nhận 10.838 ca, cao hơn các năm 2017, 2018, 2020, 2021 và gần bằng so với cả năm 2019 (với số mắc 11.651 ca). Toàn tỉnh có 243 ổ dịch và ghi nhận tại 107 xã, phường, thị trấn.

Số ổ dịch và số xã có ổ dịch sốt xuất huyết Dengue (SXHD) tại Quảng Nam cao nhất từ năm 2018 đến nay.  Hiện nay số ca SXHD của tuần 38 và tuần 40 đã cao hơn đỉnh dịch của năm 2019 (là năm có số mắc SXHD cao nhất kể từ năm 2016 đến nay và cũng là năm có đỉnh dịch cao nhất).

Theo dự đoán, đỉnh dịch SXH năm nay sẽ xuất hiện vào tháng 10 và tháng 11. Do đó, dự kiến tình hình dịch bệnh SXHD năm 2022 sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian đến.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, phối hợp với ngành y tế triển khai Chiến dịch vệ sinh môi trường – diệt lăng quăng/bọ gậy. Bên cạnh đó, tuy chưa xuất hiện ca bệnh đậu mùa khỉ, song UBND các huyện chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, giám sát tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời; sẵn sàng thu dung, điều trị, phân tuyến điều trị và cách ly bệnh nhân.

Ly Lan – Phúc Lâm

Miss. admin