Tin mới nhất

Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Đại Hiệp

Năm 2014, Đại Hiệp vinh dự thuộc nhóm xã đầu tiên cán đích nông thôn mới (NTM) của Quảng Nam. Năm 2019, Đại Hiệp là xã NTM nâng cao và năm 2020, xã tiếp tục lập kỳ tích, trở thành xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh và huyện Đại Lộc.
Xây dựng nông thôn kiểu mẫu ở Đại Hiệp.Ảnh: H.L
Xây dựng nông thôn kiểu mẫu ở Đại Hiệp.Ảnh: H.L

Động lực kinh tế

Nằm tiếp giáp với Đà Nẵng, xã Đại Hiệp có những bứt phá ngoạn mục trong xây dựng NTM. Các khu dân cư Đông Phú, Tích Phú, Phú Mỹ… nhà cửa khang trang, làng quê “thay áo mới” với những mái ngói đỏ, những khu vườn xanh thắm, tường rào, cổng ngõ kiên cố, đường bê tông thẳng tắp chạy khắp xóm làng.

Tại nhiều khu dân cư NTM kiểu mẫu, cảnh sắc làng quê với những con đường đầy hoa và cây xanh. Vùng quê kiểu mẫu Đại Hiệp được định hướng đi lên đô thị loại V. Để có được sự chuyển động đó, địa phương đã tập trung mọi nguồn lực, các nhóm giải pháp về kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao đời sống và thu nhập cho nhân dân.

Địa phương đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, xây dựng mô hình trồng cây ăn quả năng suất cao. Tích cực phát động phong trào hiến đất làm đường, xây dựng cảnh quan xanh – sạch – đẹp…

Theo ông Đỗ Thanh Cảng – Chủ tịch UBND xã Đại Hiệp, những năm qua, địa phương đã tập trung phát triển các nguồn lực nội sinh lẫn ngoại sinh, tập trung xây dựng và cải thiện hạ tầng cơ sở, đẩy mạnh các biện pháp giảm nghèo bền vững.

Từ nguồn lực theo cơ chế Nghị quyết 33 của UBND tỉnh năm 2011 về hỗ trợ kinh phí cơ giới hóa nông nghiệp, xã đã hỗ trợ 600 triệu đồng cho HTX Nông nghiệp Tân Phú Quý phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm nấm sò sạch. Năm 2020, xã tiếp tục hỗ trợ 150 triệu đồng cho chuỗi liên kết phát triển sản xuất vườn trái cây kết hợp du lịch sinh thái tại biền sông Yên.

Đại Hiệp xây dựng, quy hoạch vùng chuyên canh 120ha sản xuất lúa chất lượng cao, quy hoạch 100ha sản xuất nông nghiệp chất lượng cao. Khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung với loại hình gia trại (18 gia trại) chăn nuôi gà, heo, bò, vịt, bồ câu Pháp, ba ba, dê, cá, bò…

Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng; vùng trồng cây ăn quả ven sông theo hướng tích tụ ruộng đất (10ha) đã hình thành, trồng các loại cây chủ lực như ổi lê Đài Loan, ổi không hạt, mít Thái Lan, dừa xiêm…

Riêng HTX Dịch vụ nông nghiệp & kinh doanh tổng hợp Đại Hiệp đã xây dựng được các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giống, sản xuất gạch tuynel, giải quyết việc làm cho 150 lao động địa phương. Đại Hiệp hiện có 42 công ty, 7 HTX dịch vụ và 32 tổ hợp tác, 350 cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động hiệu quả.

Làng quê kiểu mẫu

Năm 2019, thôn Phú Mỹ được công nhận là khu dân cư NTM kiểu mẫu đầu tiên của Đại Hiệp. Nơi đây cảnh quan xanh – sạch – đẹp, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi thuận lợi, đời sống kinh tế người dân được nâng lên đáng kể. Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng không nhỏ, song thu nhập bình quân của người dân thôn Phú Mỹ năm 2020 là 45 – 46 triệu đồng.

 

Góp sức vào xây dựng xã kiểu mẫu có đóng góp quan trọng của Hội LHPN xã Đại Hiệp. Thời gian qua, các cấp hội đã tích cực tuyên truyền, phân loại rác thải vô cơ, hữu cơ, vận động hội viên đào hố rác hữu cơ, bảo vệ môi trường…

Bà Huỳnh Thị Ngọc Hiếu – Chủ tịch Hội LHPN xã chia sẻ, không chỉ thu gom mà nhiều hội viên còn đào hố rác hữu cơ xử lý tại gia, với rác thải tái chế, hội vận động chị em quyên góp, tạo nguồn thu để tặng quà cho phụ nữ khó khăn. Hội còn tuyên truyền phụ nữ sử dụng giỏ nhựa đi chợ, đựng thịt cá trong hộp nhựa, giảm sử dụng túi ny lon, rác thải nhựa. Ngoài ra còn tặng thùng rác nhựa để chị em tự phân loại rác tại gia, góp phần bảo vệ môi trường…

Ông Hồ Ngọc Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho hay, thực hiện chủ trương của Huyện ủy Đại Lộc, UBND xã Đại Hiệp đã xây dựng chương trình, kế hoạch về xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Công tác này có sự tập trung cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng mạnh mẽ và đồng thuận của người dân – chủ thể NTM.

Điểm nhấn là Đại Hiệp tập trung xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng rất đồng bộ. Các tuyến đường nội vùng, liên thôn xóm, cơ sở vật chất văn hóa, y tế, giáo dục đều khang trang. Đại Hiệp còn chú trọng xây dựng cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp với hệ thống vệt cây xanh, tường rào cổng ngõ khang trang, sạch đẹp.

7/7 thôn đều trở thành khu dân cư NTM kiểu mẫu, tạo điểm nhấn đưa xã cán đích xã NTM kiểu mẫu năm 2020. Bên cạnh đó, từ việc đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết việc làm, thu nhập người dân Đại Hiệp cao hơn hẳn so với các nơi. Từ nền tảng đó, chặng đường xây dựng xã Đại Hiệp theo hướng đô thị sẽ không còn xa.

Bàn giao “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên khó khăn

Liên đoàn Lao động huyện Đại Lộc vừa bàn giao “Mái ấm công đoàn” cho anh Nguyễn Viết Lượng – đoàn viên công đoàn Trường Mẫu giáo Đại Sơn, có hoàn cảnh khó khăn về chỗ ở.

Ngôi nhà cấp 4 kiên cố, có gác tránh lũ bàn giao cho anh Lượng trị giá 230 triệu đồng. Trong đó, nguồn hỗ trợ của Liên đoàn Lao động tỉnh là 50 triệu đồng, được trích từ Quỹ Xã hội từ thiện, kinh phí còn lại do gia đình đối ứng. (TR.NHAN)

Vận động trợ giúp hơn 1,3 tỷ đồng hỗ trợ 134 đối tượng khó khăn

Thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ huyện Đại Lộc đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” bằng nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả. Qua điều tra, khảo sát, hội đã lập được 234 hồ sơ “địa chỉ nhân đạo”.

Qua đó, hội đã vận động tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ kinh phí thường xuyên cho 134 đối tượng khó khăn với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng (10 nạn nhân chất độc da cam, 90 người khuyết tật và 34 người có hoàn cảnh khó khăn).  (TR.NHAN)

Đầu tư 70 tỷ đồng nâng cấp lưới điện

Thời gian qua, Điện lực Đại Lộc đã cải tạo, sửa chữa và xây dựng mới các lưới điện trung, hạ áp, đảm bảo vận hành an toàn, liên tục và hiệu quả, đáp ứng với tốc độ phát triển kinh tế của huyện và từng bước hiện đại hóa lưới điện để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.

Điện lực Đại Lộc còn quan tâm đầu tư hạ tầng nâng cao chất lượng điện năng, nhất là tại khu vực nông thôn. Nhiều dự án đầu tư cải tạo lưới điện nông thôn được đưa vào hoạt động với số vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng. Chất lượng điện cung cấp cho khách hàng cũng ngày càng ổn định, an toàn hơn.

Chỉ tính riêng trong năm 2020, ngành điện đã triển khai 11 công trình xây dựng mới và nâng cấp cải tạo lưới điện với tổng giá trị 55 tỷ đồng. Cụ thể, xây dựng mới và cải tạo 50km đường dây trung thế, xây dựng mới và cải tạo 24km hạ thế; xây dựng mới và nâng dung lượng 27trạm biến áp (TBA), với tổng công suất 6.750kVA…

Trong năm 2021, Điện lực Đại Lộc tiếp tục được đầu tư hơn 70 tỷ đồng để xây dựng mới và cải tạo nâng cấp lưới điện với 46 TBA phân phối, 35km đường dây bọc 22kV, 63km cáp vặn xoắn.

Được biết, Điện lực Đại Lộc hiện quản lý và cấp điện với chiều dài 52km đường dây 35kV, 268km đường dây 22kV (trong đó có 22km tài sản khách hàng), 473km đường dây hạ áp và cấp điện qua 353 TBA phân phối với tổng dung lượng 90.730kVA, cung ứng cho hơn 47.200 khách hàng sử dụng điện. (TRIÊU NHAN – TIẾN DŨNG)

Chuyển đổi khoảng 800ha đất lúa sang trồng cây màu

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 04 của Huyện ủy Đại Lộc về chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển nông nghiệp, giai đoạn 2016 – 2020, UBND huyện Đại Lộc đã đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng với khoảng 800ha đất lúa sang trồng cây màu.

Nhiều mô hình chuyển đổi sang trồng bí đao, khổ qua, bắp lai, trồng chuối, trồng cây ăn quả. Tại các địa phương đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh, cánh đồng mẫu lớn, tạo điều kiện cho việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến một cách đồng bộ, hiệu quả. (H.L)

HOÀNG LIÊN