Tin mới nhấtY Tế - Giáo dục - Sức khỏe

Chậm tiêm vắc xin mũi 2, có đủ chủng ngừa Covid-19?

Ngày 17.9, Bộ Y tế ban hành quyết định phê duyệt có điều kiện thêm vắc xin Abdala do Cuba sản xuất, như vậy Việt Nam có 8 loại vắc xin Covid-19 được Bộ Y tế cấp phép sử dụng bao gồm: AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Vero Cell (Sinopharm), Sputnik V, vắc xin Janssen và gần đây là vắc xin Hayat-Vax và vắc xin Abdala.
Hai mũi tiêm vắc xin Covid-19 có thể cách nhau nhiều ngày hơn so với thời gian khuyến cáo vẫn đảm bảo tác dụng phòng ngừa. Ảnh: L.C
Hai mũi tiêm vắc xin Covid-19 có thể cách nhau nhiều ngày hơn so với thời gian khuyến cáo vẫn đảm bảo tác dụng phòng ngừa. Ảnh: L.C
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hầu hết các loại vắc xin này cần được tiêm hai liều cách nhau từ vài tuần. Các dữ liệu khoa học cho thấy hiệu lực bảo vệ của vắc xin đã bắt đầu hình thành sau khi tiêm liều thứ nhất, nhưng liều tiêm thứ hai sẽ làm gia tăng hiệu lực, giúp cơ thể được bảo vệ mạnh hơn, kéo dài hơn.

Tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, nguy cơ khiến bệnh chuyển nặng, phải nhập viện (nếu nhiễm) giảm đi rất nhiều, lên tới 90%.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh và trong bối cảnh khan hiếm vắc xin Covid-19 trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam hiện nay, việc tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 đang gặp rất nhiều khó khăn.

Thực tế cho thấy có nhiều người đã quá hạn tiêm mũi 2 một vài tháng so với khuyến cáo của các hãng sản xuất vắc xin và WHO. Nhiều người tỏ ra lo lắng, liệu mũi 1 của vắc xin có mất tác dụng và có phải tiêm lại từ đầu?

Theo các chuyên gia y tế, những khuyến cáo về mốc thời gian (khoảng cách giữa hai mũi tiêm) mà nhà sản xuất đưa ra là mốc lý tưởng nhất, trong bối cảnh dồi dào và sẵn nguồn vắc xin.

Còn trong tình trạng thiếu vắc xin như hiện nay, việc tiêm chậm hơn so với khuyến cáo không ảnh hưởng đến hiệu lực của vắc xin. Người dân không phải tiêm lại từ đầu các mũi vắc xin.

Cũng theo các chuyên gia, hiện nay chưa có thời gian tối đa của việc chậm tiêm mũi 2 là bao nhiêu. Việc tiêm vắc xin chậm hơn so với khuyến cáo này đã từng xảy ra với nhiều loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng ở trẻ nhỏ.

Dù chậm trễ tiêm vắc xin Covid-19 trong một khoảng thời gian nhất định, đến mũi tiêm sau vẫn đảm bảo duy trì hiệu quả của vắc xin. Vì vậy, trong bối cảnh nguồn cung vắc xin không dồi dào, người dân đã tiêm mũi 1 cần kiên nhẫn, chờ đến lượt được thông báo đi tiêm mũi 2.

Sau khi tiêm vắc xin mũi 1, cơ thể đã được bảo vệ ở một mức độ an toàn nhất định. Tuy nhiên, thời gian này và kể cả khi đã tiêm đủ 2 mũi, người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K bởi khả năng phơi nhiễm và lây lan bệnh cho người khác sau tiêm vắc xin vẫn tồn tại.

Đã có nhiều câu hỏi thắc mắc của các thai phụ, người lớn tuổi về việc tiêm vắc xin uốn ván hay các loại vắc xin khác và Covid-19 cùng một ngày được không? Hiện nay chưa có nghiên cứu đầy đủ về việc tiêm đồng thời các vắc xin khác với vắc xin Covid-19 nhưng dữ liệu hiện tại cho thấy không có mối lo ngại nào về an toàn và hiệu quả khi tiêm đồng thời hoặc khoảng thời gian gần nhau.

Với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện tại, theo khuyến cáo của Bộ Y tế và các quốc gia trên thế giới, người dân có thể thực hiện tiêm vắc xin Covid-19 và vắc xin khác mà không cần duy trì khoảng cách nào.

Quy định của Bộ Y tế vừa ban hành cũng không quy định rõ vấn đề khoảng cách này, đối với trường hợp vừa tiêm vắc xin khác như cúm, thủy đậu, uốn ván… vẫn có thể tiêm được vắc xin Covid-19. Vắc xin ngừa Covid-19 không phải là vắc xin sống giảm độc lực nên không cần giữ đúng khoảng cách 28 ngày với vắc xin khác.

LONG CẢNH
Nguồn: https://baoquangnam.vn/y-te/cham-tiem-vac-xin-mui-2-co-du-chung-ngua-covid-19-118168.html