ĐOÀN ĐBQH QUẢNG NAM: VIỆC LÀM CHO NGƯỜI DÂN LÀ VẤN ĐỀ CẤP BÁCH

Dù bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm 2020 được xem là tươi sáng với mức tăng trưởng khá nhưng đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng nhiều đến kinh tế cả nước, tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng. Vì thế theo các đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, trước mắt còn nhiều vấn đề phải quan tâm như giải quyết việc làm, thu nhập của người dân, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam thảo luận tại tổ về kinh tế – xã hội

Tại buổi thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội, các đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã chỉ ra những tồn tại, nguyên nhân và các bài học kinh nghiệm cần phải rút ra. Đầu tiên là việc nền kinh tế bị đứt gãy, nhiều doanh nghiệp bị tác động nặng nề, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn … do tác động từ đại dịch COVID-19. Trong khi đó, phải thẳng thắn nhìn nhận, công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 còn nhiều bất cập: tính dự báo chưa cao, công tác thống kê số liệu báo cáo còn bất cập, nhận định tình hình tại một số địa phương còn chưa sát, đúng; có nơi có lúc còn chủ quan, bị động, lúng túng thậm chí lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh; phần tồn tại hạn chế của báo cáo chưa xác định, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc để xảy ra tình hình dịch bệnh bùng phát và các khuyết điểm khác.

Đại biểu Lê Văn Dũng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu thảo luận

Theo đại biểu Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, hiện nay không chỉ ở Quảng Nam mà ở nhiều địa phương khác, nhiều công ty, xí nghiệp, nhà máy đình trệ sản xuất, công nhân mất việc làm, đời sống nhiều gia đình gặp khó khăn rất lớn. Đặc biệt có thời gian, khu vực miền Trung đón hàng nghìn người từ Tp. HCM và các tỉnh phía Nam về tránh dịch. Đại biểu Lê Văn Dũng đề xuất một số ý kiến như: cần quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành trong công tác phòng, chống dịch bệnh gắn liền với phục hồi phát triển kinh tế. Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt trong thực hiện các chính sách từ Trung ương đến địa phương; khắc phục các bất cập trong tính chấp hành của một số địa phương, đảm bảo lưu thông giữa các khu vực, thống nhất trong việc xét nghiệm, sử dụng app phòng, chống COVID-19.Bên cạnh đó, việc áp dụng xét nghiệm đối với người dân đã tiêm đủ 2 mũi, ở vùng xanh đi và đến các địa phương khác cũng cần phải cân nhắc lại để tránh lãng phí nguồn lực. Chính phủ cần giải thích rõ hơn nguồn lực dành cho phòng chống dịch đã thực hiện trong thời gian qua, rà soát, đánh giá, thống kê, công khai việc huy động, sử dụng nguồn lực xã hội hóa (cả trong và ngoài nước..) đã ủng hộ phòng, chống dịch bệnh COVID-19; làm rõ vấn đề thu, chi, quản lý, điều hành nguồn lực này như thế nào để từ đó đánh giá được đóng góp, vai trò của xã hội và tính hiệu quả trong việc sử dụng nguồn lực. Về tín dụng: Cần bổ sung đánh giá tình hình triển khai, thực hiện các chính sách tín dụng về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh như giảm lãi vay..thống kê cụ thể đơn vị – cá nhân thụ hưởng chính sách, những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai, thực hiện và hiệu quả của chính sách. Về tài chính: Cần sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện chủ trương miễn – giảm – giãn thuế phí và các khoản liên quan để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh. Làm rõ kết quả công tác triển khai, thực hiện, nêu các bất cập, vướng mắc, tồn tại, hạn chế và phân tích tác động của chủ trương đến ngân sách nhà nước.

Đại biểu Phan Thái Bình, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cũng chia sẻ, vừa qua, các tỉnh miền Trung, miền Bắc đã tổ chức nhiều chuyến xe, chuyến bay để đón bà con về quê. Đây là tình nghĩa quê hương, bà con muốn về quê hương sẵn sàng đón nhận. Khi dịch ở Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở lại trạng thái bình thường mới thì bà còn lại tiếp tục về quê. Áp lực giảm cho các tỉnh phía Nam thì lại gia tăng ở các địa phương đón người dân trở về. Làm thế nào để có cơ chế chính sách đảm bảo giải quyết việc làm cho người dân về địa phương, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.

Đại biểu Phan Thái Bình, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu thảo luận

Các đại biểu cũng cho rằng, cùng với việc lùi cải cách tiền lương, đề nghị Chính phủ có giải pháp hỗ trợ cho các đối tượng có mức lương (và lương hưu) thấp để họ đảm bảo cuộc sống. Cần quan tâm hơn đến đối tượng Thanh niên xung phong và có sự điều chỉnh chính sách ưu đãi, chính sách khen thưởng phù hợp nhằm đánh giá đúng công lao của họ qua các thời kỳ. Ngoài ra, các đại biểu cũng thẳng thắn nhận định, tính dự báo tình hình ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhất là đối với biến chủng Detta chưa sát với thực tế, có nơi còn bị động, lúng túng, chủ quan. Do đó thời gian tới cần nhìn nhận một cách khách quan, đánh giá lại nguyên nhân để có sự điều chỉnh và giải pháp phù hợp./.

Mỹ Phượng – Lê Quang

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=5974

Miss. admin