Giá năng lượng tại châu Âu tăng sốc
Theo tờ DW (Đức), giá năng lượng tại châu Âu tăng đều đặn từ đầu năm 2021, nhưng tăng đáng kể là vào tháng 9. Một trong những nguyên nhân chính là do tình trạng thiếu khí đốt toàn cầu.
Chỉ trong tháng này, giá bán buôn điện ở Đức tăng gần 50%. Nhiều chính phủ châu Âu đang lo ngại về tình trạng mất điện có thể xảy ra trước nhu cầu không thể tránh khỏi về năng lượng sưởi ấm khi mùa đông đang đến gần.
Tại Vương quốc Anh, các công ty năng lượng lớn nhất của đất nước mới đây yêu cầu một gói cứu trợ khẩn cấp từ Chính phủ. Trong khi đó, một số nhà cung cấp nhỏ hơn tạm ngừng kinh doanh từ tháng trước khi không thể cung cấp năng lượng mà họ đã cam với các doanh nghiệp.
Chính phủ Tây Ban Nha vừa thông qua luật khẩn cấp để giảm giá hóa đơn năng lượng cho người tiêu dùng bằng cách giảm lợi nhuận từ các công ty năng lượng.
Tương tự, Chính phủ Italia sẽ công bố gói hỗ trợ 4,5 tỷ euro (5,28 tỷ USD) cho các hộ gia đình trong tuần này, trong khi Pháp cũng mới đưa ra các khoản trợ cấp cho hàng triệu hộ gia đình có thu nhập thấp bị ảnh hưởng bất lợi từ việc tăng giá điện.
Trên thực tế, châu Âu lấy năng lượng từ nhiều nguồn khác nhau. Nhưng mùa đông châu Âu vừa qua lạnh giá bất thường, làm cạn kiệt nguồn khí đốt tự nhiên dự trữ, không kịp được bổ sung trong mùa xuân và mùa hè này như những năm trước đó.
Thêm nữa, Công ty Gazprom độc quyền xuất khẩu khí đốt của Nga và cung cấp khoảng 1/3 tổng lượng khí đốt tự nhiên của châu Âu từ chối tăng nguồn cung tại thị trường châu Âu trong năm nay.
Mùa hè châu Á nóng bức bất thường dẫn đến nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát như máy điều hòa và gia tăng nguồn điện. Điều đó tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên trên thế giới nói chung.
Theo các chuyên gia, nhu cầu về khí đốt tự nhiên hóa lỏng đang tăng nhanh trên khắp thế giới, đặc biệt là ở châu Á do tốc độ tăng trưởng kinh tế và dân số nhanh chóng. Điều đó đã ảnh hưởng đến nguồn cung sang châu Âu, với sự sụt giảm đáng kể trong nhập khẩu vào năm 2021 so với năm 2020.
Trong khi đó, các mục tiêu khí hậu năm 2030 và 2050 của Liên minh châu Âu về lượng năng lượng tái tạo mà khối này sử dụng tăng so với các nguồn khác. Năm 2019, năng lượng tái tạo chiếm 19,7% năng lượng tiêu thụ trong khối. Mục tiêu đến năm 2030 là 32%.
Nhưng các nguồn năng lượng tái tạo cũng đã bị ảnh hưởng gần đây, nhất là lượng gió giảm mạnh ở Biển Bắc – một vùng ngoài rìa của Đại Tây Dương, nơi đặt nhiều trang trại điện gió xa bờ khổng lồ của châu Âu.
Ngoài ra, dự đoán về xu hướng giá năng lượng thế giới trong thời gian sắp tới, nhật báo Le Monde (Pháp) cho rằng giá dầu, khí đốt, điện và than sẽ tăng cao do kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19 và nhu cầu sử dụng năng lượng tăng vọt.