Iron Dome đến Ukraine: Washington chuyển cục nợ sang vai Kiev

Dù Iron Dome bị đánh giá là kẻ vô dụng trong việc đối phó với vũ khí Nga nhưng Mỹ đang có kế hoạch chuyển vũ khí này cho Ukraine.

Tờ Politico của Mỹ cho biết, việc cung cấp các hệ thống phòng không cho Ukraine sẽ được tài trợ riêng và không nằm trong gói viện trợ quân sự trị giá 275 triệu USD đã được Quốc hội thông qua hồi tháng 3/2021.

Theo kế hoạch, Washington sẽ chuyển giao cho Kiev hai hệ thống Iron Dome mà Lầu Năm Góc đã mua từ Israel năm 2019. Tại Mỹ, những hệ thống này không thể tích hợp vào hệ thống chỉ huy và kiểm soát quân sự mới do phần mềm không phù hợp.

Hệ thống Iron Dome của Mỹ.

Nguồn tin này cho biết, mục đích các nghị sĩ Mỹ muốn chuyển giao cho ai đó món đồ đắt tiền này (Iron Dome) là điều khá dễ hiểu.

Trước đây Mỹ cũng đã nhiều lần chuyển giao cho Kiev các thiệt bị quân sự đã qua sử dụng. Ví dụ, Mỹ đã bàn giao cho Ukraina 2 tàu tuần tra lớp Island đã qua sử dụng, cũng như vài chục xe bọc thép Humvee đời cũ.

Cùng với đó, chuyên gia Michael Kofman từ Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ cũng đã có nhận định về tính hiệu quả của Iron Dome khi được sử dụng để chống lại Nga: “Trong cuộc đối đầu với Nga, hệ thống Iron Dome sẽ chỉ có hiệu quả hạn chế. Quân đội Nga thường huy động ồ ạt pháo binh trong các cuộc chiến và có thể dễ dàng chế áp các vị trí của hệ thống phòng không Ukraine, chỉ đơn giản bằng cách làm quá tải các radar của hệ thống đánh chặn này với số lượng lớn đạn tấn công được phóng đồng thời.

Tất nhiên, hệ thống Iron Dome có thể bao phủ trung tâm chỉ huy hoặc bất kỳ cơ sở hạ tầng quan trọng nào, nhưng người Ukraine khó có thể duy trì hoạt động của hệ thống đánh chặn này trong thời gian dài”, chuyên gia Michael Kofman nhận định.

Mặc dù vậy, Mỹ vẫn rất nghiêm túc với kế hoạch chuyển giao những hệ thống Iron Dome cho Ukraine. Nếu Quốc hội Mỹ chấp thuận việc chuyển giao, Nhà Trắng có thể trúng hai đích bằng một mũi tên.

Thứ nhất, với nghĩa cử cao đẹp này, Washington sẽ cải thiện đôi chút hình ảnh bị tổn hại của mình sau khi rút quân khỏi Afghanistan. Thứ hai, quyết định này sẽ giúp loại bỏ các thiết bị quân sự không cần thiết.

Ngoài ra, Mỹ chắc chắn rằng, hệ thống Iron Dome không thể mang lại cho Lực lượng vũ trang Ukraine lợi thế lớn trên chiến trường, có nghĩa là không nên lo lắng trước phản ứng cứng rắn từ phía Nga khi Iron Dome được chuyển cho Kiev.

TÀI TRỢ

Thực chiến yếu kém của Iron Dome đã được kiểm chứng trong cuộc xung đột giữa Israel và Phong trào Hamas hồi tháng 5/2021. Theo phát ngôn viên Lữ đoàn Izz ad-Din al-Qassam của Hamas, Abu Obeida, các tay súng chiến binh của lực lượng này đã biết cách biến Iron Dome thành vô hại.

Chiến thuật phóng mới được Hamas phát hiện chỉ đơn giản là mỗi đợt phóng, lực lượng này sẽ đồng loạt khai hỏa hàng chục đạn chứ không phải bắn từng quả đơn lẻ như trước đây vẫn được áp dụng.

Hệ thống đánh chặn Iron Dome sẽ không kịp phản ứng và tung ra đòn đáp trả. Phong trào Hamas ở Palestine đã phóng khoảng 1.500 quả pháo phản lực (rocket) từ ngày 10/5 đến 13/5, trong đó 1.050 quả bay vào lãnh thổ Israel và khoảng 350 quả gặp sự cố khi phóng.

Iron Dome đã đánh chặn hàng trăm quả rocket, nhưng số lượng bị đánh chặn ít hơn nhiều số đạn dội vào các mục tiêu tại Israel. Những đòn tấn công từ Hamas đã phơi bày nhiều hạn chế của lá chắn Iron Dome.

Cùng với việc bị khoét vào điểm yếu, bản thân Iron Dome còn trực tiếp gây nguy hiểm cho lực lượng mặt đất. Bởi trong nhiều tình huống bắn trượt mục tiêu, đạn đánh chặn Tamir đã không tự hủy mà lao thẳng xuống mặt đất một cách không kiểm soát.

Mặc dù vậy, Ukraine vẫn hy vọng sẽ nhận được những hệ thống Iron Dome từ Mỹ và chúng sẽ tạo nên khác biệt cho phòng thủ nước này, lực lượng hiện đang được trang bị phần lớn vũ khí có từ thời Liên Xô.

Thùy Dung

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/vu-khi/iron-dome-den-ukraine-washington-chuyen-cuc-no-sang-vai-kiev-3439559/

Miss. admin