Tin mới nhất

Kiến nghị có chế tài xử lý nghiêm khắc tình trạng nợ đóng bảo hiểm

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ hai của Quốc hội, chiều 22.10, thảo luận tại tổ ở điểm cầu Quảng Nam, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đánh giá cao hiệu quả điều hành của Chính phủ đối với lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH), từ đó đảm bảo tốt công tác an sinh xã hội của đất nước.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tổ tại điểm cầu Quảng Nam chiều ngày 22.10 theo chương trình Kỳ họp thứ hai, Quốc hội (khóa XV). Ảnh: N.Đ
Thảo luận tổ tại điểm cầu Đoàn ĐBQH Quảng Nam vào chiều 22.10. Ảnh: N.Đ

Các ý kiến thảo luận tại tổ cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần có giải pháp, chế tài mạnh mẽ nhằm hạn chế tình trạng chây ì, trốn đóng bảo hiểm cho người lao động của chủ doanh nghiệp. Qua đó, góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động trong tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

Tăng chi chế độ bảo hiểm thất nghiệp

Thừa ủy quyền của Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020, ông Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Tổng số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2020 gần 1,1 triệu người, tăng 30,09% so với năm 2019 và chiếm 96,79% số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo ông Dung, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, số người được hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tăng dẫn đến tổng tiền chi cho các chế độ BHTN tăng. Theo đó, số tiền chi các chế độ BHTN năm 2020 hơn 17,1 nghìn tỷ đồng, tăng 4.514 tỷ đồng (tương ứng với 35,7%) so với năm 2019.

Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, năm 2020 có 860.741 người hưởng BHXH một lần, tăng 6,65% so với năm 2019 và gấp hơn 2 lần so với số người tham gia BHXH tăng thêm của năm 2020 so với năm 2019.

Trình bày báo cáo thẩm tra đối với báo cáo trên của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội – bà Nguyễn Thúy Anh cho rằng, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện năm 2020 đã đạt tỷ lệ 2,31% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt xa kế hoạch đề ra và gần bằng kế hoạch đến năm 2025. Tuy nhiên, mức đóng có xu hướng giảm nhanh.

Trong khi đó, số thu BHXH bắt buộc tăng 6,25% nhưng tốc độ tăng thấp hơn so với tốc độ tăng thu của năm 2019. Mức lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc và BHTN tăng không đáng kể, thậm chí tỷ lệ tăng có xu hướng giảm so với giai đoạn trước. Tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện có xu hướng giảm nhanh.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, các nội dung chi của Quỹ BHXH và Quỹ BHTN đều tăng về số người, số tiền so với năm 2019 và nằm trong xu thế tăng đều trong những năm qua. Vẫn còn tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ để lạm dụng, trục lợi Quỹ ốm đau, thai sản. Vẫn còn tình trạng chi sai, chi chế độ trợ cấp thất nghiệp trùng với thời gian đóng BHXH. Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp và Quỹ BHTN vẫn chi chủ yếu vào một số chế độ nhất định, chưa thực hiện được hết các chế độ theo quy định.

Cần có chế tài mạnh

Thảo luận tại tổ ở điểm cầu Quảng Nam, đại biểu Phan Thái Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cho rằng, số tiền chậm đóng BHXH tự nguyện năm 2020 rất lớn, với hơn 15,1 nghìn tỷ đồng. Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bởi đã kéo dài nhiều năm, trước khi có dịch bệnh Covid-19.

“Nợ đóng BHXH tự nguyện sẽ ảnh hưởng ngay đến an toàn của quỹ bảo hiểm và quyền lợi của người lao động. Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ phải có chế tài xử lý nghiêm khắc hơn đối với những chủ sử dụng lao động nợ đóng bảo hiểm trong thời gian dài. Bởi, mức phạt chậm đóng bảo hiểm thấp hơn so với lãi vay ngân hàng thì sẽ xảy ra tình trạng nợ bảo hiểm. Có cơ chế xử lý đối với nguồn quỹ nợ không có khả năng thu” – ông Bình phát biểu.

Ngoài ra, cũng theo đại biểu Phan Thái Bình, nguồn chi BHTN năm 2020 là 17.149 tỷ đồng, tăng 4.514 tỷ đồng (tương ứng với 35,7%) so với năm 2019. Đây là con số đang được các ĐBQH hết sức quan tâm, nhưng ngoài tác động của dịch bệnh Covid-19 thì còn có các nguyên nhân nào khác?

“Tôi đề nghị Chính phủ phân tích rõ con số tăng do tình hình dịch bệnh Covid-19 là bao nhiêu trong hơn 4.500 tỷ đồng, nhằm có đánh giá rõ hơn về bức tranh phát triển BHXH và có giải pháp chỉ đạo, điều hành phù hợp, không thể đổi lỗi hết cho dịch bệnh” – ông Bình kiến nghị.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Văn Dũng nói, Chính phủ cần có biện pháp quyết liệt, mạnh hơn để xử lý các chủ doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động chây ì, trốn tránh việc đóng BHXH, BHTN. Nhất là trong bối cảnh người lao động đang chịu nhiều khó khăn do tách động của dịch bệnh Covid-19.

Cũng theo ông Dũng, hiện đối tượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã đóng bảo hiểm không đầy đủ, các bảo hiểm ốm đau, thai sản không được đóng. Như vậy, sẽ không được thụ hưởng các lợi ích này, đây là một thiệt thòi lớn.

“Trong khi chờ sửa đổi, bổ sung của luật, Chính phủ nên giao cho BHXH Việt Nam hướng dẫn thêm các nội dung này để cán bộ không chuyên trách cấp xã được hỗ trợ đóng đầy đủ bảo hiểm, đảm bảo được quyền lợi của người tham gia bảo hiểm nói chung” – ông Dũng thảo luận.

Các ĐBQH tỉnh cũng hết sức quan tâm đến báo cáo về số lượng người hưởng BHXH một lần của năm 2020. Các ý kiến thảo luận cho rằng, chính sách hưởng BHXH một lần là vấn đề đang được cử tri cả nước quan tâm. Theo đó, cần phân tích rõ nguyên nhân và có giải pháp để cho đối tượng yên tâm tiếp tục đóng BHXH, giữ cho được tính ổn định lâu dài. Bởi khi còn trẻ, còn sức lao động mà nhận BHXH một lần thì lúc về già không có lương hưu. Từ đó, sẽ gây áp lực lớn cho công tác an xã hội trong tương lai.

NGUYÊN ĐOAN