Mở rộng di thực sâm Ngọc Linh

Sau thành công bước đầu trong việc di thực cây sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam mở rộng trồng thí điểm tại một số huyện khác. Phước Sơn, Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang, Bắc Trà My và Núi Thành là 6 huyện được UBND tỉnh Quảng Nam chọn triển khai di thực sâm Ngọc Linh.

0:00
/
3:04
Nam miền Bắc
Sâm Ngọc Linh được biết đến là loài dược liệu quý, chỉ phân bố trên đỉnh Ngọc Linh thuộc huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), Tu Mơ Rông và Đắk Glei (tỉnh Kon Tum). Kể từ năm 2017, chính quyền địa phương triển khai di thực cây sâm Ngọc Linh ra 4 xã khác trên địa bàn huyện gồm Trà Tập, Trà Dơn, Trà Don, Trà Leng với diện tích khoảng 60 ha.

Theo ông Trịnh Minh Quý, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Nam Trà My, sau 4 năm thực hiện có thể đánh giá việc di thực cây sâm trên địa bàn huyện đã thành công. “Tại xã Trà Leng, Trà Don, việc di thực sâm Ngọc Linh chưa có kết quả rõ ràng nhưng tại Trà Tập, Trà Dơn kết quả rất tốt, cây sâm đã cho hoa, cho hạt” – ông Quý nói và cho hay hiện nay, dù chưa có đánh giá về chất lượng nhưng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không quá khác biệt giữa các xã, hy vọng chất lượng sâm không quá chênh lệch.

Ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, cho biết từ thành công bước đầu tại huyện Nam Trà My, vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam giao cho 6 huyện kể trên, mỗi huyện 1.000 cây giống, để trồng thử nghiệm ở các vùng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng, độ cao từ 1.000 m so với mực nước biển trở lên. Đến thời điểm này, huyện Phước Sơn, Nam Giang, Tây Giang, Bắc Trà My đã được cấp cây giống về trồng. Riêng huyện Đông Giang và Núi Thành gặp một số vướng mắc nên chưa triển khai.

Sau 4 năm di thực đến xã Trà Tập (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), sâm Ngọc Linh sinh trưởng tốt, đã cho hoa, quả. Ảnh: PHÚ THIỆN
Ông Trần Út, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, từng là Giám đốc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam, cho biết từ năm 2004, Quảng Nam đã triển khai trồng thí điểm cây sâm Ngọc Linh tại xã Ch’Ơm (huyện Tây Giang) và Phước Lộc (huyện Phước Sơn). Tuy nhiên, vì nhiều lý do, từ việc chăm sóc, quản lý…, các dự án đều “chết yểu”. Chính vì vậy, đến nay vẫn chưa có cơ sở để đánh giá việc trồng sâm Ngọc Linh tại các địa phương này có hiệu quả hay không. Một số địa phương như Khánh Hòa, Quảng Trị cũng đem sâm Ngọc Linh về trồng thử nghiệm nhưng chưa có đánh giá kết quả.

Ông Út khẳng định lần này Quảng Nam sẽ triển khai một cách bài bản, khoa học để có những đánh giá cẩn thận, đầy đủ dựa trên số liệu cụ thể.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết di thực sâm Ngọc Linh là một trong những bước đi quan trọng nhằm mở rộng vùng nguyên liệu, giúp dân thoát nghèo, dần hiện thực hóa khát vọng đưa sâm Việt Nam ra thế giới. Điều quan trọng không kém là giúp bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng. Theo ông Bửu, trong dự thảo Chương trình quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045 do UBND tỉnh Quảng Nam trình và đang được Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến các ngành, mục tiêu đến năm 2025 sẽ di thực, mở rộng vùng trồng sâm Ngọc Linh tại 122 huyện nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên toàn quốc, nơi có độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển.

Theo quy định của Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam, sâm Ngọc Linh giống (1 năm tuổi) có giá 270.000 đồng/cây. Hiện nay, mỗi năm Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam cho ra đời khoảng 50.000 – 60.000 cây giống 1 năm tuổi. Cùng với nguồn giống trong dân và một số doanh nghiệp, về cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người trồng sâm, không còn tình trạng thiếu cây giống như trước đây. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng mức giá 270.000 đồng/cây sâm giống vẫn còn khá cao.

Trần Thường

Nguồn Người Lao Động: http://nld.com.vn/moi-truong/mo-rong-di-thuc-sam-ngoc-linh-20211006205738389.htm

Miss. admin